14/04/2015 1:53:37

Tiếng nói của chúng tôi

Ngày 8/4, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác quý I và bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2015. Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến hay, giải pháp mới… Báo Năng lượng Mới xin trích đăng một số ý kiến đó.

Năng lượng Mới số 412

Ông Phan Thanh Tùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)

Có thể nói, việc giá dầu ảnh hưởng liên quan đến cơ cấu giá thành dịch vụ và trực tiếp ảnh hưởng đến dịch vụ PTSC cũng không đáng kể. Nhiều khi giá dầu giảm, ngành Dầu khí chịu tác động nhiều nhưng có những ngành lại được lợi, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cấu thành giá tăng lên.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có nhiều dự án trên biển của Tập đoàn bị đánh giá lại, giãn, dừng rất nhiều. Sức ép cạnh tranh hiện nay cũng rất lớn, các dự án của Tập đoàn, đặc biệt là các dự án công nghiệp gần như do yếu tố trong nước chúng ta chưa làm EPC được, cộng với việc chính sách thay đổi, hầu hết đấu thầu quốc tế hoặc đấu thầu tư nhân trong nước có lợi và PTSC phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Ngay trong ngành, những dự án của chúng ta, việc cạnh tranh cũng rất khốc liệt bởi cũng có rất nhiều đơn vị cũng có thể làm được những công việc giống nhau. Với tình hình đó, quý I chúng tôi đã rất lo lắng và sợ không đạt được kế hoạch. Thế nhưng, nhờ có sự hỗ trợ của Tập đoàn và nỗ lực của người lao động, chúng tôi đã đạt kế hoạch quý I đạt 4.800 tỉ đồng, đạt 111% kế hoạch quý I/2015, tương đương 18% kế hoạch năm, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỉ đồng, đạt 115% kế hoạch quý I/2015, tương đương 19% kế hoạch năm, giảm 26% so với năm trước.

Trong thời gian sắp tới, về mặt phát triển kinh doanh, thị trường, chúng tôi tập trung vào một số thị trường nhất định, tăng cường nghiên cứu, thuê tư vấn thông tin dịch vụ đấu thầu, đại lý… để tạo niềm tin khách hàng. Mục tiêu mức giá rẻ thị trường trong nước và khu vực. Hiện nay, chúng tôi có thể cạnh tranh đơn giá Trung Quốc, tuy nhiên, còn nhiều giải pháp chưa mang tính chính quy, dài hạn. Chúng tôi đã học hỏi cách quản lý của một số công ty có kinh nghiệm của nước ngoài như Technic, JGC… Dần dần chúng ta đã có thể cạnh tranh và tham gia một số dự án trong khu vực như Ấn Độ, Brunei, Malaysia, Myanmar, Ghana… Tại dự án ở Ghana, chúng ta thành công một phần do giá và công nghệ của chúng ta rất tốt, có thể sản xuất module cho FPSO, một phần do sự tin tưởng của khách hàng đối với chúng ta.

Về hệ thống quản lý, việc tiết kiệm, sáng kiến, giải pháp rất nhiều. Chúng tôi áp dụng nhiều loại hình do tự nghiên cứu hay học hỏi các công ty bạn, điển hình như đề án nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các khu vực dịch vụ của PTSC đang rất nỗ lực để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành nhưng có một số khu vực có đặc thù. Chúng tôi vẫn nhận định, với bối cảnh như hiện nay, các đơn vị dầu khí gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi vẫn cho rằng, nếu muốn duy trì phần vốn của Nhà nước chi phối và quyền điều hành cấp Tập đoàn thì vẫn phải tìm ra được cách thức để hỗ trợ đối với các đơn vị doanh nghiệp Nhà nước hay cổ phần Nhà nước. Ở những nước lân cận như Malaysia, mặc dù các doanh nghiệp Nhà nước của họ đã hội nhập lâu nhưng vẫn cần có những chế độ để bảo hộ. Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn đã có nhiều hành động quyết liệt, cụ thể, nhưng trong thời gian tới, chúng ta có thể có những biện pháp để tạo công ăn việc làm và tăng năng lực cạnh tranh hợp lý với thị trường.

Nếu chúng ta làm bước so sánh thì tôi nghĩ rằng, các đơn vị dịch vụ Tập đoàn không phải mức kém ở trong khu vực. Như bên Malaysia, họ có nhiều đơn vị dịch vụ lâu năm, năng lực cạnh tranh của chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với họ. Trong khu vực, không nhiều nhà thầu cạnh tranh vượt trội hẳn chúng ta. Năng lực về công việc, chúng tôi đã đẩy hết ra nước ngoài như tàu, công trình biển… Giá trong nước cũng đang tiệm cận với các nước trong khu vực, đặc biệt khu vực cơ khí trên biển và trên biển.

Ông Đỗ Văn Khạnh – Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)

Trong quý I/2015, PVEP đã hoàn thành 100% kế hoạch với tổng sản lượng khai thác quy dầu 1,37 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá dầu thấp hơn 44% so với giá dầu kế hoạch, tổng doanh thu quý I ước tính 9.997 tỉ đồng, đạt 71% kế hoạch quý; lợi nhuận trước thuế là 5.099 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch quý; lợi nhuận sau thuế là 2.399 tỉ đồng, đạt 59% kế hoạch quý; nộp ngân sách Nhà nước ước tính 3.360 tỉ đồng, đạt 69% kế hoạch quý I.

Tuy nhiên, hiện PVEP gặp khó khăn vì giàn Thiên Ưng đưa vào chậm, việc thu gom khí của mỏ Đại Hùng chậm, dự kiến khó có thể đạt được yêu cầu của Tập đoàn đối với đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại và thu gom khí.

Ngoài việc gia tăng trữ lượng, an toàn mỏ, thì việc phát triển các dự án mới cũng được chú trọng. Trong quý I/2015, PVEP đã tiến hành đánh giá sàng lọc khoảng 19 dự án, cơ hội đặc biệt đã ký thỏa thuận tham gia cơ hội SEA EAGLE (15%).

Vừa qua, PVEP cũng đã đàm phán và đạt được mục tiêu giảm giá mảng dịch vụ. Tuy nhiên, mức này chưa đạt mức chung thị trường và so với mục tiêu cắt giảm chi phí mà Tập đoàn giao rất khó khăn. Đề nghị các công ty dịch vụ hỗ trợ về giá để PVEP hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện nay, các cơ chế tài chính áp dụng chung cho các công ty dầu khí còn nhiều vấn đề không phù hợp với các công ty thăm dò, khai thác như PVEP, chúng tôi đã đề xuất nhiều phương án. Ví dụ các giếng khoan thăm dò, nếu không thành công sẽ được tính ngay vào chi phí của năm đó, nhưng với quy chế hiện nay, trong 5 năm sau chi phí mới được phân bổ. Thế nhưng, với giá dầu như hiện nay, PVEP sẽ không còn tiền, trong khi các chi phí thăm dò khai thác tiếp tục “treo”. Khi chúng tôi báo cáo các bộ, ngành, thì hầu hết các cơ quan đều đồng tình với PVEP nhưng lại sẽ ảnh hưởng tới thu nộp ngân sách và phải báo cáo chính phủ. Kiến nghị Tập đoàn hỗ trợ PVEP vì chúng tôi đang “treo” chi phí lớn, chưa kể có nhiều dự án chi phí cao, khả năng thu hồi kém như SK305 hay Junin-2.

Chúng tôi cũng kiến nghị với Tập đoàn không nên giữ 100% vốn Nhà nước mà nên cho các đơn vị nước ngoài tham gia một số % vào các dự án dầu khí, cổ phần hóa một số dự án nhiều rủi ro để huy động nguồn vốn. Nên xem xét cho phép PVEP, không phải đến 2025 mà sớm hơn được cổ phần hóa, có thể bán dưới 5-10% cho tới 30%.

Ông Phạm Tiến Dũng – Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling)

PV Drilling là đơn vị chuyên sâu kỹ thuật, vận hành các giàn khoan, cung cấp dịch vụ khoan giếng khoan khai thác dầu khí. Chính vì là đơn vị cốt lõi như vậy nên khi giá dầu giảm, các khách hàng giảm khối lượng khai thác nên tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Drilling. Trong báo cáo sơ kết chúng ta có thể thấy rằng, PV Drilling không đạt kế hoạch trong các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân là đơn vị làm trực tiếp dịch vụ cho các công ty thăm dò và khai thác Dầu khí (E&P) nên công việc giảm mạnh, giá dịch vụ cũng giảm mạnh. Ngay cả các hợp đồng chúng tôi đã ký, đã và đang làm từ năm 2014 khách hàng cũng yêu cầu tạm ngưng, yêu cầu đàm phán giảm giá.

Giảm giá chỉ là một nửa câu chuyện, vấn đề là phải có việc làm lâu dài. Hiện nay, các doanh nghiệp dịch vụ E&P chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. PV Drilling khẳng định, chất lượng dịch vụ E&P của PV Drilling nhỉnh hơn các đơn vị quốc tế đang có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi đã đi đấu thầu khắp nơi từ Brunei, Malaysia, Thái Lan… thậm chí các công ty dầu khí, các dự án khai thác họ chấm thầu xong họ cũng không công bố xem ai thắng thầu mà cứ để đó. Hơn nữa, các đối tác còn điều chỉnh khối lượng công việc của các gói thầu hiện hữu khiến khó khăn càng chồng thêm khó khăn. Với các phần việc E&P trong nước đang giảm 35%, số mảng dịch vụ giảm 50% công việc. Một số dịch vụ còn phải chịu lỗ, chúng tôi đã tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, thậm chí còn cắt giảm cả nhân sự, chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên do ngay từ đầu năm 2015, lãnh đạo Tập đoàn đã có ý kiến đưa giàn khoan số 6 nên ngay khi đưa vào hoạt động đã đạt hiệu suất hơn 98,68%, thu lại lợi nhuận khả quan cho PV Drilling.

Trao đổi trước khi bắt tay vào việc trên giàn PV DRILLING VI

Đứng trước tình hình này, PV Drilling đã cắt giảm chi phí, tối ưu hóa toàn diện để nâng cao hiệu suất công việc E&P phù hợp với tình mới. Chúng tôi cũng đã tiến hành đàm phán với các đối tác để xem xét giá dịch vụ phù hợp với từng dự án. Nhưng thực tế tồn tại một nghịch lý rằng, có nhiều hợp đồngPV Drilling ký kết khi giá dầu thấp nhưng khi giá dầu tăng thì không tăng giá dịch vụ. Bởi vậy việc giảm giá như thế nào, giảm bao nhiêu để đảm bảo cho dự án hoạt động an toàn, hiệu quả, thu lợi ích tốt nhất cho Việt Nam đang là vấn đề cần lãnh đạo PVN xem xét cụ thể, chính xác.

Ông Phạm Việt Anh – Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans)

Trong bối cảnh chung giá dầu suy giảm, nhiều đơn vị gặp khó khăn thì PV Trans lại là đơn vị được hưởng lợi. Do giá dầu giảm, giá nhiên liệu giảm, chi phí giảm nên các hoạt động dịch vụ vận tải có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vài tháng gần đây PV Trans ít bị tác động hơn. Trong quý I/2015, PV Trans đạt doanh thu 1.198 tỉ đồng, đạt 102% so với kế hoạch quý; lợi nhuận trước thuế đạt 54 tỉ đồng, đạt 121% so với kế hoạch quý.

Để đối phó, PV Trans sẽ nỗ lực cắt giảm khoảng 47 tỉ đồng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2015 (trong đó tiết giảm chi phí đầu tư 12,4 tỉ đồng). Trong quý I, PV Trans đã thực hiện tiết kiệm được 7,7 tỉ đồng. Trong đó tiết kiệm từ chi phí quản lý là 1,3 tỉ đồng, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng 3,2 tỉ đồng; tiết kiệm từ chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản 3,2 tỉ đồng.

Thời gian vừa qua, PV Trans đã phải đàm phán với các khách hàng lớn để giảm giá cước. Ví dụ giá cước với PV Oil, BSR cũng đã giảm nhiều, hơn 20-30%. Giá cước hiện nay áp dụng cho BSR thấp hơn thị trường. Dịch vụ chuyên cung cấp cho các mỏ Bạch Hổ, Nhà máy Dung Quất chỉ còn 470 ngàn USD/chuyến. Nếu giờ tàu PV Trans trục trặc, phải thuê tàu ngoài thì cao hơn khoảng 30%.

Doanh thu chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch, giữ ổn định. Thuận lợi là thị trường quốc tế khởi sắc, giá cước đang tăng lên. Tuy nhiên, đó là những mặt sáng, nhưng bản chất thì PV Trans vẫn là con nợ lớn của Tập đoàn, nợ vay ưu đãi khoảng 1.600 tỉ, chủ yếu từ 2 dự án tàu 104, 105 ngàn tấn. Dự án này không phải của PV Trans mà của Vinashin trước đây, sau đó Chính phủ chuyển về cho Tập đoàn, Tập đoàn bán lại cho PV Trans với hình thức cho vay 100%. Dự án tàu 105, Tập đoàn đã cho phép hoán cải thành tàu FSO cho mỏ Đại Hùng. Đây là dự án kỷ lục… chậm về đóng tàu. Khởi công 2007, giữa 2015 mới đưa vào hoạt động.

Chúng tôi rất ý thức, muốn tồn tại bền vững thì không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay chất lượng dịch vụ của PV Trans rất cao, đáp ứng nhu cầu quốc tế. Tuy nhiên, giữa thượng nguồn và hạ nguồn, sự cạnh tranh ở hạ nguồn rất khốc liệt. PV Drilling, PTSC cạnh tranh với cty nước ngoài là chính, nhưng PV Trans phải cạnh tranh với công ty tư nhân đơn vị vận tải trong nước. Đầu tư nước ngoài cũng rất khó khăn, ví dụ như ở khu vực Trung Đông, có lúc nhiệt độ tới 500C, nguy cơ cướp biển…

Trong thời gian vừa qua, PV Trans đã phải nỗ lực để đảm bảo công ăn việc làm và trả nợ. Hiện nay mức độ kinh doanh của PV Trans đã đi vào quỹ đạo và dần khắc phục được. Năm 2015-2016 là cơ hội, PV Trans phải đón đầu, một loạt các dự án của Tập đoàn như Nghi Sơn, Nhà máy Điện than Thái Bình, Long Phú, Hóa dầu Long Sơn… tạo ra cơ hội vận chuyển, cảng, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra lớn. Cơ hội này PV Trans không nghĩ là của mình mà là lợi thế, bởi PV Trans hiện nay là đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh nhất về vận tải biển ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Tập đoàn có nhiều dự án đầu tư, giá dầu giảm thì chắc chắn không hy vọng Tập đoàn tăng vốn cho PV Trans với vai trò là cổ đông lớn. Vừa qua, Tập đoàn vừa giảm vốn từ 58 xuống 51%, PV Trans sẽ đề xuất để tiếp tục giảm vốn của Tập đoàn xuống 25% bằng cách phát hành thêm cổ phiếu và mời các cổ đông khác tham gia. Thay vì bán đi, vốn Tập đoàn sẽ giảm xuống để cân đối nguồn vốn, tiết giảm đầu tư miễn là chúng ta có kế hoạch, có thị trường tốt để thu hút đầu tư. Đồng thời, khi chúng ta mời cổ đông vào sẽ tăng thêm tính phản biện, minh bạch trong quản trị.

Đây là lộ trình lớn, bởi PV Trans vừa phải xử lý những vấn đề do lịch sử để lại, vừa đón đầu những cơ hội trong thời gian tới. Trong đề xuất, chúng tôi nhận thấy trong nước có nhiều đơn vị vận tải bị ngân hàng siết nợ hoặc của Vinalines cũng đang cổ phần hóa tách riêng. Kiến nghị để PV Trans xem xét, nếu giá cả hợp lý và đội tàu có thể sử dụng được, phù hợp với định hướng chiến lược, vì PV Trans vận chuyển hàng lỏng và hàng rời như than, thì PV Trans sẽ mua lại và sử dụng nguồn vốn hiện hữu của PV Trans chứ không dùng vốn Tập đoàn.

Ông Phan Tử Giang – Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS)

Tôi không ngại khi tự “ví von” Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất giờ như một anh béo ngồi trên đống phao. Béo là béo bệnh chứ không phải béo khỏe. Đống phao đó, cái thì của Tập đoàn, cái của PV Trans, của Vietsovpetro, của PVEP… và cái phao nào bị rút ra cũng đều khiến đóng tàu Dung Quất bồng bềnh cả. Có nhiều phao “chất lượng” của PTSC, PV Drilling nhưng chúng tôi chưa với được…

Quý I/2015, DQS làm ăn có lãi, cụ thể lãi 57 tỉ đồng trên tổng doanh thu 329 tỉ đồng. Tuy nhiên, bước sang quý II rồi nhưng DQS vẫn chưa nhìn thấy việc đâu và nguy cơ lỗ là rất rõ ràng. Nói thế không phải DQS lười nhác, há miệng chờ sung mà vì khó khăn nhất của chúng tôi chính là tham gia đấu thầu. Năng lực của DQS đã được cải thiện mạnh mẽ trong khoảng 2 năm trở lại đây, bằng chứng là việc bảo dưỡng giàn khai thác “FPU DAI HUNG – 01” cho PVEP-POC và chế tạo kho nổi chứa xuất dầu thô “FSO PVN ĐẠI HÙNG QUEEN” cho PV Trans. Nhưng mỗi khi dự thầu, yêu cầu của chủ đầu tư đang khiến DQS gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như yêu cầu phải 3 năm làm ăn có lãi (!?), hoặc có thông số tài chính nhất định…

Chúng tôi mạnh dạn đề xuất Tập đoàn hỗ trợ các cơ chế đến hết năm 2015. Khi tài chính lành mạnh hơn, công tác tái cơ cấu hoàn tất thì từ 2016 chúng tôi sẽ tham gia đấu thầu sòng phẳng. Đặc biệt, khi đơn vị xử lý đóng mới, sửa chữa các phương tiện nổi được cơ cấu nhanh hơn, đề nghị Tập đoàn giao DQS các dự án sửa chữa, hoán cải và đóng mới các tàu chứa dầu FSO, FPSO. Hiện tại đội tàu trên của Tập đoàn đều đóng ở nước ngoài. Với lợi thế về nhân công và cơ sở vật chất sẵn có, chúng tôi cố gắng đưa giá thành về mức thật sự cạnh tranh.

Nhân diễn đàn này, DQS kiến nghị các đơn vị thành viên trong Tập đoàn nếu đã tin tưởng DQS thì hãy cho chúng tôi việc làm. Phải thừa nhận là chúng tôi còn nhiều nhược điểm, tuy nhiên đội ngũ cán bộ, người lao động DQS luôn tâm niệm mình là đơn vị làm dịch vụ và không được phép ngại khó, ngại khổ. Hiện tại DQS đang khá lo lắng về công ăn việc làm trong thời gian tới, vừa đảm bảo doanh thu và kế hoạch đã đăng ký với Tập đoàn”.

Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (BSR)

Với các nhà máy lọc dầu, giá dầu thấp không hẳn quan trọng, cùng lắm là mất đi một vài phần trăm doanh thu mà thôi. Vì nước nổi bèo nổi, giá dầu thô đầu vào xuống thì giá sản phẩm cũng rẻ đi.

Chủ yếu chúng tôi thiệt hại nhất là lúc giá dầu lao dốc, mỗi thùng dầu mất đi vài USD như cuối tháng 12-2014, nửa đầu tháng 1/2015. Theo quy trình, mỗi tấn dầu thô về kho, phải sau 2-3 tuần mới được sản xuất thành sản phẩm đầu ra. Vào 80USD, ra chỉ còn chưa đến 60USD/thùng. Tuy vậy, cái tồn kho của nhà máy mới là cái khó khăn nhất. Theo thiết kế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tồn kho ít nhất 150-200 nghìn tấn dầu thô. BSR đã rất shock vì tồn kho và chừng đấy xăng dầu mất đi thì chúng tôi thiệt hại vô cùng. Cứ mỗi tấn dầu thô lúc mua vào thì cao, bán ra thì lỗ, cộng thêm số tiền mà bản thân mỗi lít xăng dầu mất đi, khiến chưa đầy 2 tháng chúng tôi mất đi rất nhiều tỉ đồng. Đó là bức tranh không sáng sủa gì và thú thật là chúng tôi đã áp dụng ngay lập tức những biện pháp quyết liệt nhất, từ trích lập dự phòng, tăng quay vòng đến giảm thời gian phát sinh…

Các nhà máy lọc dầu trên thế giới đều rơi vào tình trạng như BSR. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ mất gần 3 tỉ USD, ở Nhật Bản mất hơn 4 tỉ USD và cá biệt các nhà máy lọc dầu ở Hàn Quốc thiệt hại tới 9 tỉ USD. Quả là rất shock!

Về quý I/2015, mọi chỉ tiêu của BSR đều đạt và vượt kế hoạch, ngoại trừ doanh thu. Giá đầu vào giảm, đầu ra giảm thì việc doanh thu giảm cũng là điều dễ hiểu, chỉ gần 23 nghìn tỉ đồng. Sản lượng sản xuất 1,7 triệu tấn, xuất bán 1,5 triệu tấn, nhưng lãi ròng gần 7 nghìn tỉ đồng.

Đối với nhiệm vụ sắp tới, chúng tôi xác định việc nâng cấp, mở rộng nhà máy là quan trọng hàng đầu, bên cạnh việc vận hành an toàn, hiệu quả. Trước đây, mỗi khi nhắc đến vấn đề nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mọi người thường nghĩ chắc phải xa xôi lắm. Nhưng không phải như vậy, mà ngay từ khi có tấn sản phẩm đầu tiên, lãnh đạo công ty xác định đây đã là vấn đề khẩn cấp, nghiêm túc cần giải quyết hàng đầu. Đó chính là mối quan tâm hàng đầu của BSR hiện nay. Sẽ rất nhiều khó khăn, ngay từ vấn đề thu xếp vốn, giải phóng tái định cư, thành lập tổ công tác với đối tác Nga. Bên cạnh đó, BSR cũng sẽ bắt tay ngay vào việc làm dự án xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia ở Dung Quất.

Ông Nguyễn Anh Minh – Quyền Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)

Thời điểm đầu quý I/2015, giá dầu thô giảm mạnh làm thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo kéo theo sự sụt giảm của chứng khoán Việt Nam. Theo đó, giá cổ phiếu của các đơn vị niêm yết, các đơn vị thành viên, đầu tư tài chính của PVC cũng giảm mạnh nên việc tái cấu trúc và thoái vốn của PVC không đạt được mức giá mong đợi. Tuy nhiên, với nỗ lực trong thi công xây lắp, thu hồi vốn đặc biệt tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nên kết quả sản xuất kinh doanh của PVC trong quý I/2015 hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra với doanh thu hơn 2.410 tỉ đồng (225%), lợi nhuận 16,24 tỉ đồng.

Các giải pháp đáng chú ý của PVC là công tác tiết kiệm, tiết giảm chi phí với 9,19 tỉ đồng, lập kế hoạch chi tiết để tập trung nguồn lực tài chính thi công đảm bảo an toàn chất lượng và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Mặt khác PVC cũng tích cực thực hiện công tác tiếp thị, đấu thầu tìm kiếm công việc gối đầu cho những năm sau với việc tham gia đấu thầu hơn 100 công trình, trúng thầu hàng chục dự án với giá trị hơn 2.600 tỉ đồng. PVC sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tài chính, hạch toán và sử dụng vốn trong toàn tổng công ty, đảm bảo sự dụng đúng mục đích, thu xếp nguồn vốn đủ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đủ vốn triển khai thi công tại các công trình trọng điểm trong năm 2015. PVC cũng đang tích cực tìm kiếm và đàm phán với các đối tác bên ngoài có tiềm lực tài chính, năng lực thực hiện đầu tư để hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng các dự án bất động sản và sản xuất công nghiệp như Dự án Khu công nghiệp Soài Rạp – Tiền Giang, 25ha Mễ Trì – Từ Liêm – Hà Nội.

Vừa qua, tổng công ty đã hoàn thành cơ chế, chính sách nhằm thu hút cán bộ quản lý, kỹ thuật có năng lực, am hiểu công nghệ, kinh nghiệm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chất lượng đặc biệt là công tác quản lý, điều hành dự án và công tác thiết kế. Giải pháp nhân sự và tài chính là những trọng điểm trong kế hoạch đột phá của PVC năm 2015.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa dầu & Xơ sợi Tổng hợp Dầu khí (PVTEX)

Trong quý I, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVTEX gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm giá dầu thô, giá bông trên thị trường thế giới đều giảm mạnh khiến các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp xuống thấp chưa từng có trong nhiều năm qua. Vì vậy các nhà máy xơ sợi như Formosa, Thaipoly, Indorama… đều phải giảm công suất, giảm giá sản phẩm. Trước tính hình thị trường bất lợi và khó lường nhưng cũng là cơ hội, PVTEX đã tạm ngừng nhà máy kỹ thuật, tập trung xử lý công nghệ, giải phóng hàng tồn kho và chuẩn bị vận hành trở lại với công suất trên 80% để tối ưu hóa công suất và chất lượng sản phẩm, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh.

Mục tiêu năm 2015 PVTEX sẽ vận hành 100% công suất vào trung tuần tháng 4/2015, sản xuất kinh doanh đạt doanh thu bù đủ biến phí vào tháng 8/2015. Để đạt mục tiêu này chúng tôi đang tối ưu hóa sản xuất, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng, hoàn thiện hệ thống kênh phân phối thị trường với phương thức kinh doanh linh hoạt đến từng khách hàng. Đặc biệt với một sản phẩm có giá trị nguyên liệu chiếm gần 80% giá sản phẩm, chúng tôi đang tìm mọi giải pháp để xây dựng hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu, chất xúc tác, phụ tùng… ưu tiên ký hợp đồng cung cấp trực tiếp và dài hạn với các nhà sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Hiện nay chúng tôi đã hoàn thiện các quy trình vận hành, định mức kinh tế kỹ thuật và quản lý chất lượng, quản lý nội bộ khoa học, minh bạch để sử dụng vốn có hiệu quả. PVTEX tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ toàn diện của Tập đoàn cộng với nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, trong quý II và III/2015, thời điểm thị trường xơ sợi hút hàng chúng tôi sẽ sản xuất ra sản phẩm tốt nhất và có giá trị cao nhất theo đúng cam kết với Tập đoàn và khách hàng trên cả nước.

Nhóm phóng viên

PetroTimes