Trước bối cảnh mới, Công đoàn Việt Nam phải đổi mới, chỉnh đốn mình, phải thuyết phục người lao động bằng diện mạo mới của công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo Quốc gia “Thực trạng đổi mới tổ chức, hoạt động, phương thức của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới” diễn ra sáng 10.12.
Hội thảo do Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động và Trường Đại học Công đoàn phối hợp tổ chức, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng
Nhiều thuận lợi và thách thức
Phát biểu khai mạc, TS.Nguyễn Anh Thơ – Quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động cho biết, các Hiệp định thương mại thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thuận lợi, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về lao động cần phải chú trọng, như: Quan hệ lao động, thị trường lao động, hội nhập tiêu chuẩn lao động quốc tế và tổ chức công đoàn.
Trong các Hiệp định thương mại mới, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Bên cạnh đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với nước ta, như nó có thể phá vỡ cơ cấu lao động truyền thống khi tự động hóa robot thay thế lao động chân tay trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, có khả năng đẩy hàng trăm ngàn người lao động rơi vào hoàn cảnh thiếu việc…
“Tất cả những vấn đề nêu trên đòi hỏi tổ chức Công đoàn chúng ta, đại diện cho lợi ích hợp pháp của người lao động, cần phải đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động để có thể thích nghi với sự phát triển mới” – TS. Nguyễn Anh Thơ nói.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Mạnh Thắng
Công đoàn Việt Nam phải tự đổi mới, chỉnh đốn mình
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, đây là một hội thảo hết sức ý nghĩa, vừa để triển khai, cụ thể hoá, hoàn thiện đề tài quốc gia “Nghiên cứu đổi mới tổ chức hoạt động Công đoàn Việt Nam trong điều kiện nước ta tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới”, nhưng đối với tổ chức công đoàn, đây là một dịp để nhìn lại tổ chức của mình, nhất là trong bối cảnh mới, đặc biệt cách đây 6 tháng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02 về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Nhấn mạnh các hiệp định thương mại thế hệ mới được nước ta tham gia với quyết tâm chính trị cao, một hành trình đầy gian lao và vất vả, trong đó tổ chức Công đoàn được tham gia ngay từ đầu, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, ngoài các vấn đề truyền thống, các hiệp định đã tiếp cận những vấn đề xoá đói giảm nghèo, phòng chống tham nhũng, lao động – công đoàn, mua sắm công, bảo vệ môi trường… trong đó, có vấn đề mới, chưa có tiền lệ, đặc biệt là cam kết đảm bảo có quyền tự do liên kết, mà theo Hiến pháp Việt Nam là quyền tự do hội họp, quyền lập hội và cụ thể là cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam.
“Điều này đặt ra những câu hỏi, những vấn đề rất lớn của tổ chức công đoàn. Trong bối cảnh đấy, ngay từ sớm, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn đã thống nhất chủ trương hội nhập, lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc là trên hết, còn Công đoàn thì phải vượt lên những khó khăn mà có những đặc thù riêng của tổ chức mình, đó là cần phải cạnh tranh lành mạnh và vượt qua khó khăn khi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập”- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Vẫn theo ông Ngọ Duy Hiểu, đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội: Công đoàn Việt Nam phải tự đổi mới, chỉnh đốn mình, phải thuyết phục người lao động bằng diện mạo mới của công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu mong muốn các đại biểu trên cơ sở nhận thức, trách nhiệm, vị trí công tác, kinh nghiệm chia sẻ những thách thức, vấn đề đặt ra mà Công đoàn Việt Nam phải vượt qua trong bối cảnh có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo các cam kết trong các hiệp định.
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày các báo cáo khoa học thuộc các chủ đề: Các vấn đề pháp lý, cơ chế chính sách đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động Công đoàn; Các vấn đề đặt ra cho tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới; Các đề xuất giải pháp về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới…
Theo laodong.vn