Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.Vương
Kỳ vọng tạo bước tiến trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày 26.4, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý kiến vào dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ông Nguyễn Lam – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương tham dự hội thảo cùng nhiều lãnh đạo liên đoàn lao động các tỉnh thành, công đoàn ngành…
Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó có việc thực hành dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 và định hướng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là dự thảo luật rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị, pháp lý to lớn.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T.Vương
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của từng vị trí công tác, đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, có những đóng góp sâu sắc, góp phần thực hiện dự thảo luật. Đặc biệt là các nội dung liên quan tới tổ chức công đoàn, công chức, viên chức và người lao động.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung liên quan tới việc góp phần thực hiện dân chủ trong các cơ quan đơn vị và các doanh nghiệp. Các nội dung như hình thức và thời gian công khai thông tin tại cơ quan, đơn vị; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nội dung về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra…
Cùng với đó là các nội dung liên quan tới công khai thông tin tại doanh nghiệp; người lao động tham gia ý kiến; người lao động quyết định, người lao động kiểm tra, người lao động giám sát; các quy định liên quan tới thanh tra nhân dân.
Đại diện Công đoàn Dệt may phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.Vương
Ông Đỗ Cao Thượng – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh nêu ví dụ về việc thực tế, các cấp Công đoàn đã thực hiện các vấn đề liên quan tới dân chủ ở cơ sở và các doanh nghiệp. Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành luật này.
Đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở là luật được nhiều chủ thể trông chờ. Việc ban hành luật sẽ giúp cho việc thực hiện dân chủ được tốt hơn.
Vị này cũng nêu quan điểm, luật chung nhưng cần đưa ra những quy định cụ thể để có những công cụ tham chiếu trong việc đưa ra những nội dung đối thoại của người lao động và tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động.
“Ví dụ, nội dung về công khai tình hình sản xuất, kinh doanh được nhiều đơn vị quan tâm. Trong nội dung này, người lao động rất quan tâm tới vấn đề đơn giá, tiền lương, những vấn đề liên quan tới điều chỉnh năng suất, chất lượng lao động… Những vấn đề này khi được luật hoá thì việc công khai thông tin sẽ giúp cho người lao động có thể nắm bắt được. Để thực hiện được việc này, đề nghị ban soạn thảo có nghiên cứu, tham khảo đặc thù của các ngành nghề” – vị này nói.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Tại hội thảo, ông Nguyễn Lam – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho hay, ông cũng đã có ý kiến phải có lắng nghe thêm phản biện của cơ quan, tổ chức. Trong đó có ý kiến trực tiếp của các tổ chức như Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…
Theo ông Lam, ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến để dự án Luật này được kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức.
Ông Nguyễn Lam – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.Vương
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, với luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cần tiếp cận dưới góc độ chính trị – pháp lý. Việc phát huy dân chủ để nhân dân đóng góp phát triển kinh tế – xã hội. Luật này phản ánh mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, giữa cấp dưới với cấp trên, nếu không làm rõ thì sẽ làm phức tạp tình hình.
Mục đích xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời luật cũng thông qua luật thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Ông Hiểu cũng cho rằng, trong xây dựng luật cần bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Đồng thời cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo laodong.vn