Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua mạnh mẽ hơn theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để có những thành quả mới; đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.
Cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép một cách linh hoạt, hiệu quả, không máy móc, dựa trên diễn biến dịch bệnh để xác định thứ tự ưu tiên cho phù hợp. Trong lúc này, ưu tiên số 1 cho công tác chống dịch, phải kiềm chế, đẩy lùi được dịch bệnh thì mới có điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội tốt hơn; khi dịch bệnh được kiềm chế thì lúc đó sẽ ưu tiên cho phát triển kinh tế – xã hội. Những nơi đã kiểm soát được dịch thì phải ưu tiên cho sản xuất; sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, Thủ tướng nêu rõ, các cấp, các ngành cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, huy động sự chung tay, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.
Thủ tướng nêu rõ, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và HĐND các cấp gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương cơ quan, đơn vị.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Những tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, tạo được sự lan tỏa trong xã hội với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lưu ý quan tâm các lực lượng ở tuyến đầu trong phòng chống dịch.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tổng kết, nhân rộng, các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, hội nhập; trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương.
Bốn là, tiếp tục tập trung xây dựng thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm là, nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Theo CĐVN