Ngày 01/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự chuỗi sự kiện về Dầu khí và Điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Chuỗi sự kiện quan trọng lần này đánh dấu những bước tiến mới của Petrovietnam nói chung, PTSC nói riêng trong cả lĩnh vực năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Chuỗi sự kiện bao gồm: Lễ hạ thủy và bàn giao chân đế ĐGNK dự án CHW2204; Lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế ĐGNK; Lễ khởi công các trạm biến áp – dự án Baltica 02. Bên cạnh đó là các sự kiện thuộc lĩnh vực dầu khí truyền thống, như: Lễ khởi công giàn CPP – trái tim của chuỗi dự án Lô B và Lễ ký hợp đồng FSO Lạc Đà Vàng.
Lễ khởi công giàn CPP Dự án Lô B với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn là một trong các dự án trọng điểm quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng khu vực Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng, dự án còn thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải carbon, hướng tới một hệ thống năng lượng “xanh hơn, sạch hơn”. PTSC đã được giao thầu cho toàn bộ các gói tổng thầu phát triển phần thượng nguồn và trung nguồn (phần đường ống) của dự án. Trong đó, giàn công nghệ trung tâm (CPP) của dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử tại Việt Nam.
Lễ trao hợp đồng FSO Dự án Lạc Đà Vàng diễn ra trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Tại Dự án mỏ Lạc Đà Vàng nằm ở Lô 15-1/05, PTSC cũng đã được Chủ đầu tư MCB tin tưởng trao Hợp đồng cung cấp FSO cho Dự án Lạc Đà Vàng, với sức chứa thiết kế 500.000 thùng dầu thô, dự kiến được đưa vào vận hành vào nửa cuối năm 2026. Đây là thành công tiếp theo của PTSC, sau khi đã ký hợp đồng tổng thầu EPCIC giàn xử lý trung tâm LDV-A cho dự án này vào tháng 6/2024 vừa qua.
Tiếp nối những nỗ lực của Petrovietnam trong việc phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo song song với khai thác dầu khí truyền thống, PTSC đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ điện gió, ĐGNK cho nhiều nhà thầu trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công hiện hữu. Điển hình nhất là việc đấu thầu quốc tế, trúng thầu hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế điện gió ngoài khơi, dự án CHW2204 cho khách hàng Orsted (Đan Mạch).
Đến nay dự án đã trải qua hơn 9 triệu giờ an toàn, là minh chứng cho năng lực, kinh nghiệm của PTSC có khả năng đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất trong ngành công nghiệp ĐGNK. Sự kiện hạ thủy và bàn giao lô 4 chân đế đầu tiên cho khách hàng cũng là bằng chứng sống động chứng minh khả năng làm chủ chuỗi cung ứng ĐGNK của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Lễ hạ thủy và bàn giao chân đế ĐGNK dự án CHW2204 |
Tiếp theo thành công tại dự án ĐGNK CHW2204, PTSC đã tiếp tục đấu thầu và trúng thầu cung cấp chân đế trụ điện gió cho dự án ĐGNK (quy mô lớn hơn dự án CHW2204) của khách hàng quốc tế tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, PTSC cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án ĐGNK Baltica tại biển Baltic – một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới.
Lễ trao hợp đồng dự án chế tạo và cung cấp chân đế ĐGNK của PTSC |
Trên quan điểm, định hướng chiến lược của Petrovietnam trong việc phát triển dịch vụ mới, bên cạnh đẩy mạnh các dịch vụ truyền thống cốt lõi, PTSC không chỉ tận dụng tối đa lợi thế quy mô và hệ sinh thái đa dịch vụ mà còn chủ động thích nghi với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Bằng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng mới và các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, PTSC đã từng bước tạo nên dấu ấn riêng, khẳng định vị thế của một doanh nghiệp xứng tầm quốc tế, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa trên bản đồ năng lượng toàn cầu.
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Cường kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ xem xét tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc phát triển và xuất khẩu ĐGNK, trước mắt tạo điều kiện thuận lợi để PTSC phát triển dự án ĐGNK xuất khẩu sang Singapore, coi đây là dự án thí điểm, đưa dự án làm trọng tâm trong hợp tác kinh tế giứa hai chính phủ, hai nước. Ông Lê Mạnh Cường cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ tạo điều kiện cho Petrovietnam triển khai dự án thí điểm ĐGNK phục vụ trong nước; Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo của Việt Nam, và Bà Rịa – Vũng Tàu tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ĐNNK đầu tư, phát triển kinh doanh tại địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại những dự án quan trọng thời gian gần đây mà Petrovietnam đã nỗ lực thực hiện, quyết tâm đưa các dự án vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cũng như về đích thành công, như dự án NMNĐ Thái Bình 2, Dự án Khí – Điện Lô B, các dự án năng lượng tái tạo, ĐGNK…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại chuỗi sự kiện |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những thành tích, thành tựu mà Petrovietnam đã đạt được trong các năm qua, đặc biệt năm 2024, thắp lên niềm tin, khát vọng cho người lao động ngành Dầu khí đã vượt qua thời khắc khó khăn.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, giao nhiệm vụ Petrovietnam phải xây dựng thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia, cùng cả nước tăng tốc, bứt phá, góp phần thực hiện bằng được các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030 và 2045. Thủ tướng yêu cầu Petrovietnam làm bằng được, càng sớm càng tốt việc chuyển giao, làm chủ toàn bộ công nghệ ĐGNK gồm cả sản xuất turbin, cánh quạt gió, chân đế…, đồng thời đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, phát triển hạ tầng, đề xuất chính sách để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trên tinh thần chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc Petrovietnam dựa vào tiềm năng, thế mạnh hiện có để chủ động triển khai thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo”, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”…
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo; các bộ, ngành cùng Petrovietnam đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có việc sửa đổi luật về quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các nghị định liên quan theo tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh định hướng đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm năng lượng, trung tâm ĐGNK không chỉ của quốc gia mà còn của thế giới, phát huy tinh thần chủ động của địa phương, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó có Petrovietnam.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu đáp từ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ |
Phát biểu đáp từ, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam thay mặt tập thể lãnh đạo và người lao động dầu khí trân trọng cảm ơn Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tham dự chuỗi sự kiện Dầu khí và ĐGNK; đặc biệt là những chỉ đạo, động viên của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thêm động lực để Ban lãnh đạo và CBCNV Petrovietnam/PTSC quyết tâm hơn nữa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự “chuyển đổi – vươn mình” của đất nước.
Ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ, đây là sự kiện rất quan trọng, đánh dấu một bước “chuyển” của ngành Dầu khí Việt Nam, phù hợp với xu hướng về dịch chuyển năng lượng, thông qua đó phát triển các quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng/Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tự chủ đối với năng lượng và công nghiệp năng lượng theo mục tiêu đã được kết luận tại Kết luận 76 xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường, việc Petrovietnam và các đơn vị thành viên tích cực tham gia vào các dự án ĐGNK không chỉ góp phần thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Lãnh đạo Petrovietnam khẳng định, Tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực, trí tuệ và tinh thần quyết tâm cao nhất để triển khai thành công các dự án trọng điểm, trong đó PTSC được giao giữ vai trò trụ cột trong phát triển ĐGNK, nhằm khẳng định vị thế của Petrovietnam và đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Petrovietnam cam kết tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, không ngừng nỗ lực để đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.” – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo Petrovietnam, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dưng kế hoạch, triển khai cụ thể trong qua trình thực hiện chiến lược phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
Trước đó, Thủ tướng và các đại biểu đã tham quan Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, với các sản phẩm chân đế, trạm biến áp ĐGNK do PTSC chế tạo. Đồng thời, thăm hỏi công việc, đời sống, động viên và tặng quà cho công nhân lao động làm việc trên công trường PTSC.
Thủ tướng tham quan và nghe báo cáo về dự án ĐGNK |
Thủ tướng thăm hỏi, động viên người lao động trên công trường |
Thủ tướng tặng quà cho người lao động Dầu khí trên công trường thi công ĐGNK |
Việc trúng thầu và thực hiện hàng loạt các hợp đồng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) trong thời gian vừa qua đã trở thành những bước khởi đầu vững chắc, giúp Petrovietnam – PTSC góp phần hiện thực hóa Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện 8); từng bước hình thành nên Trung tâm công nghiệp NLTTNK tại Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ, tạo lập hệ sinh thái công nghiệp NLTTNK hoàn chỉnh với nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chủ động trong việc thực hiện các dự NLTTNK tại Việt Nam trong tương lai.
Tạp chí PetroTimes