14/09/2020 8:27:49

Tạo thế và lực cho Petrovietnam

Khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) đối với sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đặc biệt là trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo bảo các cân đối vĩ mô…, tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo các Bộ, ngành đều thống nhất cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để Petrovietnam tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Petrotimes xin lược ghi một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An:

Nếu dầu khí không phát triển được thì chúng ta sẽ mất đi một niềm tự hào quốc gia

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Petrovietnam là doanh nghiệp của nhà nước 100% và đã là trụ cột của nền kinh tế. Thứ 2, về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vai trò của Dầu khí rất là quan trọng. Dầu khí chiếm đến 40% năng lượng sơ cấp của cả nước, 35% năng lượng tiêu thụ cuối cùng. Những con số đó cho thấy vai trò của Dầu khí về an ninh năng lượng là không thể nào thay thế được. Thứ nữa, ngành Dầu khí là ngành công nghiệp và là ngành công nghiệp đầu tàu dẫn dắt một loạt những ngành khác phát triển theo. Ngoài ra đó còn là thực thi chủ quyền quốc gia trên biển.

Bộ Công Thương với tư cách theo dõi, quản lý ngành, chúng tôi đề nghị là chúng ta phải phối hợp chặt và hiểu về dầu khí để dầu khí có thể phát triển được. Bởi vì nếu dầu khí không phát triển được thì chúng ta mất đi một niềm tự hào quốc gia. Chúng ta thấy các công ty dầu khí quốc gia thì đều là biểu tượng của quốc gia. Petronas của Malaysia là điển hình rất rõ. Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc được Petrovietnam kiến nghị tháo gỡ, chúng tôi rất mong muốn các Bộ, ngành sớm xem xét xử lý.

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi đã họp, đã nghe và đã xử lý tương đối nhiều. Chúng tôi theo rất sát những kiến nghị của Petrovietnam nhưng có nhiều cái nó phụ thuộc vào các Bộ, ngành khác.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải:

Nhu cầu đầu tư phát triển dự án của Petrovietnam rất nhiều

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải

Trước đây mỗi một năm, Tập đoàn trung bình khai thác 16-17 triệu tấn dầu thô, đến nay đã giảm rất nhiều. Những năm trước giá dầu ở mức 70, 80, 90 USD/thùng, có năm làm dự toán ngân sách tới 100 USD/thùng thì nay chỉ còn 40 – 45 USD/thùng. Như vậy, nguồn thu, nguồn lực chỉ còn một phần mấy, và trong cơ cấu nguồn thu ngân sách cũng giảm mạnh, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển dự án của Petrovietnam rất nhiều. Rất là chia sẻ với Tập đoàn, mong tập đoàn tiếp tục chỉ đạo các giải pháp tháo khó khăn, thúc đẩy sản xuất và hy vọng khi những vẫn đề về dịch bệnh qua đi, tình hình thương mại trở lại tốt hơn, hoạt động của lĩnh vực dầu khí sẽ tốt hơn…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu:

Petrovietnam mạnh như ngày xưa thì đất nước được nhờ

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện Petrovietnam, Dự thảo nghị định ban hành quy chế tài chính của Tập đoàn… cũng như quá trình xử lý các dự án chưa hiệu quả. Gần nhất là Dự án Thái Bình 2, chúng tôi đồng tình với những đề xuất, kiến nghị xử lý Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Petrovietnam. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẵn sàng tiếp tục tham gia những công việc theo yêu cầu của Chính phủ, đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn cũng như của Petrovietnam. Tập đoàn mà tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, mạnh như ngày xưa thì đất nước được nhờ và trong đó chúng tôi cũng được hưởng.

Thành viên HĐTV Petrovietnam Đinh Văn Sơn:

Cần có một cơ chế để sớm tháo gỡ các khó khăn của Petrovietnam

Thành viên HĐTV Petrovietnam Đinh Văn Sơn

Hiện tại, Petrovietnam đang gặp khó khăn về công tác tìm kiếm thăm dò. Trong thời kỳ cao điểm, Petrovietnam bình quân gia tăng trữ lượng 50 triệu tấn/năm, hiện nay chỉ đạt 11 triệu tấn/năm. Thời điểm này chúng ta đang khai thác nhiều hơn chúng ta tìm kiếm ra. Công tác tìm kiếm thăm dò đang gặp rất khó khăn từ nguồn vốn, thủ tục đầu tư… Một trong những lý do là quy chế tài chính. Trước đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới Dầu khí. Đồng chí Đỗ Mười từng nói khai thác dầu khí cũng như chúng ta đang gặt cánh đồng lúa chín về nhưng cần hơn là việc làm sao có cánh đồng lúa để gặt như thế. Đây là thời kỳ hoàng kim của phát triển ngành Dầu khí. Mong muốn làm sao để Tập đoàn khai thác nhiều hơn nữa thì chúng ta phải có cơ chế tài chính phù hợp, thông thoáng để gia tăng trữ lượng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chiếm một tỷ trọng vốn rất lớn, trên 50% vốn Nhà nước giao về cho Ủy ban. Đây là Tập đoàn mà chúng ta vẫn khẳng định là Tập đoàn của quốc gia, không chỉ là vấn đề thương hiệu mà còn đóng góp rất lớn cho đất nước trong những năm tới.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế thế giới, trong nước cũng như các khó khăn nội tại của PETROVIETNAM, đặc biệt “tác động kép” thì những kết quả sản xuất kinh doanh mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt được là rất đáng mừng. Tập đoàn đã chấn chỉnh, đổi mới, bộ máy đã kiện toàn hơn, thúc đẩy hoạt động tích cực hơn trong điều kiện khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

Phó Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long: Những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, trước thực tế giá dầu xuống thấp và dịch bệnh Covid-19, PETROVIETNAM vẫn duy trì, giữ được nhịp độ sản xuất và đạt được kết quả như 8 tháng đầu năm 2020 là điều hết sức đáng mừng.

Thanh Ngọc