Chuyên gia, người lao động đều cho rằng, rất cần tăng lương tối thiểu (LTT) vùng từ 1.7.2022 theo như đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để đời sống của người lao động (NLĐ) bớt khó khăn sau tác động của dịch COVID-19.
Công nhân lao động mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022. Ảnh: Bảo Hân
Tăng lương tối thiểu vùng: Càng sớm càng tốt
Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban Chính sách – pháp luật (Tổng LĐLĐVN) cho biết, như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, đời sống của NLĐ hiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn tác động của đại dịch COVID-19; LTT vùng không điều chỉnh trong 2 năm, trong khi chỉ số CPI tăng cao. “Chính vì vậy, việc tăng LTT vùng sớm sẽ giúp cải thiện đời sống vô cùng khó khăn của NLĐ sau 2 năm không điều chỉnh lương” – ông Quảng nói và cho biết thêm, sớm tăng lương để NLĐ trong khó khăn càng phải gắn với doanh nghiệp, bởi lẽ, NLĐ được tăng lương, được cải thiện tiền lương, thu nhập, thì sẽ gắn bó, lao động với năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Quảng, không chỉ ở góc độ NLĐ, việc tăng lương này còn giúp cho doanh nghiệp. Ông Quảng lý giải: Sau khi khống chế dịch COVID-19, đã xảy ra việc thiếu hụt lao động rất lớn ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. “Việc tăng LTT vùng chính là thông điệp, càng sớm càng tốt, để thu hút, lôi kéo NLĐ quay trở lại thị trường lao động hiện nay”.
Theo Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐVN, kinh nghiệm các quốc gia sau đại dịch cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đều tăng LTT vùng để đảm bảo NLĐ có điều kiện cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Việc tăng lương là hết sức cấp bách, không thể thì hoãn” – ông Quảng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Quảng nhìn nhận, việc tăng lương cũng có áp lực nhất định với doanh nghiệp, nhưng từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm cách nâng cao năng suất lao động, cải tiến khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, từ đó tăng năng suất lao động, đặc biệt là cải thiện đời sống cho NLĐ.
“Nếu tăng LTT vùng mà một số doanh nghiệp chấp nhận rời khỏi thị trường thì đó là chuyện bình thường, vì trong cơ chế thị trường, có doanh nghiệp yếu kém cũng nên rời khỏi thị trường, nhường cho doanh nghiệp có công nghệ, có điều kiện cho NLĐ tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, cũng như phát triển một cách bền vững” – ông Quảng nói.
Công nhân mong sớm tăng lương
Ở góc độ NLĐ, họ cũng đang mong ngóng thông tin sớm được tăng LTT vùng để cải thiện phần nào đời sống vốn còn rất nhiều khó khăn của họ.
Tốt nghiệp cấp 3, chị Trần Thị Thuý Hà (SN 1999 trú tại xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) chọn đi làm thay vì tiếp tục học. Lúc đó, chị xuống Hà Nội, xin làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng kinh doanh đồng hồ. Sau khi đã trừ mọi chi phí được bao ăn ở, chị Hà nhận về số tiền gần 4 triệu đồng.
“Lương thấp quá, lại còn xa nhà nên tôi về gần nhà xin đi làm công nhân” – chị Hà nói. Về quê, chị Hà không mất tiền thuê trọ, thế nhưng mỗi ngày chị phải vượt quãng đường hơn 10km để đi làm.
“Sáng nào tôi cũng bắt đầu đi từ nhà lúc 7h vì công ty yêu cầu chấm công lúc 7h30. Những ngày gần đây giá xăng tăng cao quá. Trước kia tôi đổ đầy bình hết 100.000 – 120.000 đồng. Bây giờ phải 160.000 – 180.000 đồng mới đầy bình. Mất nhiều tiền cho chí mỗi lần đi đổ xăng như vậy, nhưng tôi chỉ đi được khoảng hơn 1 tuần là phải ra trạm xăng tiếp” – nữ công nhân tâm sự.
Với mức lương cơ bản 4,6 triệu đồng/tháng, nếu tính phụ cấp, mỗi tháng chị Hà cũng kiếm được từ 5 đến 6 triệu đồng. “Không mất tiền trọ nhưng thời buổi giá cả cái gì cũng tăng. Mỗi tháng tôi gửi mẹ 1-2 triệu đồng để mua thức ăn. Thi thoảng cho đứa em đang học lớp 10 tiền tiêu vặt, số tiền còn lại cũng không còn là bao” – chị Hà liệt kê.
Chị Hà mong sớm được tăng LTT vùng từ 1.7.2022 theo như kiến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, bởi theo chị, mặc dù hiện nay, chị được trả mức lương cao hơn mức LTT vùng, nhưng nếu tằn tiện, chị mới đủ để trang trải cho cuộc sống với những chi phí ngày càng cao như hiện nay. “Tôi được biết, khi LTT vùng tăng, các doanh nghiệp (dù đã trả ở mức cao hơn mức LTT vùng) sẽ có xu hướng tăng lương cho công nhân bằng với mức tăng % như của LTT vùng. Nhờ vậy, lương, thu nhập của công nhân sẽ được cải thiện hơn, nhất là trong bối cảnh giá tăng như hiện nay” – chị Hà nói. Chị Hà bày tỏ dự định sẽ tìm đến Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) để xin làm công nhân. Bởi, theo tìm hiểu của chị, mức lương cơ bản ở một số công ty tại khu công nghiệp này cao hơn so nơi chị đang làm việc.
“Công nhân đi làm ai cũng chỉ mong lương cao hơn, mức thu nhập cao hơn để cuộc sống đỡ vất vả. Tôi có người quen ở đó nên sẽ sớm xin nghỉ việc để chuyển xuống đó xin việc. Thời buổi giá cả cái gì cũng tăng mà lương không tăng thì không sống được” – chị Hà chia sẻ.
Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐVN cho thấy có 5% người lao động được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Ngoài ra, khảo sát của Tổng LĐLĐVN vào tháng 4.2022 cho thấy chỉ có khoảng 55% NLĐ có tiền lương và thu nhập đủ sống, khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.
Theo laodong.vn