Ngày 7/2 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Tọa đàm “Triển vọng kinh tế vĩ mô và tài chính tiền tệ năm 2023”.
Tham dự tọa đàm có TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI); TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia.
Về phía Petrovietnam, chủ trì tọa đàm có Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng; các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc; Trưởng các ban/Văn phòng Tập đoàn; Đại diện lãnh đạo của các đơn vị thành viên tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.
TS Võ Trí Thành chia sẻ tại tọa đàm |
Tại tọa đàm, TS Võ Trí Thành đã khái quát bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian qua. Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Tăng trưởng đã mất đà, lạm phát cao diễn ra dai dẳng, niềm tin suy yếu và tính bất ổn cao. Xung đột tại Ukraine đã đẩy giá cả lên cao, đặc biệt giá năng lượng, làm gia tăng áp lực lạm phát vào thời điểm chi phí sinh hoạt đã tăng nhanh trên toàn thế giới.
Các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt đáng kể trong bối cảnh tăng lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương, đã ảnh hưởng tới chi tiêu và tăng thêm áp lực cho nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi… Đối với nền kinh tế trong nước, năm vừa qua đánh dấu mức phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 8%. Mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng kết quả đạt được đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của toàn nền kinh tế, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.
Toàn cảnh tọa đàm |
Với chính sách điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ cũng như nỗ lực của doanh nghiệp (DN) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%) trong bối cảnh một năm nhiều biến động khó lường. Chuyên gia Võ Trí Thành cũng nhận định bức tranh kinh tế năm 2023 còn đối mặt nhiều thách thức, được dự báo có nhiều khó khăn hơn bởi sức ép lạm phát, bất ổn chính trị, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các đối tác tài chính lớn của Việt Nam sẽ bị thắt chặt về điều kiện tài chính. Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng tiềm năng thu hút du lịch, xuất khẩu, chỉ số quản lý thu mua (PMI), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)… khó giữ tăng trưởng như năm 2022.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu |
TS Võ Trí Thành thông tin về mục tiêu của Việt Nam trong năm 2023, trong đó tăng trưởng đạt 6,5% và lạm phát bình quân đạt 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn… Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, hiện thực hóa chiến lược thu hút FDI và thu hút khách du lịch quóc tế, tận dụng hiệu quả các hiệp định FTA và đa dạng hóa thị trường. Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin.
TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Tọa đàm |
Chia sẻ thêm thông tin về kinh tế, tài chính Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2023 tại tọa đàm, TS Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế thế giới đang suy thoái cục bộ, thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, du lịch quốc tế phục hồi chậm, lạm phát còn tăng, mặt bằng lãi suất còn cao, tỷ giá còn chịu sức ép tăng trong khi dự địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công chưa thể có đột phá, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nợ xấu. Cùng với đó là các vấn đề rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và thị trường bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.
Đối với Petrovietnam, ông Cấn Văn Lực tiếp tục đánh giá mô hình 6Rs còn nguyên giá trị. Theo đó, sẽ phải thích ứng linh hoạt với dịch bệnh (Respond), phục hồi càng nhanh càng tốt (Recover), tái cấu trúc (Restructure), tiết giảm chi phí, đổi mới, sáng tạo (gồm cả chuyển đổi số – Re-invent). Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý rủi ro phát sinh (Risk Mangement) và tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu các cú sốc (Resilience). Về giải pháp cho 2023 và những năm tiếp theo, Tập đoàn tập trung xây dựng các kịch bản kinh doanh với giá xăng dầu, khí khác nhau; Giải pháp tăng nguồn cung, điều hành xăng dầu trong nước; Dự trữ; Chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới, xây dựng hệ sinh thái Petrovietnam; Đa dạng hóa nguồn vốn, quản lý rủi ro; Thực hiện Luật Dầu khí mới, góp ý xây dựng Luật Năng lượng tái tạo…
Các đơn vị tham dự tọa đàm qua trực tuyến |
Tại phần thảo luận, các chuyên gia đã trả lời các câu hỏi đến từ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cảm ơn các chuyên gia đã có những chia sẻ, phân tích, dự báo hữu ích cho Tập đoàn. Với các nhóm nội dung cụ thể, Tổng giám đốc giao Ban Kinh tế – Đầu tư Tập đoàn và các đơn vị tổng hợp, rà soát, phân tích, xây dựng kế hoạch cụ thể, nhất là là vấn đề mang tính cơ hội, dự báo rủi ro, bám sát vào hoạt động sản xuất kinh doanh chung trong toàn Tập đoàn.
Minh Châu