20/05/2022 9:11:18

Tăng cường hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Công đoàn Việt Nam nói chung và các cấp Công đoàn nói riêng cần chủ động, tích cực mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, qua đó góp phần củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế; cũng như tranh thủ nguồn lực, học tập kinh nghiệm quốc tế để thúc đẩy đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và tổ chức Công đoàn đang hội nhập mạnh mẽ.

Cơ hội để Công đoàn Việt Nam đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Tại phiên họp lần thứ 27 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XII diễn ra hôm nay (19/5), bàn về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thống nhất ban hành Nghị quyết về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại phiên họp lần thứ 27 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII.

Để các cấp Công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại, cũng như thực hiện chiến lược đối ngoại của Tổng LĐLĐ Việt Nam hàng năm, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế tương ứng phù hợp với các tiêu chí được xác định trong định hướng đối ngoại của Công đoàn Việt Nam, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.

Báo cáo về Kế hoạch hành động tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/2/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ Công đoàn các cấp về vai trò của công tác đối ngoại Công đoàn đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Kế hoạch nhằm hướng tới mở rộng, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác với các Công đoàn ngành toàn cầu; chủ động đề xuất các sáng kiến, tham gia hoạt động do các Công đoàn ngành toàn cầu tổ chức. Đồng thời hướng tới nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác đa phương và song phương; thiết lập quan hệ hợp tác mới với Trung tâm Công đoàn quốc gia tại các nước có vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, các nước có đông người Việt Nam đang lao động và học tập, các nước mà doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng đầu tư. Tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong việc tập hợp, hỗ trợ người Việt Nam lao động hợp pháp ở nước ngoài.

Hoạt động cũng nhằm hướng tới khai thác có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tri thức, kinh nghiệm hoạt động Công đoàn của các đối tác quốc tế để phục vụ đổi mới mô hình, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các lĩnh vực về lao động và Công đoàn…

Theo đó, Kế hoạch được xây dựng khá chi tiết, giao nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, như: Ban Đối ngoại, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Tài chính, các Viện nghiên cứu, các trường đại học, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty, LĐLĐ các tỉnh, thành phố…

Tăng cường hợp tác để chia sẻ, học tập kinh nghiệm

Đóng góp vào Kế hoạch hành động, đồng chí Trần Quang Huy – Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Việt Nam cho biết: Từ thực tiễn hoạt động của ngành Công Thương cho thấy, hiện nay, nhu cầu về công tác đối ngoại với các đối tác đa phương, song phương rất rộng mở, Công đoàn ngành rất mong nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác trong hoạt động.

Tăng cường hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải trình bày về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/2/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Tuy nhiên, vừa qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên công tác đối ngoại mới với các bên mới chủ yếu dừng ở việc trao đổi trực tuyến. Hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, Công đoàn Công Thương Việt Nam rất mong trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hoạt động đối ngoại của Tổng LĐLĐ Việt Nam nói chung và Công đoàn ngành nói riêng được mở rộng, tăng cường để có thể tiếp cận với kinh nghiệm của bạn bè quốc tế.

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Vũ Xuân Thủy – Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn các ngành cần mở rộng quan hệ để tranh thủ học tập kinh nghiệm của bạn, đặc thù ngành nghề của mỗi nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào quốc tế.

Đồng tình với ý kiến nêu lên của đại diện 2 Công đoàn ngành, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi có tổ chức đại diện cho người lao động được hình thành, công tác đối ngoại của các cấp Công đoàn Việt Nam cần được tăng cường, mở rộng hợp tác.

“Công đoàn Việt Nam là bộ phận không thể tách rời Liên hiệp Công đoàn thế giới. Đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang vừa được bầu là Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới. Theo đó, Công đoàn Việt Nam nói chung và các cấp Công đoàn Việt Nam nói riêng cần đẩy mạnh tuyên truyền về Liên hiệp Công đoàn thế giới, công tác tổ chức, hoạt động ra sao, những vấn đề tổ chức Công đoàn thế giới đang đặt ra… Công đoàn Việt Nam cần tiếp cận với các hoạt động của Công đoàn thế giới, học tập, trao đổi kinh nghiệm, qua đó phục vụ đoàn viên, người lao động ngày một tốt hơn”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.

Tại Hội nghị, thảo luận về nội dung này, các đại biểu đều cho rằng, việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/2/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới là rất cần thiết. Trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể xem xét nên chọn một số chuyên đề lớn của Công đoàn thế giới để cán bộ Công đoàn Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, những đơn vị đã có chương trình, quan hệ hợp tác với các Công đoàn bạn, khi về, cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các cấp Công đoàn trong nước.

Tăng cường hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Tại Đại hội Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) lần thứ 18 diễn ra tại Rome – Italia từ 6-8/5, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (thứ hai từ trái qua) đã trúng cử Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Công đoàn một số ngành như Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện Đề án gia nhập các Công đoàn ngành toàn cầu thuộc ảnh hưởng của Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC).

LĐLĐ các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số LĐLĐ tỉnh, thành phố có chung đường biên giới với các nước bạn cần xây dựng Kế hoạch để chủ động tăng cường hợp tác song phương với Công đoàn cùng cấp, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa hoạt động đối ngoại của tổ chức Công đoàn; cũng như làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo congdoan.vn