Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang.
“Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui” – những ca từ nói lên khí phách hào hùng, tinh thần bất diệt của những con người mang dòng máu Lạc Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh đã viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. “Cờ bay phất phới ngời màu Lạc Hồng/ Kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng…”. Không có niềm vui và hình ảnh nào đẹp hơn màu cờ Tổ quốc tung bay phất phới ngày đất nước toàn thắng.
Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã mãi mãi không trở về, máu xương của họ hóa hồn thiêng sông núi, mỗi mảnh đất trên đất nước này đều thấm máu cha ông. Xin được mượn những ca từ của những ca khúc còn mãi với thời gian để tri ân những con người mà máu xương của họ đã làm nên hình hài Tổ quốc – “Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hoá bóng cây che…”!
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần mà các liệt sĩ, thương bệnh binh và thân nhân của họ phải gánh chịu vẫn là những mất mát không gì có thể bù đắp, những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má mẹ già mong mỏi chờ con ngày trở về. “Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về mình mẹ lặng im/Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi…”! Có nỗi đau, mất mát nào lớn hơn mất con! Có nuôi con mới thấu lòng cha mẹ, biển trời kia sao sánh được với lòng mẹ, sông suối kia chẳng bì nổi với tình cha. Mẹ còn sống thì còn mỏi mong, mẹ tin rằng, mẹ chẳng thể mất con…
Không có ngôn từ nào có thể nói hết tình mẹ và nỗi đau mẹ nặng mang, cũng không có hy sinh nào lớn hơn xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh – những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, máu xương của họ đã thấm vào đất đá, núi sông… Nhà thơ Tố Hữu viết: “Có những phút làm nên lịch sử/Có cái chết hóa thành bất tử”, Các anh sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân, trường tồn với đất nước cùng năm tháng: “Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che/Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên/ Màu hoa đỏ phía rừng xa…”.
Không chỉ thơ ca, lịch sử mãi còn khắc ghi, Tổ quốc đời đời ghi công các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh. Nhân dân Việt Nam sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca bi tráng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đúng là không gì sánh nổi những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đã hóa hồn thiêng sông núi, không gì bù đắp được những mất mát mà những anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh dành cho Tổ quốc.
Để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên, lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”, đến năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi tên thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Người nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, Người nói: bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.
Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên để lại những lời căn dặn trong Bản Di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Thực hiện lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những tình cảm của Người dành cho thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ tới nay vẫn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta ngày càng làm sâu sắc hơn các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách. Trải qua 74 năm (27/7/1947- 27/7/2021), các chính sách chăm lo người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đời sống của người có công không ngừng được nâng lên. Nhìn chung, chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện và bao phủ, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm,…
Đến nay, Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Xin được thắp nén tâm hương tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Xin cảm ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh dũng để đất nước được nở hoa. Xin được sẻ chia với những nỗi đau khi trái gió trở trời với các thương bệnh binh đã để một phần xương máu của mình ở lại với non sông…
Xin được hòa cùng với cảm xúc thời trai trẻ của các thế hệ cha ông ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui” – những ca từ nói lên khí phách hào hùng, tinh thần bất diệt của những con người mang dòng máu Lạc Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh đã viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam!
Khắc Trường