11/08/2023 8:56:55

Tái tạo văn hóa Petrovietnam 6 tháng năm 2023 Bài 3: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế – chính trị – xã hội

“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế – chính trị – xã hội” là quan điểm mới nhất về tái tạo văn hóa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Để văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành sức mạnh nội sinh bền vững, các đơn vị trong Tập đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông gắn với công tác đào tạo và tự đào tạo, thông qua khóa tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, hội nghị, tọa đàm…

Đào tạo văn hóa doanh nghiệp

Trước đây chúng ta vẫn quan niệm rằng “Có thực mới vực được đạo” hay “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Trong thực tế, cứ đơn vị nào ăn nên làm ra thì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – văn nghệ, còn doanh nghiệp khó khăn thì im lìm vì còn phải chạy ăn từng bữa. Nhưng khi thấu hiểu giá trị của văn hóa doanh nghiệp (VHDN), đặc biệt là trải qua những năm tháng khó khăn khi giá dầu giảm sâu hay trong 3 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì chính cán bộ lãnh đạo, người lao động dầu khí đã thay đổi tư duy và biết rằng để tồn tại và phát triển không thể không hun đúc văn hóa trong chính mỗi cán bộ công nhân viên.

Bài 3: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội

Tại PVCFC, người lao động được tạo điều kiện đổi mới liên tục, cân bằng trên bốn phương diện “Thể chất – Trí tuệ – Tinh thần – Tình cảm”.

Chắc rằng nhiều người vẫn chưa quên trong những năm khủng hoảng giá dầu và ảnh hưởng của Covid-19 hàng loạt các tập đoàn dầu khí lâu đời tại nhiều quốc gia trên thế giới đã điêu đứng, cắt giảm đầu tư, bán cả tài sản (mỏ dầu – khí), tệ nhất là nộp đơn xin phá sản. Khi ấy, Petrovietnam cũng gặp muôn vàn khó khăn nhưng với sự đồng cảm, hy sinh của toàn bộ CBCNV, người lao động chấp nhận cắt, giảm lương, tiết giảm hầu hết các chi phí không cần thiết, đồng thời tăng giờ làm việc, tự học tập và đào tạo… Những việc trên không bao giờ xảy ra tại các quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển, đặc biệt là chuyện giảm lương là vi phạm pháp luật.

Sự đồng cảm, hy sinh của người lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn xuất phát từ văn hóa dầu khí, là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam – đùm bọc, đỡ đần lẫn nhau vì đại gia đình Petrovietnam. Nhắc lại quá khứ để thấy rằng, việc đưa ra quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế – chính trị – xã hội” là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về khôi phục truyền thống văn hóa dân tộc.

Để VHDN thực sự trở thành sức mạnh nội sinh bền vững, cùng với sự hỗ trợ của Tổ triển khai công tác Tái tạo văn hóa Petrovietnam, các đơn vị trong Tập đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông gắn với công tác đào tạo và tự đào tạo, thông qua khóa tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, hội nghị, tọa đàm… Tập đoàn đã quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện hỗ trợ đơn vị gặp khó khăn kịp thời triển khai công tác đào tạo gồm Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs), Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly), Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PV Engineering), Tổng công ty Bảo dưỡng Sửa chữa Công trình Dầu khí (PVMR). Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) cũng đã chủ động tham gia hỗ trợ các đơn vị trong công tác đào tạo VHDN.

Một số đơn vị tiếp tục duy trì không gian đọc sách, văn hóa học tập thúc đẩy sáng tạo, tinh thần tự học, tự đào tạo; xây dựng các khóa đào tạo nội bộ do lãnh đạo, quản lý cấp trung tham gia hướng dẫn. Kết quả đã có 571 khóa học được tổ chức cho 16.477 lượt người trong toàn Tập đoàn.

Đáng chú ý, các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh như PETROCONs cũng phối hợp với đơn vị tư vấn đào tạo VHDN trong tháng 7/2023, ngoài ra tổ chức đào tạo 39 khóa học cho 676 lượt người (như khóa Quản trị doanh nghiệp và nhiều khóa học khác); VNPoly tổ chức 32 khóa đào tạo nội bộ nhằm củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn tại các phòng/đơn vị với 179 lượt người.

Một số hoạt động đào tạo VHDN nổi bật khác như Công ty Điều hành đường ống Tây Nam (SWPOC) tổ chức các khóa học như mô hình phát triển năng lực chuyên môn, năng lực văn hóa, năng lực lãnh đạo, các kỹ năng bổ trợ; Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tổ chức teambuilding về “Hiệu quả – Trách nhiệm” với 300 người tham gia; hội thảo về phát huy hiệu quả của VHDN trong quản trị cho 250 người; khóa học lớp “Kiến thức tổng quan về văn hóa doanh nghiệp”; các khóa đào tạo văn hóa nền tảng cho cán bộ quản lý. Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cung cấp tài khoản của nền tảng tự học tập trực tuyến lớn trên thế giới là Coursera cho các nhân sự kèm cam kết đạt chứng chỉ. PVU tổ chức khóa đào tạo “Văn hóa Petrovietnam và văn hóa PVU” cho 47 CBCNV, tổ chức lớp đào tạo “Kiến thức tổng quan về văn hóa doanh nghiệp” cho PVCFC, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)…

Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức 8 chương trình và chuỗi chương trình đào tạo cho 3.800 lượt người. Nổi bật như: “Phổ biến và lan tỏa VHDN Petrovietnam – BSR” có 3.640 lượt người tham gia, “4 vai trò trọng yếu của lãnh đạo” cho 30 lãnh đạo công ty. Đặc biệt là “Hội thảo văn hóa doanh nghiệp BSR-Vietsopetro” với 30 lãnh đạo các cấp của hai đơn vị, đây là hình thức giao lưu văn hóa mới của các đơn vị trong cùng lĩnh vực thăm dò khai thác và lọc hóa dầu hàng đầu của Việt Nam. Hội thảo không chỉ giúp lãnh đạo, người lao động hai đơn vị trao đổi học tập những nét văn hóa đẹp của nhau mà còn củng cố hơn nữa chuỗi liên kết giá trị từ khâu đầu đến khâu cuối của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tuyên truyền sinh động gần gũi

Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác truyền thông được lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể trong Tập đoàn chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện, gắn truyền thông nội bộ với xây dựng VHDN, từ đó làm tốt công tác tư tưởng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động, giúp phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị toàn Tập đoàn. Không chỉ thông qua các hội nghị, tọa đàm, các đơn vị còn tổ chức nhiều cuộc thi, các hoạt động xã hội đã tuyên truyền các nội dung xây dựng VHDN thể hiện qua thỏa ước lao động tập thể. Đưa VHDN vào các quy chế, quy định trong xử lý, giải quyết công việc, cẩm nang/sổ tay/quy ước văn hóa của đơn vị và hệ thống nhận diện thương hiệu mới.

Bài 3: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội

Hội thi “Tuổi trẻ với văn hóa Petrovietnam” đã góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dầu khí.

Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn đã tổ chức ra mắt 3 ấn phẩm (Nhật ký CEO mettings’, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Chuyển đổi số, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Chuyển dịch Năng lượng), thực hiện các phóng sự “Khát vọng vươn tầm”, “Tổng kết Petrovietnam”, Khát vọng hồi sinh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 phát sóng trên VTV và các kênh truyền hình; đã đăng 51 nội dung tin chữ cho kênh VTV1 và các đài, kênh truyền hình hợp tác; chỉ đạo, phối hợp với bộ phận truyền thông các đơn vị tổ chức các tuyến tin bài, đăng tải 3.734 lượt tin, bài tích cực trên các cơ quan báo chí; khai thác hiệu quả các ứng dụng trên mạng xã hội, kịp thời cổ vũ các tập thể, cá nhân triển khai tốt, khích lệ người lao động toàn Tập đoàn tham gia xây dựng VHDN, điều đó đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức trong việc thực hiện các giá trị của văn hóa dầu khí.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác truyền thông được thể hiện nổi bật thông qua tính đồng bộ trong toàn hệ thống; hoạt động truyền thông và tái tạo văn hóa Petrovietnam được lồng ghép thực hiện gắn với các mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, thể hiện rõ tinh thần “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” trong từng hoạt động của Cơ quan Tập đoàn. Theo đó, từ truyền thông nội bộ, liên kết chặt chẽ với các cơ quan báo chí, chuyển tải từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh đến các hoạt động xã hội, xây dựng VHDN vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước và của đơn vị. Công tác truyền thông Tập đoàn đã cung cấp nhiều thông tin kịp thời, chính xác về các mặt hoạt động không chỉ tại đơn vị mà còn của cả ngành Dầu khí.

Tại các đơn vị, công tác truyền thông cũng được chú trọng hơn như: SWPOC tổ chức in, treo băng rôn, backdrop, video tại sảnh lễ tân công ty phù hợp dưới nhiều hình thức và chuyển đổi linh hoạt; VPI tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, đối thoại, tạp chí, website, teams, yammer, facebook; PVTrans thông qua các tổ chức đoàn thể tuyên truyền về các hoạt động an sinh xã hội, các hoạt động thể thao, văn hóa để lan tỏa VHDN; PVFCCo tổ chức tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, khẩu hiệu, phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc và ứng xử của CBNV;

Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (TB2PP) tổ chức treo các băng rôn/biểu ngữ với khẩu hiệu “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án; BSR tổ chức tuyên truyền trên các băng rôn, khẩu hiệu, bảng tin, cổng thông tin điện tử BSR, các trang fanpage, nhóm các câu lạc bộ văn hóa – thể thao; Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) tuyên truyền để chuyển tải giá trị VHDN tới người lao động như website, intranet, đồng phục, bộ nhận diện thương hiệu, video tuyên truyền về công tác chuyển đổi số; PVU đẩy mạnh áp dụng công nghệ số, mạng xã hội tăng sự tương tác và kết nối toàn thể CBCNV và sinh viên trong toàn trường…

Có thể thấy rằng, học tập nâng cao văn hóa là sự học cả đời đúng như lời Bác Hồ căn dặn tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập (khai mạc ngày 6/5/1950). Bác nêu: “Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó”. Việc đưa văn hóa lên ngang tầm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thông qua đào tạo văn hóa là hoàn toàn đúng đắn như lợi dạy của Bác.

Thành Công