Hình thành và phát huy sức mạnh chuỗi giá trị dầu khí là một trong những giải pháp đột phá, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng làm nên những thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong 3 năm qua. Đây cũng là giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững của Petrovietnam.
Đồng tâm hiệp lực vượt khó khăn |
Petrovietnam, với vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành Dầu khí Việt Nam, đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến công nghiệp khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, công nghiệp lọc hóa dầu, tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Hệ thống đó là một chuỗi giá trị gắn với một khối lượng công việc và tài sản khổng lồ. Để phát huy giá trị của hệ thống đó, liên kết là yêu cầu tất yếu để có thể tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, cơ hội cho sự phát triển.
Nhằm nối lại những mối liên kết còn lỏng lẻo, đứt gãy trong hệ thống, cũng như tạo ra sự gắn kết để phát huy nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững. Từ năm 2020, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo việc liên kết, hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong toàn Petrovietnam. Trên cơ sở đó, Petrovietnam đã thực hiện khảo sát, đánh giá một cách hệ thống, tổng thể các nguồn lực, tài sản, xác định điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh, xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ chiến lược…, để từ đó đưa ra định hướng, kế hoạch, lựa chọn được những chuỗi có tính khả thi và hiệu quả cao để tập trung nguồn lực, sớm tổ chức triển khai. Từ đó, các chuỗi giá trị của Petrovietnam ngày càng khẳng định hiệu quả, giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các chuỗi giá trị đã góp phần quan trọng tạo nên những bước phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục của Petrovietnam trong điều kiện hết sức khó khăn và đầy biến động của tình hình kinh tế – chính trị thế giới cũng như thị trường năng lượng trong 3 năm qua. Một trong những giải pháp xuyên suốt là “kết nối nguồn lực”.
Năm 2020, vượt qua khó khăn do tác động kép đại dịch Covid-19 và suy giảm giá dầu, Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch được giao, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 83 nghìn tỉ đồng, đạt 101% kế hoạch năm (KHN).
Năm 2021, Petrovietnam tiếp tục vững vàng vượt qua sóng gió khi đại dịch Covid-19 lan rộng, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách Nhà nước 112,5 nghìn tỉ đồng, vượt 80% KHN, tăng 36% so với năm 2020, dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Năm 2022, trong bối cảnh biến động khó lường của kinh tế – chính trị, xung đột Nga – Ukraine, suy thoái kinh tế thế giới…, Petrovietnam vẫn về đích sớm kế hoạch sản xuất kinh doanh và lập thêm những kỷ lục mới của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong kết quả chung đó, có vai trò quan trọng của việc liên kết chuỗi giá trị, kết nối nguồn lực.
Còn nhớ, năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ xăng đầu sụt giảm nghiêm trọng, cung vượt cầu, các công ty năng lượng hết chỗ chứa dầu, các nhà máy lọc dầu tồn kho cao, đứng trước nguy cơ tank top (vượt giới hạn tồn trữ), giá dầu xuống mức thấp kỷ lục. Các nhà máy lọc dầu trong nước cũng không nằm ngoài tác động đó, tồn kho xăng dầu hết sức căng thẳng, nguy cơ tank top hiện hữu. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã huy động nguồn lực kho chứa trong chuỗi giá trị. Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) cho các nhà máy lọc dầu gửi sản phẩm vào kho; huy động các kho nổi, tàu chứa… Sự phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau của các doanh nghiệp dầu khí đã góp phần quan trọng giúp cho các nhà máy lọc dầu tránh được tank top phải dừng máy, nguy cơ thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng đến an ninh của các mỏ dầu.
Trong năm 2022, khi thị trường xăng dầu biến động bất thường, nguồn cung khan hiếm, đã xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu, đặc biệt là từ cuối tháng 9, đầu tháng 10. Để góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Petrovietnam đã tích cực triển khai các giải pháp để cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường. Trong đó, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã nâng công suất lên đến 112%. Để làm được điều đó không phải chỉ là sự nỗ lực của riêng NMLD Dung Quất mà còn là sự chung tay của cả chuỗi giá trị trong Petrovietnam, từ sản xuất, vận chuyển tới cung ứng xăng dầu cho thị trường. Với việc phải tính toán, điều phối, gia tăng sản xuất, bảo đảm nguồn cung dầu thô cho nhà máy vận hành ở công suất cao, các công tác vận chuyển, phân phối cùng nỗ lực để phục vụ cho sản xuất cũng như bảo đảm nguồn hàng cung ứng tối đa cho thị trường bán buôn, bán lẻ.
Không chỉ khẳng định vai trò rất quan trọng trong các tình huống bất ổn của thị trường, các chuỗi liên kết còn cho thấy hiệu quả thực tế bằng lợi nhuận thu được, cũng như qua việc tăng cường được cơ hội việc làm trong chuỗi, kết nối, chia sẻ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như chất xám để nâng cao giá trị gia tăng, góp phần phát huy nội lực, đem lại lợi ích hài hòa cho các thành viên trong chuỗi.
Chuỗi BCC PVOIL – PV GAS về sản xuất thành phẩm xăng nền và DO đạt hiệu quả tích cực |
Tiêu biểu trong chuỗi giá trị có thể kể đến như hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và PVOIL về sản xuất thành phẩm xăng nền, DO. Việc hợp tác này đã tận dụng được lợi thế của PV GAS có nguồn condensate và PVOIL có khả năng pha chế xăng nền, đưa ra thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của cả hai bên từ việc chế biến sản phẩm dầu khí, tăng nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, còn nhiều chuỗi khác như: BCC chuỗi khí – điện – cảng dịch vụ; chuỗi khai thác, vận chuyển và chế biến sâu khí mỏ Sư Tử Trắng pha 2B và sử dụng cho các dự án chế biến hóa dầu của Petrovietnam; Trường Cao đẳng Dầu khí (PVCollege), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP
(PV Power), Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVChem) ký kết thỏa thuận hợp tác “Chuỗi cung ứng các hoạt động dịch vụ trong ngành”; chuỗi dịch vụ liên kết với chuỗi E&P để gia tăng cơ hội cung cấp dịch vụ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong “kết nối nguồn lực”.
Ban lãnh đạo Petrovietnam định hướng các nhà máy lọc hóa dầu tận dụng vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và tài sản đã đầu tư để phát triển theo chuỗi chế biến sâu, kết nối chuỗi cung ứng giữa các nhà máy. Các cụm công nghiệp khí, điện, đạm hình thành chiến lược phát triển cho cả cụm, trên cơ sở đánh giá những cơ hội, rủi ro, phối hợp cụ thể, bài bản từ nguồn nhân lực trong vận hành, bảo dưỡng, đến sự phối hợp trong hệ thống, hạ tầng, công cụ phụ trợ… tạo ra những lợi ích hài hòa. Lãnh đạo Petrovietnam cũng chỉ đạo hình thành chuỗi phân phối, tận dụng hệ thống, kênh phân phối trong chuỗi đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trong chuỗi, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa công sức.
Quản trị, điều hành theo chuỗi, việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam cũng được xem xét, lên kế hoạch, điều hành theo từng khối (khối E&P và các đơn vị dịch vụ; khối khí – điện – đạm; khối lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm…); triển khai số hóa hệ thống tài sản của Petrovietnam và các doanh nghiệp nhằm tối ưu hoạt động quản lý, phân bổ nguồn lực, tận dụng được tài sản hạ tầng và có những giải pháp riêng cho từng lĩnh vực. Định kỳ hằng tháng, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp giao ban với thủ trưởng các đơn vị thành viên để nắm bắt tình hình hoạt động, qua đó tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giữa Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời các đơn vị thành viên cũng cập nhật thông tin, kết nối, hợp tác với nhau. Nhờ đó, sự phối hợp giữa Petrovietnam và các đơn vị thành viên, cũng như giữa các đơn vị thành viên với nhau trở nên gắn kết, hiệu quả hơn.
Có thể khẳng định, liên kết theo chuỗi giá trị là một quyết sách đúng đắn của Petrovietnam, cho thấy tầm nhìn tổng thể, dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững của Petrovietnam. Các thành viên trong chuỗi ngày càng nhận thấy được hiệu quả, giá trị của sự liên kết và chủ động, tích cực tham gia, chung tay xây dựng, kiến tạo những giá trị mới, hình thành một “đại gia đình” Petrovietnam ngày càng gắn kết vững mạnh.
Lê Mai