Ngày 5/8, tại TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí”.
Tham dự tọa đàm có ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, ông Trần Quang Dũng – Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn, ông Trịnh Xuân Cường – Trưởng ban Tìm kiếm thăm dò dầu khí Tập đoàn, ông Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Phạm Đăng An – Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của hơn 20 các nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tìm hiểu, thông tin về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Ông Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng giám đốc Petrovietnam phát biểu khai mạc tọa đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống, qua nhiều năm suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp… Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.
Việc tổ chức tọa đàm nhằm làm rõ, cung cấp những thông tin chính thống, chuẩn xác, góp phần truyền thông về việc thể chế hóa pháp luật về ngành Dầu khí; đồng thời đóng góp ý kiến giúp Tập đoàn nói riêng cũng như ngành Dầu khí Việt Nam nói chung trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Toàn cảnh tọa đàm |
Tại tọa đàm, đại diện Petrovietnam đã trình bày một số đề xuất của Petrovietnam với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó, có 7 đề xuất chính liên quan đến các nội dung: Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí; ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí; mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí; thực hiện quyền tham gia và quyền ưu tiên mua lại quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí; quy định về báo cáo ODP, EDP, FDP; quy định về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán.
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam trình bày tại tọa đàm |
TS. Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã trao đổi về Luật Dầu khí hiện hành so sánh với Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến, chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Qua đó làm rõ hơn về tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí; đồng thời đề xuất một số nội dung cần tiếp tục hoàn chỉnh, sửa đổi để Luật Dầu khí khi ban hành đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.
Ông Hoàng Ngọc Trung – Phó tổng giám đốc PVEP phát biểu tham luận |
Các đại biểu khẳng định, tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí bởi từ lần sửa đổi mới nhất năm 2008 đến nay hệ thống pháp luật thay đổi rất nhiều, hàng loạt các luật mới ra đời, tạo ra sự chống chéo, mâu thuẫn, cũng như có những khoảng trống, gây khó khăn, tắc nghẽn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, thực tiễn quốc tế nói chung và với ngành Dầu khí thế giới cũng thay đổi rất nhiều; cộng với những đặc thù ngành dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, cần phải thể chế hóa để giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư.
Việc sửa đổi Luật Dầu khí nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động dầu khí. Trong đó, sửa đổi tập trung vào những nhóm vấn đề quan trọng như: Bổ sung thêm khung thể chế cho hoạt động dầu khí, cụ thể là tạo cơ chế cho các hoạt động đã diễn ra trong thực tế nhưng luật hiện hành chưa có quy định; đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định khác của pháp luật; chính sách về ưu đãi đầu tư trong điều kiện mới; chính sách kế toán, kiểm toán, quyết toán; cơ chế tài chính; phân cấp, phân quyền;…
TS. Phan Minh Quốc Bình – Phó Viện trưởng VPI phát biểu |
Tại tọa đàm, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã có tham luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Các ý kiến tập trung mong muốn có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đặc thù của ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời mang tính cạnh tranh với các đối tác khác trong khu vực. Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề còn vướng mắc, mong muốn tiếp tục được xem xét, chỉnh lý trong Dự thảo Luật.
Ông Trần Quang Dũng – Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn phát biểu kết luận Hội thảo |
Kết luận tọa đàm, ông Trần Quang Dũng – Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn khái quát lại những nội dung tọa đàm; đồng thời khẳng định, hoạt động của ngành dầu khí không chỉ đóng góp lớn cho nền kinh tế mà còn góp phần rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng. Việc sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng bởi sẽ có tác động sâu rộng đến cả chuỗi giá trị dầu khí, giúp nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp dầu khí, đóng góp cho đất nước.
Các đại biểu tham dự tọa đàm |
M.P