Giai đoạn vừa qua, quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang có xu hướng tăng tốc nhanh. Viễn cảnh các nước trên thế giới có thể phát điện toàn bộ từ các nguồn năng lượng tái tạo; hay các phương tiện giao thông, thay vì chạy xăng dầu sẽ chạy bằng điện,… dần trở thành hiện thực trong những thập niên sắp tới. Trong bối cảnh đó, cần tận dụng thời gian để biến nguồn tài nguyên dầu khí đang còn nằm sâu dưới lòng đất thành nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước.
Trên thế giới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 1/3 công suất lắp đặt toàn cầu, đạt xấp xỉ 2.500 GW (Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế – IRENA 2019). Dự báo của IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế), công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng tốc trong 5 năm tới và sẽ chiếm gần 95% mức tăng công suất điện toàn cầu đến năm 2026. Công suất điện tái tạo sẽ tăng hơn 60% trong giai đoạn 2020-2026, đạt hơn 4.800 GW. Trong ngành giao thông vận tải, xe điện hai – ba bánh đều đang có khả năng cạnh tranh về chi phí so với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia ở Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ,… đang có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ lớn cho phát triển xe điện với doanh số xe bán ra tăng đáng kể, cùng những mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực này đầy tham vọng.
Năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp trên khắp thế giới |
Là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam có một thị trường năng lượng thuộc nhóm lớn nhất trong khu vực. Hệ thống năng lượng của Việt Nam lớn thứ hai trong khu vực ASEAN về công suất lắp đặt, chỉ sau Indonesia. Trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia Việt Nam, ngành công nghiệp Dầu khí có vị trí quan trọng; đồng thời, hoạt động của ngành Dầu khí còn có tác động lan tỏa đối với các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động cũng như đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn cung năng lượng sơ cấp của Petrovietnam chiếm 25-27% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp Việt Nam, tỷ trọng nguồn năng lượng cuối cùng của Petrovietnam chiếm trung bình 18-27% trong tổng nguồn năng lượng cuối cùng của Việt Nam. Trước năm 2015, Petrovietnam đóng góp trung bình hàng năm 20-25% tổng thu NSNN, 18-25% GDP cả nước. Trong giai đoạn 2016-2020, Petrovietnam đóng góp trung bình 9-11% tổng thu NSNN và 10-13% GDP cả nước với tổng sản lượng khai khác dầu khí là 22,26 triệu tấn/năm, sản xuất xăng dầu đáp ứng 70% nhu cầu trong nước.
Có thể thấy vai trò quan trọng của ngành Dầu khí trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành Dầu khí còn đóng góp quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, tất yếu lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch sẽ bị suy giảm. Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ hướng tới các nguồn năng lượng xanh – sạch, ít phát thải ra môi trường nên sẽ hạn chế năng lượng hóa thạch. Trong lúc các nguồn năng lượng mới chưa thể thay thế hoàn toàn được nhiên liệu truyền thống, cần tận dụng lợi thế thời gian với việc tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, để phát huy giá trị tài nguyên đóng góp cho kinh tế đất nước.
Xe điện đang phát triển nhanh |
Mặc dù tiềm năng Dầu khí của nước ta được đánh giá còn khá lớn. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác gặp nhiều khó khăn chủ quan và khách quan. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác. Nếu không sớm sửa đổi, tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách, rất khó có thể hiện thực hóa giá trị tài nguyên Dầu khí thành nguồn lực để phát triển kinh tế.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá rằng, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước từ khi Luật Dầu khí được ban hành lần đầu năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và 2018 cho tới nay đã có nhiều thay đổi. Điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016-2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng.
Do đó, ngành công nghiệp Dầu khí cần có những bước chuyển biến toàn diện, đồng bộ và cần có sự cải cách, từ cách thức quản lý nhà nước đến việc ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại đối với các hoạt động dầu khí theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giảm bớt các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi).
Cần sửa đổi Luật Dầu khí để thúc đẩy khai thác trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ |
Trong Kết luận tại phiên hợp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) vào tháng 4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng: Cần rà soát lại các quy định về chính sách của Nhà nước về dầu khí để bảo đảm cụ thể, khả thi như quy định về chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư; có cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ; tạo căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí, các nguồn dầu khí phi truyền thống như khí than, khí đá phiến…; Rà soát các quy định về áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan để bảo đảm thống nhất, rõ ràng, cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí; Tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình ra quyết định đầu tư; tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí; phân cấp phù hợp quyền và trách nhiệm cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh;…
Có thể thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyền Dầu khí của đất nước, cũng như phát huy vai trò của ngành Dầu khí trong sự phát triển kinh tế và các nhiệm vụ an ninh quốc gia trên biển. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sớm khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên này, bởi tài nguyên chỉ là tài nguyên khi chúng ta hiện thực hóa được nó, còn nếu không nó sẽ mãi nằm sâu dưới lòng đất mà chúng ta không sử dụng được.
M.Phương