Ngày 30.9, tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang, các đại biểu đã cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương với các LĐLĐ tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương với các LĐLĐ tỉnh, thành phố. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo Tờ trình do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Xuân Hùng trình bày, Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn thông qua việc phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các LĐLĐ tỉnh, thành phố.
Bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo hoạt động công đoàn cùng ngành nghề từ trung ương đến cơ sở, có sự phối hợp của LĐLĐ tỉnh, thành phố trong tổ chức, quản lý, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Quy định này xác định các nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn ngành trung ương và tương đương, LĐLĐ tỉnh, thành phố trong hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động công đoàn theo ngành nghề và tham gia phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Nguyên tắc xây dựng Quy định là thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các quy định của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; Đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận, hợp tác thiện chí, bình đẳng, vì mục tiêu chung xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; Phát huy vai trò, trách nhiệm và thực hiện đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong quá trình phối hợp công tác. Khi phát sinh những bất cập trong tổ chức thực hiện thì các bên trao đổi và có giải pháp để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp có nội dung không thống nhất, đơn vị chủ trì báo cáo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chỉ đạo kịp thời.
Nội dung của Quy định nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó tập trung vào nội dung, vai trò của các bên, công tác tài chính trong công tác phối hợp. Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh đến trách nhiệm của Công đoàn ngành Trung ương và tương đương với các LĐLĐ tỉnh, thành phố trong các hoạt động phối hợp. Bên cạnh đó cần có phần đánh giá về việc phối hợp theo định kỳ.
Để Quy định được triển khai hiệu quả, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị lãnh đạo các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương với các LĐLĐ tỉnh, thành phố tập trung cho ý kiến vào phần nhiệm vụ chủ trì, nhiệm vụ phối hợp để tránh sự chồng chéo trong quá trình phối hợp. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh: Ở đây, phối hợp là phối hợp tất cả các hoạt động của Công đoàn. Quy định là quy định khung còn phần cụ thể thì từng ngành ký với từng địa phương trên cơ sở thực tiễn của 2 bên.
Báo Lao động
https://laodong.vn/cong-doan/quy-dinh-la-khung-viec-ky-phoi-hop-se-dua-tren-thuc-te-1401399.ldo