Quan hệ sản xuất trong kinh tế thị trường được hình thành ở Việt Nam từ khi đổi mới. Quan hệ lao động (QHLĐ) do nhiều chủ thể tương tác với nhau thông qua cơ chế tham vấn, đối thoại, thương lượng tạo thành cơ chế vận hành của QHLĐ: cơ chế hai bên và cơ chế ba bên.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết Chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2019-2023. Ảnh chụp vào ngày 17/9/2019: DOÃN TUẤN. |
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, bức tranh QHLĐ ở nước ta ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi những nỗ lực trong việc hoàn thiện QHLĐ tiến bộ, hài hòa, bền vững.
QHLĐ được tạo thành bởi người lao động (NLĐ) và tổ chức đại diện của NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và tổ chức đại diện của NSDLĐ, cơ quan Nhà nước. Các chủ thể kinh tế tương tác thông qua hình thức tham vấn, đối thoại, thương lượng tạo thành cơ chế vận hành của QHLĐ, gồm có cơ chế hai bên (NLĐ, đại diện của NLĐ với NSDLĐ; đại diện của NLĐ với đại diện NSDLĐ) và cơ chế ba bên (Nhà nước – đại diện NSDLĐ – đại diện của NLĐ).
Những vấn đề đang đặt ra trong QHLĐ
Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập hết sức sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; đã tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Kinh tế đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh. Để tham gia vào các Hiệp định này, Việt Nam đã có những hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Khi Hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực thì thị trường lao động ở nước ta có sự tham gia ngày càng đa dạng, phong phú của NLĐ và NSDLĐ, trong đó có cả từ nước ngoài đến; làm cho sức cạnh tranh trên thị trường lao động càng thêm khốc liệt, QHLĐ phức tạp hơn với một số vấn đề cần quan tâm sau:
Xuất hiện tình trạng phân hóa giàu nghèo do chênh lệch về thu nhập, về cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Nếu Nhà nước không có biện pháp can thiệp một cách hiệu quả, để khoảng cách phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng sẽ làm xuất hiện tình trạng phân cực giàu nghèo, tiềm ẩn những hiểm họa cho xã hội, gây bất lợi cho thị trường lao động và QHLĐ.
Sự suy thoái đạo đức trong kinh tế thị trường như làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, lừa đảo, trốn thuế… làm tổn hại đến lợi ích của những chủ thể làm ăn chân chính, đến lợi ích quốc gia và tạo nên các hình thức thu nhập bất hợp pháp. Điều này làm dấy lên những quan ngại và bất bình trong xã hội, làm tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.
Hội thảo khoa học về giải pháp đảm bảo thực thi cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA do Trường Đại học Công đoàn tổ chức, tháng 5/2022. Ảnh: ĐHCĐ |
Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu minh bạch giữa các chủ doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau diễn ra khá phổ biến như ăn cắp thương hiệu, đánh cắp bản quyền… Điều này không phản ánh đúng thực lực cạnh tranh, tạo tiêu cực, bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ.
Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc sử dụng công nghệ hiện đại. Điều này không chỉ góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, lạc hậu về trình độ công nghệ quốc gia, biến nước ta thành bãi rác thải công nghệ; mà còn làm mất cơ hội để NLĐ Việt Nam tiếp cận, cập nhật công nghệ mới trong sản xuất.
Nhận thức và tuân thủ đúng pháp luật để thực hiện thành công những cam kết của Hiệp định CPTPP và EVFTA đối với NLĐ và NSDLĐ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy và hoàn thiện QHLĐ
Thực trạng QHLĐ ở Việt Nam khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực đã đặt ra yêu cầu về việc phát huy vai trò của Nhà nước một cách chủ động, tích cực để tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể kinh tế. Nhà nước ta đang thể hiện khá hiệu quả vai trò này.
Đã và đang thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa
Đó là đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác, các thị trường với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn, tránh những rủi ro và lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, NLĐ, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Môi trường pháp luật thông thoáng
Xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trung tâm, đặc biệt là lợi ích của đất nước. Đây chính là thể hiện sự chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết.
Thực hiện tốt đối thoại tại nơi làm việc sẽ góp phần ổn định QHLĐ. Trong ảnh: Hội nghị đối thoại với NLĐ năm 2022 tại Công ty Cổ phần Phụ gia nhựa Mega (Nghệ An). Ảnh: ĐỨC ANH. |
Nhận thức của các chủ thể kinh tế về pháp luật dần được nâng cao
Các chủ thể kinh tế ở nước ta đang dần am hiểu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế. Các chủ thể kinh tế dần thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết. Tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để nâng cao năng lực hội nhập và mức độ hưởng lợi từ hội nhập, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường khu vực và thế giới.
Tạo lập môi trường chính trị ổn định
Đó là thành tựu rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh nhiều biến động của tình hình thế giới. Cùng với đó là thành tựu bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ yên tâm khi lựa chọn đầu tư và quyết định đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ
Bao gồm hệ thống giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc… đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đây là một trong ba đột phá lớn được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định.
Tạo lập môi trường văn hóa phù hợp
Đó là môi trường mà con người có sự năng động, sáng tạo, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, trọng chữ tín… phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, khai thác tối ưu tiềm năng của các chủ thể kinh tế, thúc đẩy các QHLĐ diễn ra tích cực, hài hòa, tiến bộ.
Một số khuyến nghị
Trước những vấn đề đang đặt ra trong QHLĐ ở Việt Nam hiện nay, xin có một số khuyến nghị sau:
Nhà nước cần có các chính sách ưu tiên
Trước tiên là chính sách phân phối thu nhập, tạo điều kiện và cơ hội bình đẳng cho mỗi NLĐ trong xã hội (nhất là nhóm người yếu thế) được tiếp cận các nguồn lực, hưởng thụ các dịch vụ xã hội, vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng bao cấp, ỷ lại; vừa bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế, ngăn chặn tình trạng chênh lệch thu nhập quá lớn, vừa khuyến khích người dân làm giàu chính đáng. Trước pháp luật thì các chủ thể phải thực sự bình đẳng.
Nhà nước chú trọng chính sách phát triển mạnh lực lượng sản xuất
Phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao thu nhập của các chủ thể, hàng hóa và dịch vụ dồi dào, chất lượng tốt… Đây là điều kiện vật chất để thực hiện công bằng xã hội trong phân phối.
Cần tạo lập môi trường văn hóa phù hợp, đó là môi trường mà con người có sự năng động, sáng tạo, tôn trọng kỷ cương, pháp luật… phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường. Trong ảnh: Công nhân sản xuất vật liệu xây dựng tại Công ty cổ phần Prime Group (Vĩnh Phúc). Ảnh: KIM LY. |
Nhà nước phải kiểm soát tốt thu nhập của mọi công dân
Trước tiên là cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước; từ đó có chính sách, biện pháp để ngăn chặn, trấn áp, đẩy lùi những hành vi làm giàu bất hợp pháp, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp và giữa NLĐ với nhau.
Chính phủ cần đa dạng và tăng cường các kênh thông tin tuyên truyền
Phổ biến công khai, minh bạch các quy định mà các doanh nghiệp, NLĐ cần tuân thủ; giúp họ hiểu biết đúng, đủ các cam kết, chủ động ứng phó, tránh những rủi ro không đáng có khi hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực. Tiếp tục hoàn thiện mọi cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước về thương mại cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không xung đột với các cam kết trong CPTPP, EVFTA mà Việt Nam đã tham gia.
Chính phủ cần nghiên cứu, đưa ra dự báo
Kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật, môi trường đầu tư kinh doanh, thể chế tài chính… nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư FDI, tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp trong nước, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của NLĐ, doanh nghiệp và quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Theo Laodongcongdoan.vn