Trong những năm qua, tỷ trọng doanh thu dịch vụ dầu khí trong tổng doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đồng thời năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành ngày càng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn.
Mô hình ưu việt trong giai đoạn nhiều thách thức
Hiện nay, yêu cầu về mức độ phức tạp và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ kỹ thuật dầu khí ngày càng cao; điều kiện tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí cả ở trong nước và ở nước ngoài đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, hiện đại, chất lượng dịch vụ phải đạt chuẩn quốc tế đang là thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh cung ứng dịch vụ.
Được biết, nhiều công ty dầu khí nước ngoài có tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, kinh nghiệm, tài chính… đã tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ trong nước và sẵn sàng chào thầu với giá dịch vụ giảm từ 15-30% đã gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn. Các đơn vị này một mặt chịu tác động không nhỏ từ những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, mặt khác sự ”siết chặt” của cơ chế chính sách cũng đang là bài toán khó giải
Dịch vụ kỹ thuật dầu khí hiện chiếm 30% tổng doanh thu của PVN |
Trong giai đoạn hiện nay, hàng loạt các dự án lớn của PVN đang được triển khai với mức đầu tư cao, sức ép về thu xếp vốn rất lớn. Giá cả của nhiều loại thiết bị, vật tư, nhiên liệu chủ yếu và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư có những diễn biến phức tạp gây áp lực đến chi phí và mặt bằng giá trong nước, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh của các đơn vị trong Tập đoàn. Giá dầu suy giảm nhanh và diễn biến bất thường trong hơn 1 năm qua đã khiến nhiều đơn vị, nhà thầu dầu khí phải rà soát dừng, giãn tiến độ các dự án, tiết giảm tối đa chi phí… do đó khối lượng công việc giảm hẳn và giá dịch vụ cũng phải cắt giảm tới mức tối đa.
Luật Đấu thầu có hiệu lực từ tháng 7-2014 với những quy định chặt chẽ về nội dung và qui trình thực hiện đã tác động lớn đến các đơn vị khi tham gia đấu thầu trong khi cơ chế ưu tiên cho các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Để giải bài toán dịch vụ chuyên ngành này, theo nhận định của các chuyên gia, điều đầu tiên cần phải làm là quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để việc triển khai thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu sử dụng vốn nhà nước và chủ trương của Tập đoàn về “phát huy nội lực, tăng cường ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn”.
Trong giai đoạn tiếp theo, để có thể phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí với tốc độ tăng trưởng nhanh, sức cạnh tranh mạnh mẽ, đủ năng lực đáp ứng được phần lớn nhu cầu của ngành Dầu khí, từng bước phát triển dịch vụ ra các nước, tạo được uy tín và thương hiệu trong khu vực và trên thế giới, các chuyên gia của PVN đã đưa ra một mô hình, gọi là mô hình các tổ hợp cung cấp dịch vụ chuyên ngành. Đây là mô hình được coi là ưu việt nhất cho giai đoạn phát triển mới.
Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí mà các công ty trong ngành đã có đủ năng lực thực hiện; hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài trong một số lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, công nghệ cao, tích cực học tập chuyển giao công nghệ để nâng dần tỷ trọng thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao.
Để phát triển các tổ hợp cung cấp dịch vụ chuyên ngành của PVN ngang tầm khu vực và quốc tế cần thực hiện 5 giải pháp cơ bản, đó là: Tập trung phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao và am hiểu về ngành Dầu khí; đổi mới các hình thức của hoạt động dầu khí; hợp tác với các đối tác nước ngoài; xây dựng cơ chế chính sách và tạo được sự đoàn kết nhất trí cao về mục tiêu phát triển dịch vụ dầu khí.
Một số giải pháp của các đơn vị thuộc PVN
Để thực hiện được mô hình nêu trên, hiện nay một số đơn vị chuyên về dịch vụ dầu khí thuộc PVN đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá và đưa ra nhiều giải pháp hữu ích trong giai đoạn tới.
PV Drilling (PVD) là một Tổng Công ty mạnh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao, đã khẳng định thương hiệu PV Drilling là nhà thầu khoan hàng đầu châu Á. Bài học của PVD là tối ưu hóa nguồn nhân lực, đầu tư & thiết lập hệ thống bài bản để phát triển con người; đề bạt người Việt Nam thay thế các chức danh lao động trên giàn khoan mà trước đó chỉ do người nước ngoài đảm nhận; mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại; ứng dụng thành công nền quản trị doanh nghiệp tiên tiến.
Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí phục vụ cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến Dầu khí. Những năm qua, đây là một đơn vị hoạt động rất hiệu quả, thương hiệu được các khách hàng, đối tác, tổ chức, các cơ quan quản lý đánh giá cao về uy tín, chất lượng và dịch vụ. Hiện PTSC đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cùng với xây dựng giá cả cạnh tranh hơn; nâng cao kỹ năng, năng lực, hiệu quả trong công tác phát triển kinh doanh, chào giá, đấu thầu. Cải tiến và đẩy mạnh công tác marketing, tập trung vào một số thị trường khả thi nhất như Malaysia, Australia, Brunei, Myanmar… Tăng cường đầu tư máy móc trang thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt trong khu vực cơ khí chế tạo; xây dựng chính sách, cơ chế riêng nhằm thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam.
Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) hiện được xếp hạng là doanh nghiệp đứng đầu nhóm ngành vận tải biển Việt Nam trong top VNR500 với tổng trọng tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam (chiếm hơn 33% thị phần vận tải hàng lỏng). PVTrans đang thực hiện chiến lược đầu tư trên tinh thần “phát triển kèm theo phòng thủ”, chỉ chọn lựa những dự án đầu tư thật sự hiệu quả và việc lựa chọn thời điểm đầu tư, phương thức đầu tư trên cơ sở cân đối nguồn lực một cách linh hoạt. Tiếp tục phát huy việc áp dụng là tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải dầu khí, dịch vụ hàng hải dầu khí để triển khai các dự án cụ thể tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh việc phát triển thị trường hàng lỏng, một trong những ưu tiên phát triển đột phá thị trường trong giai đoạn 2015 – 2020 của PVTrans là thị trường hàng rời, cụ thể là vận tải than cho các nhà máy điện có vốn đầu tư của Tập đoàn. Bên cạnh đó là những giải pháp áp dụng có chọn lọc các mô hình quản lý chuyên nghiệp của các công ty vận tải quốc tế vào mô hình quản lý của PV Trans; phát huy việc tự quản lý kỹ thuật toàn bộ đội tàu dựa trên những tích lũy kinh nghiệm PVTrans đã có được sau khi quyết liệt kéo toàn bộ đội tàu về tự quản lý khai thác không thông qua bất kì công ty quản lý nước ngoài nào.
Ngân Hà