Nội dung của chương trình đào tạo tập trung làm rõ 5 vấn đề: Một cách hiểu về văn hóa; giá trị mang lại của văn hóa; phương pháp tái tạo văn hóa; nguy cơ thất bại trong quá trình triển khai văn hóa; 5S và tầm quan trọng của nó.
Ngày 7/10, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phối hợp cùng với Viện Quản lý PACE tổ chức Chương trình đào tạo “Phương pháp tái tạo văn hóa doanh nghiệp”. Chương trình có hai khóa đào tạo diễn ra trong hai ngày 7 và 8/10.
Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Xuân Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV Tập đoàn; đồng chí Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Tập đoàn; đồng chí Phan Ngọc Trung, Thành viên HĐTV Tập đoàn cùng các đồng chí Trưởng/Phó các Ban/Văn phòng Tập đoàn, Trưởng/Phó các tổ chức đoàn thể Tập đoàn và cơ quan Tập đoàn.
Quang cảnh buổi đào tạo
Về phía PACE có ông Vũ Đức Trí Thể, Giám đốc Giải pháp Trường PACE và ông Hoàng Mạnh Hải, Thành viên Ban Chuyên Môn Trường PACE tham dự giảng dạy tại chương trình.
Ông Vũ Đức Trí Thể trình bày nội dung Chương trình đào tạo
Ông Hoàng Mạnh Hải cho biết, mục tiêu của “Phương pháp tái tạo văn hóa doanh nghiệp” là nhằm giúp người tham dự nhận thức sâu sắc về giá trị mà văn hóa doanh nghiệp mang lại; nắm được quy trình tái tạo văn hóa doanh nghiệp và vai trò của các cấp với công việc này; nhận thức về tầm quan trọng của “5S”, làm tiền đề cho bước tiếp theo.
Nội dung của chương trình tập trung làm rõ 5 vấn đề: Một cách hiểu về văn hóa, giá trị mang lại của văn hóa, phương pháp tái tạo văn hóa, nguy cơ thất bại trong quá trình triển khai văn hóa, 5S và tầm quan trọng của nó.
Ông Hoàng Mạnh Hải tham gia giảng dạy tại Chương trình đào tạo
Tại chương trình, ông Hoàng Mạnh Hải đã tập trung làm rõ về vấn đề “Văn hóa và sự gắn kết đội ngũ”. Theo ông Hải, văn hóa và sự gắn kết là chất xúc tác để hình thành một đội ngũ giàu sinh khí, đầy sức sống. Một khi doanh nghiệp có văn hóa mạnh và phù hợp với mục tiêu và chiến lược thì sẽ tạo ra được niềm tự hào cho nhân viên, từ đó mọi người luôn sống, cống hiến hết mình vì mục tiêu chung của doanh nghiệp một cách tự nguyện (theo chuẩn mực đã được mọi người cùng xác lập). Văn hóa và sự gắn kết cũng sẽ giúp mọi người tìm thấy “IKIGAI” (lý do sống) của mình.
Làm sao để kiến tạo nên một đội ngũ giàu sinh khí, có sự gắn kết nhiệt thành và sáng tạo trong công việc? Ông Hải dẫn chứng ra 4 yếu tố tạo nên sự gắn kết, đó là bản thân công việc, lãnh đạo, văn hóa tổ chức và thực hành của đội ngũ.
Đồng chí Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Tập đoàn tham gia trao đổi, thảo luận với các diễn giả xung quanh các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp và tái tạo văn hóa doanh nghiệp
Nói về tái tạo văn hóa, ông Hoàng Mạnh Hải đưa ra 5 quy trình. Thứ nhất, cần phải nhận diện văn hóa hiện tại. Thứ hai, xác định văn hóa mong muốn. Cụ thể, điều này phải gắn với sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược và quan điểm lãnh đạo. Thứ ba, củng cố văn hóa nền tảng. Thứ tư, kiện toàn tài liệu văn hóa, bao gồm tính chính xác của từ ngữ, tính súc tích của văn bản, tính khả thi của ví dụ. Thứ năm, chú trọng các hoạt động sống với văn hóa như truyền thông, đào tạo, quy trình, quy chế.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam tham giả thảo luận tại chương trình đào tạo
Trước đó, ngày 29/9, PVN đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Tập đoàn cùng các đồng chí là Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tổng công ty, đơn vị thành viên, các đồng chí Trưởng/Phó các Ban/Văn phòng Tập đoàn, Trưởng/Phó các tổ chức đoàn thể Tập đoàn và cơ quan Tập đoàn, Trưởng phòng thuộc các Ban/Văn Phòng Tập đoàn tại các điểm cầu.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Mục tiêu của Đề án tái tạo Văn hoá Petrovietnam là tìm lại những giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí đã được hình thành trong suốt quá trình phát triển để củng cố, đồng thời rà soát loại bỏ những yếu tố văn hóa gây ra cản trở sự phát triển bền vững của Tập đoàn, trên cơ sở đó tái tạo để cập nhật tốt hơn những yếu tố mới, những xu hướng của thời đại nhằm xây dựng văn hóa Petrovietnam”.
Tổng giám đốc cũng cho rằng quá trình hoàn chỉnh để đưa Đề án tái tạo Văn hóa Petrovietnam vào cuộc sống cũng giống như chúng ta trang bị thêm lý tưởng và mục tiêu để cuối cùng có được sự thống nhất trong tư tưởng và trong hành động. Để Đề án triển khai thành công, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, rất cần có sự chung tay, hợp lực cả về tinh thần lẫn sức lực, trí tuệ của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn.
Tham gia tư vấn tại Hội nghị, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE & Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED đã trình bày những nội dung liên quan đến các vấn đề văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp và tái tạo văn hóa doanh nghiệp nói riêng.
Tại Chương trình đào tạo, lãnh đạo Tập đoàn, đại diện các tổ chức, phòng ban đã có những ý kiến phát biểu chia sẻ sôi nổi về các vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Minh Loan