Trong mục tiêu tổng quát chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải xây dựng một tiềm lực khoa học công nghệ (KHCN) mạnh bằng những giải pháp đột phá. Đây được xem là động lực và nền tảng để Tập đoàn tăng tốc phát triển và phát triển bền vững.
Vai trò và tầm quan trọng của KHCN đối với ngành kinh tế kỹ thuật hàng đầu của đất nước như dầu khí là không thể phủ nhận, nhưng để mục tiêu này khả thi, còn rất nhiều vấn đề cần nhìn nhận khách quan để có bước đi thích hợp.
Dấu ấn khoa học công nghệ
Trước hết cần khẳng định, trong nhiều năm qua, kết quả của việc không ngừng phát triển và nâng cao tiềm lực KHCN dầu khí, tiếp nhận thành tựu KHCN mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn trong hoạt động sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã mang lại thành công lớn cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mỗi thành tích của Tập đoàn đều mang dấu ấn của KHCN. Và ngành Dầu khí hiện nay được coi là đang triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước.
Trung tâm điều khiển Cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh |
Nhận thức đúng đã tạo sự gắn kết KHCN với công nghiệp dầu khí, thúc đẩy sự hình thành và triển khai các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, gắn kết nghiên cứu với ứng dụng thành tựu KHCN trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đã từng bước được nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng, ở một số lĩnh vực đã đào tạo và hình thành được những cán bộ, nhóm cán bộ đủ trình độ chuyên gia, có thể đảm nhiệm, chủ trì những dự án kỹ thuật công nghệ phức tạp, có quy mô lớn. Đầu tư cơ sở vật chất cho KHCN tại PVN được coi trọng với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đủ để phục vụ cho công tác phân tích, nghiên cứu cho chuỗi hoạt động dầu khí. Tại các đơn vị sản xuất, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển được coi trọng ngay từ khâu thiết kế của dự án, gắn liền với việc lựa chọn các công nghệ tiên tiến hiện đại trong các dây chuyền sản xuất và đào tạo nhân lực KHKT tiếp nhận và làm chủ công nghệ, phục vụ vận hành và quản lý nhà máy.
Hiện nay KHCN đã được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt các nghiên cứu tập trung vào các hướng chuyên môn, chuyên ngành. Công tác nghiên cứu điều tra cơ bản về dầu khí được Tập đoàn chú trọng triển khai tích cực và kết quả nghiên cứu được coi là cơ sở khoa học tin cậy, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn, giúp đưa ra quyết sách, chủ trương đúng đắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; ngoài ra còn giúp các bộ, ngành quy hoạch phát triển kinh tế đất nước. Công tác nghiên cứu điều tra cơ bản còn mang tính dẫn dắt, mở ra các hướng nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo, các hướng nghiên cứu mới trong công tác tìm kiếm các loại dầu khí phi truyền thống như khí than, khí sét, khí hydrate…
Các hoạt động khuyến khích tham gia vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng được PVN tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú như các hội thi sáng tạo; vinh danh xứng đáng các công trình sáng kiến, sáng chế; tổ chức các hội nghị, hội thảo KHCN trong nước và quốc tế; mở các diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp quản lý…
Có thể thấy, các đề tài, dự án nghiên cứu ngày càng gắn chặt với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được triển khai rộng khắp, mang lại lợi ích hàng chục tỉ đồng mỗi năm cho toàn Tập đoàn. Thành tựu danh giá nhất là đội ngũ KHCN dầu khí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ Tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.
Tuy nhiên, những thành tích nêu trên có thể coi là còn cách khá xa so với cái đích: “Có tiềm lực KHCN mạnh”.
Tiềm lực chưa tương xứng
Theo đánh giá mới nhất của Viện Dầu khí Việt Nam, cơ quan đầu ngành về KHCN của PVN, nền tảng KHCN của Tập đoàn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vị thế của PVN hiện nay. Nếu xem xét hoạt động khoa học – công nghệ dưới dạng chuỗi giá trị từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đến triển khai, thì có thể thấy chuỗi giá trị này còn thiếu cân đối: nghiên cứu cơ bản chiếm tỷ trọng khiêm tốn; nghiên cứu triển khai chưa có được nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền công nghệ được đăng ký bảo hộ; sản phẩm mới vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ, khả năng thương mại hóa hoặc áp dụng rộng rãi vào thực tiễn còn hạn chế.
Nguồn nhân lực KHCN cấp trung của PVN hiện đáp ứng yêu cầu, nhưng cán bộ chuyên gia đầu ngành còn mỏng, có sự hụt hẫng trong chuyển giao thế hệ; đào tạo chuyên sâu, phát triển chuyên gia chưa được quan tâm đầy đủ và còn chiếm tỷ trọng nhỏ; chưa huy động hết tiềm năng của nguồn nhân lực KHCN phục vụ cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung. Hợp tác quốc tế còn dàn trải, chưa có những đối tác chiến lược cùng nhau giải quyết những vấn đề khó, cụ thể, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Được biết, ở quy mô toàn Tập đoàn, Quỹ phát triển KHCN chưa được trích lập một cách đầy đủ và sử dụng hết tiềm năng, phục vụ cho cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để công tác nghiên cứu triển khai còn chưa được mạnh mẽ, rộng khắp.
Có thể nói, nhiều nguyên nhân khách quan và cả chủ quan đã được nhìn nhận, song để giải được những bài toán khó này, cần phải có những giải pháp, bước đi rất quyết liệt và cụ thể. Ví dụ, trước hết và quan trọng nhất là cơ chế chính sách đầu tư phát triển KHCN, cụ thể là sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KHCN. Điều này đang phụ thuộc khá lớn vào các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không thực sự “giải phóng” quỹ này, sẽ không có sự chủ động cho doanh nghiệp. Tiếp đó là cần xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn và quy hoạch chuyên gia, tăng cường đào tạo chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp để làm chủ công nghệ cùng với việc phân bổ nguồn lực xứng đáng cho công tác này. Một số giải pháp khác cũng cần thực hiện ngay là luân chuyển các cán bộ KHCN trong quy hoạch chuyên gia giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh với cơ sở nghiên cứu khoa học; tăng cường thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ KHCN dầu khí; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, đầu tư thử nghiệm, chuyển đổi và ứng dụng các công nghệ mới.
Công nghệ là cơ sở của nền công nghiệp. Công nghệ và quản lý công nghệ được coi là công cụ biến đổi mạnh mẽ nhất ở cả những nước phát triển và đang phát triển. Việc xây dựng năng lực quản lý công nghệ, nhân tố chính của tiềm lực công nghệ, có tầm quan trọng sống còn đối với một tập đoàn kinh tế kỹ thuật như PVN. Điều này làm tăng tốc độ của quá trình tiếp thu, đồng hoá, phổ biến công nghệ nhập, tăng được khả năng lựa chọn công nghệ một cách độc lập, giúp hoàn thiện và cải tiến các kỹ thuật đã được chọn và dần dần tạo ra được các công nghệ nội sinh, yếu tố cần thiết để tạo nên thành công.
Nguyễn Tiến Dũng