Năm 1987, khi vừa bước chân ra trường, khăn gói lên tàu hỏa vào TP HCM rồi xuống Vũng Tàu nhận công tác với tâm trạng phấn chấn vì tương lai của ngành dầu khí. Những năm đó nói đến dầu khí là chỉ có Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, các đơn vị khác đều quá nhỏ bé so với “Anh cả Đỏ” và làm dịch vụ cho Vietsovpetro.
Chúng tôi làm ở Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp Dầu khí, thi công các hạng mục cho Ban Quản lý công trình dầu khí Vũng Tàu (BQL), tiền thân của PV GAS ngày nay. BQL thực hiện các dự án dịch vụ xây lắp tại căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ khu cảng dầu khí, từ xây dựng trạm điện, khu căn cứ địa vật lý và kho chứa các sản phẩm dầu mỏ nay là kho xăng dầu của PVOIL quản lý. Khu bồn bể bao quanh bởi bức tường và đê cát chống tràn sau mùa mưa cỏ mọc phủ kín, bên trong những bụi gai vẫn có những con rắn và lũ mèo hoang chung nhau trú tạm. Những kỹ sư trẻ của BQL và nhà thầu cùng nhau lập phương án cải tạo và thi công. Lãnh đạo của BQL lúc ấy cũng chỉ có mấy chiếc xe UW để đi công trường. Những bản vẽ chúng tôi phải thực hiện trên giấy can và sao chép bằng tay, những ngày mưa phải bỏ bản vẽ vào trong ống đeo bên hông như súng trường của du kích.
Công tác xây dựng cơ bản và căn cứ dịch vụ để phục vụ khai thác dầu có vai trò quan trọng để giảm dần vào các chi phí phải đi thuê ở nước ngoài. Ngày nay công tác dịch vụ của các đơn vị trong Petrovietnam đã lớn mạnh và chiếm tỷ trọng lớn.
Ngọn lửa công trình khí |
Những năm 1990 là bước chuyển biến lớn cho ngành Dầu khí khi Chính phủ cho thành lập Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm khí và triển khai dự án “Đưa khí sớm vào bờ – Fast Track” từ mỏ Bạch Hổ để cung cấp khí cho nhà máy điện Bà Rịa và sau này cho trung tâm điện lực Phú Mỹ.
Lớp kỹ sư và cán bộ của BQL cũ và chúng tôi lại sát cánh nhau lên đường thi công những công trình mới. Bây giờ thay vì can vẽ các bản vẽ chúng tôi phải mang từ điển tiếng Anh theo người để đọc các tài liệu dày, nào là P&ID nào là Specification, nào là ITP, OMM… toàn những thuật ngữ mới lạ. Các tên tuổi nhà thầu nước ngoài như Fisher Rosemount còn được phiên dịch thành “Người câu cá trên đỉnh núi hoa hồng” hay Pig còn gọi heo nghe cũng thú vị. Có những cuộc tranh cãi vì câu chữ như “Holiday Detector” là gì? Lúc đầu có người còn bảo: Là chế độ thưởng nghỉ ngơi cho cán bộ dầu khí…
Thời gian trôi qua đã 31 năm, mỗi lần đi qua cầu Cỏ May vào đêm nhìn thấy ánh sáng ở Dinh Cố hay Bà Rịa trên ngọn đuốc có mấy ai nghĩ dòng khí đã đi qua hàng trăm ki-lô-mét về đây, về tụ hội ở phần đuôi hay vị trí nào trên thân rồng Long Hải? Những công sức của bao thế hệ và những thế hệ trẻ tuổi đang vận hành những thiết bị hiện đại một cách thuần thục. Những gì mà chúng ta có đều trải qua những quá trình, những quy phạm, nghị định của Bộ Xây dựng từ 209, 46 hay 06 vừa tập huấn tuần qua cũng đều có từ những trang tài liệu dịch ra và thực tiễn những công trình đúc kết và tiếp nhận chuyển giao từ các chuyên gia dầu khí như SNC – Lavalin, John Brown, Brown & Root, Bechtel kể cả những chuyên gia các nhà sản xuất, nhà cung cấp như “Người câu cá trên đỉnh núi hoa hồng”!
Dự án LNG Thị Vải đang được hình thành, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam |
PV GAS ngày nay đã có vị thế đầu đàn, càng lớn mạnh. Chúng tôi rất may mắn và vinh dự được làm việc ở đây.
Có người ví đường ống dẫn khí từ biển vào như những con rồng đi qua mọi khúc quanh và nhả ngọn lửa rực sáng vào đất liền, dẫn vào từng bếp ga trong cuộc sống hàng ngày…
Hãy hát lại “Bài ca Xây dựng”: “Bạn có nghe chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong… Ngày mai chúng ta lại lên đường đến những công trình mới…”
PV GAS – Năng lượng cho cuộc sống! Nối tiếp những công trình! Sáng mãi ngọn lửa rồng.
Vũ Ngọc Khương – PV GAS