Trong hai ngày 29-30/9/2021, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC) đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nâng cao (ATC) – Trường Đại học Dầu khí Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo “Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp dầu khí” cho hơn 70 cán bộ nhân viên của đơn vị bằng hình thức trực tuyến.
Diễn giả của chương trình là các chuyên gia đến từ Bộ Thông tin & Truyền thông, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán VIASM và Viện Khoa học Công nghệ VINASA. Các học viên đã được nghe chia sẻ tổng quan về CMCN 4.0 và chuyển đổi số, các công nghệ dẫn dắt, chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp, chiến lược dữ liệu doanh nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số,…
Chương trình đào tạo “Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp dầu khí” |
Phần thảo luận, hỏi đáp rất sôi nổi với trên 50 vấn đề, từ vĩ mô đến phương pháp, bài học kinh nghiệm và trăn trở của người lao động: Một trong những khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi số chính là quản trị phản ứng/phản hồi của các nhân viên liên quan trong ngắn hạn khi quá trình chuyển đổi số ở giai đoạn bắt đầu triển khai (sự thay đổi về quy trình, về dữ liệu, về công nghệ,… gây ra nhiều áp lực cho cán bộ nhân viên trong ngắn hạn). “Ngắn hạn chưa vượt qua nên cái đích dài hạn không chạm được tới”; Chuyển đổi số khác gì so với triển khai ERP? Khi hạ tầng thể chế chưa thay đổi tương ứng thì doanh nghiệp phải làm thế nào để quá trình Chuyển đổi số tiết kiệm và hiệu quả?…
Ngoài ra các vấn đề được quan tâm như: Xác định CMCN 4.0, chuyển đổi số là cơ hội vô giá và cuối cùng, Việt Nam đã và đang làm gì để tận dụng cơ hội này? So sánh vị thế của Việt Nam hiện tại so với thế giới trong cuộc cách mạng này? Kết nối đối tác, hiểu trong Petrovietnam là các đơn vị thành viên kết nối với nhau, hiểu trong nội bộ Phú Quốc POC là các phòng ban sử dụng các giải pháp số hóa khác nhau kết nối với nhau thì cần dùng chung hệ dữ liệu như thế nào và giải pháp xử lý sự khác biệt ra sao? Chuyển đổi số có làm thay đổi việc sử dụng nguồn nhân lực? Liệu sẽ có nhiều sự sa thải sau mỗi bước chuyển đổi số? Chuyển đổi số cần sự đầu tư lớn về tiền cũng như nhân lực, làm thế nào để cân bằng giữa chi phí đầu tư chuyển đổi số cao, mà lợi ích của chuyển đổi số có thể lâu dài mới nhận được?
Phần cuối của chương trình, diễn giả Trần Đăng Khoa từ Cục An toàn Thông tin chia sẻ chuyên đề “Kỹ năng trong môi trường số”, bao gồm: Kiến thức về thông tin và dữ liệu; 4 xu hướng phát triển S.M.A.C (Social, Mobile, Analytics, Cloud); Vấn đề an toàn, an ninh mạng; Kỹ năng về xử lý tình huống; Cách khắc phục và tìm trợ giúp trên không gian mạng; 10 điều cần nhớ để đảm bảo an toàn thông tin cho cá nhân và tổ chức.
Chương trình đào tạo được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
“Tôi cho rằng với giả sử tất cả các yếu tố như ngân sách, công nghệ, sự quyết tâm của lãnh đạo, quản lý đã đầy đủ, phần khó nhất vẫn là nguồn lực nội tại để thực hiện việc chuyển đổi số: việc tuyển dụng đội ngũ chuyển đổi số và đào tạo nhân sự các phòng ban tham gia trong công tác chuyển đổi số hay là sử dụng kết hợp với tư vấn bên ngoài cũng cần phải được chú trọng” – Lãnh đạo Phú Quốc POC chia sẻ.
Phú Quốc POC bắt đầu với Chuyển đổi số từ năm 2019 sau khi hoàn thành công việc xây dựng văn hóa nền tảng (tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi). Công ty và các phòng ban đến thời điểm này cũng đã và đang tích cực ứng dụng các thành quả chuyển đổi số mà Phú Quốc POC xây dựng bằng nội lực trong thời gian 2019 – 2020 như ứng dụng sharepoint quản lý các công việc của các phòng, quản lý nhà thầu, phối hợp chuẩn bị hợp đồng, quản lý tài liệu, quy trình, thực hiện công tác khảo sát thị trường… Trong mảng ERP đã thực hiện thành công phân hệ mua sắm, đang thực hiện phân hệ tài chính kế toán. Hiện tại, công ty đang thực hiện dự án quản trị rủi ro (ERM) ứng dụng chuyển đổi số và tiếp tục thực hiện việc ứng dụng vào công tác quản trị và vận hành các giếng khoan, giúp cho hiệu quả hoạt động điều hành của các phòng ban và Công ty được tối ưu, tiết kiệm chi phí về lâu dài cho Dự án.
Anh Khoa – Bảo Khuyên