Ngày 20/10, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2021), kỷ niệm 11 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 – 20/10/2021) với chủ đề “Phụ nữ Dầu khí vững vàng vượt khó”, triển khai hành động công tác bình đẳng giới đến năm 2030 tại công đoàn các cấp và tập huấn chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ.
Tham dự chương trình có đồng chí Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN); cùng các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Ban thuộc Tổng LĐLĐVN.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo Tập đoàn tặng hoa chúc mừng các nữ cán bộ Công đoàn |
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV; các đồng chí Thành viên HĐTV: Bùi Minh Tiến, Nguyễn Hùng Dũng; đồng chí Đỗ Chí Thanh – Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Tập đoàn; cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên, đại diện các tổ chức chính trị – xã hội trong Tập đoàn.
Về phía CĐ DKVN có đồng chí Nghiêm Thùy Lan – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Chủ tịch CĐ DKVN; các đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Kha, Vũ Anh Tuấn; cùng lãnh đạo các Ban thuộc CĐ DKVN. Đại diện các Công đoàn trực thuộc, các cán bộ phụ trách công tác Nữ công tại các đơn vị tham gia theo hình thức trực tuyến.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh, chương trình năm nay được tổ chức với chủ đề “Phụ nữ Dầu khí vững vàng vượt khó” trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn hết sức phức tạp, CĐ DKVN đã nỗ lực, cố gắng để tổ chức hoạt động ý nghĩa, thiết thực để chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng như hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Dầu khí (27/11/1961 – 27/11/2021), 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam (16/12/1991 – 16/12/2021). Đây cũng là ngày vui lớn của các thế hệ nữ lao động Dầu khí, nhằm tôn vinh giá trị, vị trí của người phụ nữ Việt Nam, cũng như nhắc nhở về trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò của phụ nữ trong gia đình, trong xã hội, đặc biệt là của phụ nữ Dầu khí trong tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước. Chương trình cũng nhằm tăng cường giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng phát triển phong trào nữ công nhân lao động, phong trào công đoàn trong bối cảnh, tình hình mới.
Tiết mục văn nghệ của các nữ cán bộ công đoàn |
Nhân dịp này, thay mặt cho CĐ DKVN, Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan gửi lời cảm ơn trân trọng đến lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo Petrovietnam đã dành sự quan tâm, hỗ trợ đối với CĐ DKVN, đặc biệt đối với công tác Nữ công và các nữ công nhân lao động ngành Dầu khí. Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có những chính sách tốt cho phụ nữ ngành Dầu khí có nhiều cơ hội để phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Tập đoàn, của đơn vị.
Phong trào nữ công nhân lao động và công tác Nữ công 9 tháng đầu năm triển khai trong điều kiện rất đặc thù do tác động của bệnh dịch Covid-19 rất phức tạp và kéo dài, thị trường các sản phẩm dầu khí đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng giãn cách xã hội diện rộng tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên phải trải qua rất nhiều khó khăn thách thức. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Petrovietnam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 437,8 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch 9 tháng. Đặc biệt, Petrovietnam góp phần quan trọng vào nguồn thu NSNN vượt 17% so với cùng kỳ năm 2020. Những kết quả trên thể hiện nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên và gần 60.000 người lao động Dầu khí, trong đó có sự đóng góp của gần 14 ngàn nữ công nhân lao động.
Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số nữ công nhân lao động trong toàn Tập đoàn: 13,593 người/54,254 CNLĐ (tỷ lệ 25%). Trình độ: Đại học trở lên đạt 58%. Có thể nói, phụ nữ Dầu khí ngày càng khẳng định rõ phẩm chất, năng lực trên mọi lĩnh vực công tác, chị em đảm nhận nhiều công việc quan trọng mang tính đặc thù của ngành kinh tế kỹ thuật công nghiệp với yêu cầu và áp lực cao, chị em đã tích cực nghiên cứu, sáng kiến, sáng chế, lao động sáng tạo, góp phần không nhỏ vào việc tiết giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tham gia tích cực phong trào đoàn thể, hoàn thành tốt vai trò người con, người vợ, người mẹ trong gia đình.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật phát biểu tại chương trình |
Thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật ghi nhận và biểu dương CĐ DKVN, Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong việc triển khai công tác nữ công, đã có những giải pháp, đổi mới cách làm trong công tác nữ, nhất là trong việc chăm lo, giám sát thực hiện chính sách lao động nữ. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật mong muốn CĐ DKVN tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của công tác vận động nữ công nhân lao động, nhận thức về giới và bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan tặng quà đại diện nữ công nhân, lao động khó khăn |
Các đại biểu tham dự chương trình đã nghe báo cáo phong trào nữ CNLĐ 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Tại chương trình, CĐ DKVN đã trao ủng hộ nữ CNLĐ khó khăn với số tiền 520 triệu đồng. Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đánh giá vào các báo cáo, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hoạt động phong trào nữ CNLĐ. Ban Nữ công các đơn vị cũng chia sẻ mô hình hoạt động nữ công hiệu quả trong đại dịch bệnh Covid-19.
Chương trình tập huấn chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ |
Các nữ cán bộ công đoàn tham dự tập huấn theo hình thức trực tuyến |
Trong chương trình tập huấn, các đại biểu tham dự đã nghe Giảng viên Phan Thị Thanh Huyền đến từ Đại học Công đoàn trình bày về các chính sách pháp luật với lao động nữ. Trong đó tập trung vào các nội dung: Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến quyền của lao động nữ; Tính đặc thù và những khó khăn của lao động nữ khi tham gia vào quan hệ lao động; Quyền của lao động nữ trong quan hệ lao động. Tập huấn đã giúp các nữ công nhân lao động nâng cao kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ của lao động nữ từ đó hiểu rõ, hiểu sâu về các kiến thức để bảo vệ quyền lợi cho mình trong công việc.
H.A