07/12/2020 8:39:38

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Triển khai quyết liệt Dự án NMNĐ Thái Bình 2

Ngày 5/12, tại công trường Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tiến độ và trực tiếp làm việc, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại Dự án.

Cùng đi có Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLV) tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận; cùng lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các sở ngành tỉnh Thái Bình.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng; Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng; Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng; Trưởng Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng; Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Lương Đình Thành; lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn/Ban QLDA; các nhà thầu đang tham gia xây dựng NMNĐ Thái Bình 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Triển khai quyết liệt Dự án NMNĐ Thái Bình 2

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu triển khai quyết liệt Dự án NMNĐ Thái Bình 2.

NMNĐ Thái Bình 2 gồm 2 tổ máy (2×600 MW) nằm trong quy hoạch chung của Trung tâm Điện lực Thái Bình. Điện năng sản xuất: 7,2 tỷ kWh/năm; dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh (sau VAT) là 41.799.131 tỷ đồng, dự kiến tiến độ hoàn thành nhà máy vào năm 2022.

Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 86%, trong đó: thiết kế đạt 99,89%; ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo đạt 94,41%; thi công khoảng 84,124%; chạy thử khoảng 12,75%.

Trên cơ sở khối lượng công việc còn lại và yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 23/10/2020, Tổng thầu PVC đã rà soát, cập nhật lại tiến độ, dự kiến phát điện thương mại Tổ máy 1 vào tháng 9/2022, Tổ máy 2 vào tháng 12/2022.

Hiện nay, các hệ thống/thiết bị sau khi lắp đặt tại nhà máy đã được đơn vị có chức năng kiểm định độc lập theo đúng quy định. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra; một số các hệ thống đã tiến hành chạy thử đạt yêu cầu thiết kế; đối với thiết bị quan trọng như tuabin – máy phát, các chuyên gia của Toshiba (Nhật Bản) đã kiểm tra gối trục tại công trường.

Để hạn chế các rủi ro về chất lượng các hệ thống/thiết bị, Petrovietnam tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tăng cường hỗ trợ nhân lực trong ngành có kinh nghiệm cho PVC để thực hiện công tác bảo trì thiết bị, nhận diện và phân tích đánh giá các rủi ro; tiếp tục đàm phán với nhà thầu cung cấp/nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ, sử dụng vật tư dự phòng, nghiên cứu các phương án bảo hiểm, thanh toán trực tiếp các vật tư thiết bị hỏng hóc (nếu có). Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy tiến độ, sớm đưa các hệ thống thiết bị vào vận hành.

Trưởng Ban QLDA ĐLDK Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng báo cáo đoàn công tác Chính phủ: “Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thường trực Chính phủ (Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 25/3/2020), của UBQLV (Công văn số 98/UBQLV-NL ngày 8/4/2020), HĐTV Petrovietnam đã có Nghị quyết chấp thuận sử dụng vốn chủ sở hữu để hoàn thành Dự án. Từ đó, Ban QLDA cùng Tổng thầu đã tổ chức đánh giá hiện trạng, danh mục khối lượng công việc cần thực hiện và kế hoạch tổng thể để hoàn thành dự án. Đồng thời đàm phán với các nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết bị chính về gia hạn thời hạn bảo hành thiết bị, các vướng mắc về thanh toán.

Mặt khác, Petrovietnam đã cùng Tư vấn PMC và PVC rà soát, đánh giá lại phạm vi công việc còn lại, yêu cầu kỹ thuật, tài chính… phân tích các phương án lựa chọn nhà thầu để hoàn thành Dự án. Kết quả đánh giá cho thấy phương án duy trì PVC tiếp tục làm Tổng thầu với cơ chế áp dụng theo quy định tại Quyết định 2414, hình thức và giá Hợp đồng EPC áp dụng theo các phụ lục điều chỉnh đã được Petrovietnam và PVC ký kết là có tính khả thi nhất. Đồng thời, thực hiện cắt giảm phạm vi công việc Hợp đồng EPC đối với những công việc Tổng thầu triển khai chậm hoặc thiếu năng lực để Chủ đầu tư tổ chức thực hiện”.

Hiện tại, Petrovietnam đang thực hiện cắt giảm phạm vi công việc của Hợp đồng EPC đối với những công việc PVC triển khai chậm hoặc khó khăn về tài chính không thể triển khai để Chủ đầu tư tổ chức thực hiện, trước mắt là cắt giảm 11 hạng mục công việc. Petrovietnam cũng đang tổ chức lập, thẩm tra dự toán các hạng mục chưa có dự toán chi tiết để làm cơ sở triển khai và quản lý chi phí.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Dự án chắc chắn sẽ thành công, đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Nhưng hiện nay, vẫn còn một số khó khăn chính đối với Dự án về cơ chế, theo đó, Dự án thuộc danh mục tại Nghị quyết 2414 nhưng về Tổng mức đầu tư điều chỉnh (lần 2), cần được hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn.

Về cơ cấu giá của Hợp đồng EPC đã được ký với giá tạm tính và Petrovietnam kiến nghị từ năm 2017 đến nay, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn để các bên có cơ sở ký kết giá chính thức Hợp đồng EPC. Từ đó dẫn đến một số vướng mắc khác như áp dụng định mức, đơn giá; một số hạng mục chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp lập dự toán chi tiết…”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Phó Chủ tịch UBQLV DN Nguyễn Ngọc Cảnh, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã bày tỏ sự tán thành đối với quyết định của Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 sớm về đích. Bởi theo tính toán sơ bộ, nếu Dự án đi vào hoạt động, không những cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 7,2 tỉ kWh điện, nộp ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, còn tạo thêm hơn 1.000 việc làm thường xuyên.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Triển khai quyết liệt Dự án NMNĐ Thái Bình 2

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình về tiến độ Dự án

Sau khi kiểm tra hiện trạng Dự án, lắng nghe phản ánh và tâm tư nguyện vọng của các cán bộ công nhân viên làm việc trực tiếp trên công trường NMNĐ Thái Bình 2, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chia sẻ, biểu dương tinh thần trách nhiệm, vượt khó của người lao động tại Dự án.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: “Đây là dự án điện trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng khi hoàn thành sẽ cung cấp điện cho khu vực duyên hải và cả nước. Hiện nay khối lượng hoàn thành đạt trên 86%, tuy nhiên do có nguyên nhân khách quan và chủ quan, kể cả trước đây có vi phạm nên Dự án dừng lại một thời gian, gây thiệt hại lớn. Các vi phạm đã được thanh tra chỉ ra thì khắc phục. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định quyết tâm thực hiện dự án này, không để kéo dài. Những vi phạm đã được thanh tra chỉ rõ thì xử lý, còn những vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm thì không hồi tố.

Chính phủ đã báo cáo, được cấp có thẩm quyền cho phép Petrovietnam tiếp tục thực hiện Dự án, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam để hoàn thành Dự án. Do vậy, không vì những vi phạm trước đây mà không tiếp tục thực hiện dự án, gây tổn thất cho đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước đồng ý triển khai Dự án, các đồng chí cần làm đúng theo quy định của Pháp luật. Vấn đề gì có vi phạm, phải khắc phục, còn lại trên nguyên tắc Đảng và Chính phủ đã đồng ý, phải triển khai quyết liệt”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng giao các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án để có hướng xử lý nhằm sớm hoàn thành Dự án, không để kéo dài, góp phần nhanh chóng đưa Dự án đi vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và giảm tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Có thể thấy rằng, chuyến công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng những chỉ đạo, chia sẻ, động viên là nguồn động lực to lớn đối với Dự án, đem lại niềm tin, tiếp thêm sức mạnh và ý chí cho những người Dầu khí chân chính đang nỗ lực ngày đêm bám công trường, thêm quyết tâm, từng bước giải quyết khó khăn vướng mắc, tồn tại của Dự án.

Trong bối cảnh đất nước đang thiếu điện, phải nhập khẩu với giá cao, việc hoàn thành, đưa NMNĐ Thái Bình 2 vào hoạt động là “ích nước – lợi dân”, và trên hết, Dự án rất cần có quyết sách kịp thời, xóa đi những rào cản về cơ chế, tạo “con đường” thông thoáng để về đích, đạt chất lượng phát điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Thành Công – Hiền Anh