12/03/2022 11:23:55

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Ngày 11/03/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để nghe báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như giải quyết đề xuất, kiến nghị của Petrovietnam.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương; các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện Bộ/Ban/ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc

Về phía Petrovietnam có đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn; đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV Tập đoàn; cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn; lãnh đạo các Ban/Văn phòng, lãnh đạo các đơn vị thành viên và tổ chức chính trị – xã hội Tập đoàn.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đã báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động của Tập đoàn trong năm 2021 và 02 tháng đầu năm 2022. Theo đó, năm 2021, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp kéo dài, cùng với xu thế tác động mạnh của chuyển dịch năng lượng, khủng hoảng năng lượng, song toàn Tập đoàn đã phát huy những bài học kinh nghiệm từ việc ứng phó hiệu quả với tác động kép do “dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu” từ năm 2020, với ý chí vượt qua mọi khó khăn thử thách của “Những người đi tìm lửa” hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo tại buổi làm việc

Tập đoàn đã tập trung thực hiện quyết liệt hiệu quả đồng bộ 05 nhóm giải pháp: quản trị, tài chính, đầu tư, thị trường và cơ chế chính sách. Thực hiện thành công mục tiêu: “Quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng”. Giữ vững vị trí đầu tàu, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Đẩy nhanh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nhằm tận dụng thời cơ

Hoạt động dầu khí trên biển

Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp trên, kết thúc năm 2021, Tập đoàn đã thực hiện gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 14,15 triệu tấn quy dầu, vượt 17,9% kế hoạch năm. Khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn, (vượt 12,8%) kế hoạch năm. Sản xuất phân bón đạt 1,91 triệu tấn, vượt 286 nghìn tấn (vượt 18%) kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 627,2 nghìn tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt khoảng 46,0 nghìn tỷ đồng, vượt 2,7 lần kế hoạch năm, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Về công tác đầu tư: Hoàn thành đưa 03 mỏ/ công trình dầu khí mới vào khai thác; Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đang nỗ lực bám sát tiến độ vận hành thương mại vào ngày 15/3/2022; Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã khởi động lò hơi phụ thành công ngày 11/12/2022, ngày 23/02/2022 đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy số 1; khởi công san lấp mặt bằng dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4…

Công tác tái cấu trúc doanh nghiệp: Đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Petrovietnam giai đoạn 2021-2025 phù hợp, đồng bộ với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ- TTg ngày 02/7/2021.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng trao ủng hộ 400 tỷ cho Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19

Petrovietnam tích cực tham gia thực hiện an sinh xã hội, đóng góp, hỗ trợ phòng chống Covid với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021

Công tác khoa học công nghệ, đào tạo, an sinh xã hội: Petrovietnam có 6 công trình được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; 7 công trình được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo và 9 công trình được trao giải VIFOTEC. Công tác an ninh, an toàn môi trường, lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được đảm bảo. Petrovietnam đã tích cực tham gia thực hiện an sinh xã hội, đóng góp, hỗ trợ phòng chống Covid với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Đây cũng là năm Tập đoàn lập nhiều kỷ lục sản xuất kinh doanh. Trong đó, hệ số suy giảm sản lượng dầu trong nước là 5,7%, là mức thấp nhất 5 năm gần đây; khai thác dầu hoàn thành kế hoạch trước 39 ngày; doanh thu hoàn thành trước 2 tháng; nộp ngân sách vượt 80% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt 2,7 lần kế hoạch. Năm thứ 3 liên tiếp, Fich Raitings đánh giá xếp hạng tín nhiệm riêng của Petrovietnam ở mức BB+.

4/5 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của Petrovietnam đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án khó khăn, thua lỗ của ngành Công Thương.

Với kinh nghiệm từ những kết quả đạt được trong năm 2021, cùng sự đoàn kết, bản lĩnh vượt khó, trách nhiệm với đất nước của tập thể người lao động Dầu khí, với mục tiêu: Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vữngTrong 2 tháng đầu năm 2022, hoạt động SXKD của Petrovietnam luôn bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch đề ra.

Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất/ảnh minh họa, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều hoạt động SXKD an toàn, thông suốt. Petrovietnam phấn đấu hoàn thành và thực hiện vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, cụ thể trong 2 tháng đầu năm 2022: Khai thác dầu tháng 2 đạt 0,84 triệu tấn, vượt 24% KH tháng 2; lũy kế 2 tháng đạt 1,78 triệu tấn, vượt 24% KH 2 tháng. Sản xuất xăng dầu, đạm và các sản phẩm khác vượt kế hoạch đề ra; sản xuất điện, khí gia tăng so với tháng trước.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 2/2022 ước đạt 54,98 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch tháng, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 118,73 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 2 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.

Nộp ngân sách toàn Tập đoàn tháng 2/2022 ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, vượt 51% kế hoạch tháng, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 18,05 nghìn tỷ đồng vượt 52% kế hoạch 2 tháng và tăng 48% so với cùng kỳ 2021. Những kết quả ấn tượng này không lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô mà trải đều ở tất cả các lĩnh vực SXKD chính của Tập đoàn.

Trong những tháng còn lại của năm 2022, với mục tiêu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao, Petrovietnam sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp, đó là: Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về quản trị và sản xuất kinh doanh; giải pháp về tài chính; giải pháp về đầu tư và nhóm giải pháp về thị trường.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tình hình thực hiện các dự án: Long Phú 1, Nhơn Trạch 3 & 4, Miền Trung 1 & 2; đồng thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Việc xem xét hỗ trợ, ủng hộ các ý kiến của Petrovietnam về nội dung sửa đổi Luật Dầu khí trong quá trình thẩm định để Luật Dầu khí sửa đổi sớm được ban hành trong năm 2022 theo kế hoạch. Về sửa đổi quy định đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí cần có Nghị định mới thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017. Về cơ chế, chính sách trong hoạt động thăm dò dầu khí đối với các Lô hợp đồng đang trong giai đoạn thăm dò do nhà thầu nước ngoài trả lại và Chính phủ giao cho Petrovietnam tiếp nhận; hoạt động tận khai thác dầu khí; liên quan đến tiêu thụ khí; lĩnh vực điện;… Về các vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh: sửa đổi Hiệp định Liên Chính phủ đối với các Liên doanh Rusvietpetro/Vietsovpetro; Đề án thành lập Chi nhánh phát điện Dầu khí; hoạt động đầu tư dự án; Cơ chế bảo vệ CBCNV đã và đang xử lý các vấn đề tồn tại tại các dự án khó khăn…

Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo HĐTV, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn, đơn vị thành viên đã làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mà Petrovietnam và các đơn vị thành viên đang phải đối diện, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể đến lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm tháo gỡ.

Tham dự và phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Petrovietnam đối với nền kinh tế; trong nhiều thời điểm, hoạt động của ngành Dầu khí là cứu cánh đối với tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hoạt động của Petrovietnam đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều cơ chế, chính sách đang là rào cản, vướng mắc, hạn chế phát triển.

Dầu khí là lĩnh vực có rủi ro cao nhưng lại không có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư dẫn tới việc tiềm năng dầu khí chưa được phát huy tối đa giá trị, mang lại nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước. Từ thực tế trên, lãnh đạo các Bộ, ngành đã bày tỏ quan điểm ủng hộ, chia sẻ với những đề xuất kiến nghị của Petrovietnam và sẽ cùng Tập đoàn xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc

Đánh giá cao những kết quả, đóng góp của Petrovietnam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của Petrovietnam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhấn mạnh Petrovietnam có tiềm năng phát triển rất lớn, có bề dày truyền thống, lịch sử xây dựng và phát triển, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ cùng với Tập đoàn xem xét, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền của Bộ.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của Petrovietnam cho đất nước. “Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một trong những tập đoàn chủ lực, có vai trò quan trọng và đóng góp đặc biệt của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ. “Ngành dầu khí có bước trưởng thành lớn mạnh, có cơ sở vật chất được đầu tư tiên tiến, hiện đại, tương đương trình độ khu vực và quốc tế trên tất cả lĩnh vực, từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến”.

Petrovietnam là tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn nhất, với tổng giá trị tài sản đạt 870 ngàn tỷ đồng. Tính đến nay, Petrovietnam đã khai thác trên 430 triệu tấn dầu thô, 165 tỷ m3 khí, doanh thu trên 430 tỷ USD, nộp ngân sách 115 tỷ USD. Nhiều năm qua, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã phát huy vai trò là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo, an ninh kinh tế, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.

Đặc biệt, Tập đoàn có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, trưởng thành qua thực tiễn, có trình độ quản lý hiện đại, làm chủ công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí. PVN cũng đã có nhiều đóng góp trong việc đảm bảo đời sống, thực hiện các chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Thủ tướng khẳng định, Petrovietnam không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh vì lợi nhuận đơn thuần, mà là Tập đoàn kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo vệ tổ quốc. Tập đoàn dầu khí quốc gia vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm quản lý khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý báu, có giá trị đặc biệt lớn để phục vụ xây dựng đất nước, Phó Thủ tướng nêu rõ. Đây là vinh dự rất lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm rất cao của Tập đoàn và đội ngũ cán bộ công nhân viên chức. “Tập đoàn cần phát huy hiệu quả cao nhất nguồn tài nguyên quý giá của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, yêu cầu thực tiễn hiện nay đòi hỏi các Bộ, ngành phải đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, theo hướng phân cấp, phân quyền, hỗ trợ Petrovietnam khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thăm dò, khai thác, gắn với tăng cường chế biến dầu khí, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Giá dầu thô hiện đang ở mức cao; xu thế toàn cầu đang nỗ lực chuyển đổi, giảm nhanh các nguồn năng lượng hoá thạch để ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, giá trị của các nguồn năng lượng hoá thạch nếu không được phát huy ở thời điểm hiện tại sẽ vĩnh viễn mất đi trong tương lai.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu phần lớn dầu thô khai thác được, trong khi phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến, và tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước.

Trữ lượng dầu khí của nước ta đứng thứ 26 thế giới (khoảng 1,5 tỷ m3) nhưng sản lượng khai thác hiện nay chỉ đứng thứ 34 thế giới. Như vậy, tốc độ hiện thực hóa tiềm năng dầu khí chưa cao. Phó Thủ tướng cho rằng, “phải đưa được nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế hiệu quả nhất, phải chế biến sâu hiệu quả nhất”.

Trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, lợi nhuận của năm 2022, với tinh thần là “thời cơ đến thì phải tiến công”. Tập đoàn phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2021.

Đặt vấn đề về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi lại xuất khẩu dầu thô, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này, “dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa cơ chế, chính sách”. “Không thể có chuyện trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến”. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu Công Nghiệp Long Sơn để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn xây dựng đề án phát triển điện gió ngoài khơi để phát huy kinh nghiệm, trang thiết bị và công nghệ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án khai thác hiệu quả nguồn khí khai thác được để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu PVN tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý dứt điểm các dự án đầu tư kém hiệu quả, trước mắt sớm đưa các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1 vào hoạt động.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, đòi hỏi lãnh đạo và từng cán bộ, công nhân viên Tập đoàn phải có tầm nhìn dài hạn, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có động lực, bản lĩnh và khát vọng phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giới thiệu về các lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham quan các sản phẩm từ dầu khí

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao quà lưu niệm cho Petrovietnam

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Petrovietnam cần phát huy hiệu quả cao nhất tài nguyên dầu khí, với tinh thần “thời cơ đến thì phải tiến công”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo Petrovietnam

Nhóm PV