“Làm việc gì cũng cần đặt cái tâm của mình vào công việc thì hiệu quả mới cao”, đó là phương châm, cũng là bí quyết giúp anh Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau sở hữu thành tích sáng kiến đáng nể. Với những thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo, anh nhận được nhiều khen thưởng của các cấp, đặc biệt năm 2022, anh vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước.
Được đào tạo chuyên ngành Công nghệ Hữu cơ – Hóa dầu, năm 2002 bước chân vào ngành Dầu khí, anh Sơn tham gia vào công tác triển khai Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Với năng lực và kinh nghiệm được tích lũy từ đây, năm 2011, anh tiếp tục tham gia Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, cùng các anh em trong Ban Quản lý Dự án và các nhà thầu tham gia thiết kế, thi công, lắp đặt và chạy thử thành công nhà máy.
Anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau được biết đến là một “Cây sáng kiến” của Nhà máy |
Trong suốt quá trình công tác ở Nhà máy, từ vai trò kỹ sư, đến Quản đốc xưởng Phụ trợ và hiện nay là Phó Giám đốc Nhà máy, bằng ý thức trách nhiệm, sự nhiệt huyết, tận tâm trong công việc, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần giúp nhà máy vận hành rất ổn định, công suất cao. Những bất thường trong công tác vận hành, nhiều lần được anh và đội ngũ kỹ sư vận hành của Nhà máy chủ động tìm tòi, nghiên cứu và khắc phục rất nhanh, đảm bảo nhà máy hoạt động an toàn, hiệu quả cao.
Đặc biệt, nhờ nắm vững kỹ thuật vận hành nhà máy và với bản tính ham học hỏi, làm chủ công nghệ, luôn muốn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tìm cách để giải quyết khó khăn, thách thức đã giúp anh Sơn có nhiều ý tưởng hợp lý hóa, tiết kiệm chi phí phục vụ quá trình sản xuất, cũng như trong bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố, đảm bảo nhà máy vận hành ổn định, đạt năng suất cao. Đến nay, anh đã chủ trì và tham gia hàng chục sáng kiến và nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định cho hoạt động của nhà máy.
Trong các sáng kiến của mình, anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Cải tiến lò hơi phụ trợ Nhà máy Đạm Cà Mau”, mang lại lợi ích kinh tế gần 80 tỉ đồng/năm, được công nhận là sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Anh còn nhớ khi đó là vào năm 2011, ở giai đoạn đầu đưa Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào chạy thử. Để phục vụ cho công tác này thì nồi hơi phụ trợ phải chạy đầu tiên để cấp hơi làm công tác thổi rửa, sấy đường ống. Tuy nhiên đã xảy ra vấn đề là nồi hơi phụ trợ vận hành trong điều kiện nhiệt cao nhưng sinh hơi không đạt yêu cầu. Trước tình hình này anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến công nghệ lò hơi, kết hợp với các lý thuyết được học để tính toán và tìm ra nguyên nhân của vấn đề, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục. Giải pháp anh đưa ra được lãnh đạo cấp trên ủng hộ và được triển khai ứng dụng vào thực tế, đạt được hiệu quả như các tính toán của anh, góp phần quan trọng trong đảm bảo vận hành nhà máy.
Anh Nguyễn Văn Sơn cùng đồng nghiệp trong hội nghị về công tác chuyên môn, an toàn |
Cũng trong thời gian chạy thử Nhà máy Đạm Cà Mau, hệ thống bồn chứa Ammoniac T40001 bị lỗi thiết kế dẫn đến hoạt động vượt trần áp suất vận hành, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Qua tìm hiểu, anh Sơn phát hiện nguyên nhân là tuyến ống dẫn ra đuốc nhà máy bị đọng nước bên trong gây tắc ống và anh đã đề xuất cho thông tắc tuyến ống xả ra đuốc để giảm áp bồn và cải tiến lại toàn bộ tuyến ống xả từ các van an toàn của hệ thống bồn chứa Ammoniac để thông với đuốc nhà máy, đưa hệ thống về áp suất vận hành ổn định.
Anh chia sẻ, phải luôn có những câu hỏi thường trực: Tại sao như thế? Có thể làm tốt hơn được không? Làm như thế nào? Khi nào làm? Ai giúp mình thực hiện được vấn đề này? Nếu duy trì tốt 5 câu hỏi này trong công việc thì sẽ luôn nảy sinh ý tưởng sáng kiến trong chính công việc hằng ngày của mình.
Một ý tưởng khác, cũng là một kỷ niệm vui không thể quên với anh, vào năm 2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau đang trong quá trình chạy thử thì cả 3 bơm nước sông đầu vào đồng thời hỏng, không thể cấp nước bổ sung để làm mát cho nhà máy và khả năng dừng nhà máy là 100%. Lúc này anh đã đưa ra ý tưởng thuê bơm hút bùn của dân địa phương và câu ống mềm bơm nước ngoài sông vào để duy trì vận hành nhà máy và đã duy trì được nhà máy vận hành chờ sửa chữa bơm hỏng lắp lại mà không phải dừng nhà máy. “Ý tưởng đó thật điên rồ nhưng đã cứu được nhà máy trong lúc nguy cấp” – anh cười nói.
Không ngừng nghiên cứu và tham gia tích cực vào công tác sáng kiến, sáng tạo của Nhà máy để tối ưu, nâng cao năng lực sản xuất và tiết kiệm chi phí, anh còn đề xuất/tham gia vào nhiều sáng kiến, hợp lý hóa khác như: Sáng kiến “Nghiên cứu tối ưu hóa cụm sản xuất nước khử khoáng”, mang lại giá trị kinh tế hơn 6 tỷ đồng/năm; Thực hiện chuyển đổi motor – turbine: với nhiều phương án chuyển đổi, trong đó, công suất Nhà máy có thể được nâng tối đa 5,8% (trong trường hợp thiếu khí), tiết kiệm 32 tỷ đồng/năm; Tổ chức soạn thảo Phương án và tổ chức chạy thử thành công và đưa vào hoạt động thành công hệ thống thu hồi Permeate gas vào cuối tháng 02/2019, góp phần nâng công suất Nhà máy lên 3,4% (trong trường hợp thiếu khí), tiết giảm 57 tỷ đồng/năm; Thực hiện cải tiến tiêu chuẩn chất lượng nước thải Nhà máy Đạm Cà Mau, đề tài đã vận dụng cộng nghệ sinh thái ngập nước là cát, đá mi, cây bồn bồn, cây sậy và cây sen để chuyển đổi chất lượng nước thải từ cột B sang cột A và tạo môi trường sinh thái thân thiện môi trường trên có hoa sen nở và bên dưới có cá coi bơi lội, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường, làm cảnh quang Nhà máy thêm xanh – sạch – đẹp;… Cùng nhiều sáng kiến giá trị khác được công nhận ở cấp Công ty và cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Công ty, Nhà máy |
Để đáp ứng yêu cầu công việc, anh luôn ý thức tự rèn luyện bản thân, trau dồi học hỏi, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, chủ động, tích cực trong công việc. Trong quá trình công tác, năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, sự nhạy bén trong công việc của anh được lãnh đạo công ty và các đồng nghiệp đánh giá cao. Bản thân anh được lãnh đạo tin tưởng giao cho đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 2022, anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau.
Anh Sơn chân thành bộc bạch: “Làm việc gì cũng cần đặt cái tâm của mình vào công việc thì hiệu quả mới cao. Chính vì vậy việc thực hiện sáng kiến cần những con người có tính kiên trì, có tinh thần đam mê nghề nghiệp, có trách nhiệm, ý thức trau dồi, có nền tảng kiến thức và bản lĩnh thực tiễn. Đặc biệt phải có lòng đam mê nghề nghiệp vì đó là động lực rất quan trọng để một người gắn bó và tận tâm với nghề. Có yêu nghề mới có khát vọng vươn cao, tìm kiếm cái mới, sáng tạo, cải tiến trong lao động nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất, còn nếu không sẽ không bao giờ suy nghĩ đến cải tiến tốt hơn mà rất dễ bằng lòng với những điều bình thường”.
Những thành tích tiêu biểu của anh Nguyễn Văn Sơn:
Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần III năm 2018 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng cho cá nhân có nhiều sáng kiến giá trị lớn cấp nhà nước giai đoạn từ 2013- 2018.
Danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc tiêu biểu giai đoạn 2015 -2020 tại Đại hội thi đua yêu nước công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ X của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Danh hiệu gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 -2019 tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V (2020 -2025) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Giải thưởng cho các tác giả đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Dầu khí Việt Nam, theo quyết định số 5862/QĐ -DKVN, ngày 1/12/2020, với công trình “Tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Đạm Cà Mau”.
Năm 2022, anh vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba với thành tích hoàn thành xuất sắc trong công tác từ năm 2016 – 2020. Quyết định số 53/QĐ-CTN ngày 11/01/2022, của Chủ tịch nước.
Mai Phương