Sáng ngày 15-4, tại Cty CP than Hà Lầm- TKV, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ VN – Trần Thanh Hải- đã có chuyến thị sát, tìm hiểu đời sống, công việc của thợ lò TKV.
Sau khi di chuyển bằng hệ thống monorail và đi bộ nhiều km xuống vị trí – 150 mét, thuộc lò chợ cơ giới hóa đồng bộ (vỉa 11) và chứng kiến công việc khấu than do kip thợ vận hành máy khấu hiện đại có công suất 500 tấn/ giờ, Phó Chủ tịch thường trực TLĐ Trần Thanh Hải -đã ân cần thăm hỏi, động viên công việc của những người thợ lò thuộc biên chế Công trường khai thác 6.
Tại ca làm việc của thợ lò Công trường khai thác 6 mức -150 mét, Phó Chủ thường trực Trần Thanh Hải và đoàn công tác TLĐ đã trao tặng quà TLĐ nhằm khích lệ thợ lò hăng say lao động, sản xuất (ảnh). Trò chuyện với Quản đốc Công trường 6 – Phạm Bá Tước, Phó chủ tịch Trần Thanh Hải- dặn dò thợ lò trong lao động phải thực hiện nghiêm kỷ luật và an toàn trong sản xuất. Tại gương lò khai thác này, Quản đốc Phạm Bá Tước- đã cam kết với Phó Chủ tịch TLĐ- sẽ thi đua lao động sản xuất, đạt năng suất sản lượng khai thác cao, phấn đấu hoàn thành trên 50.000 tấn than trong tháng 5- tháng Công nhân- để giành mức thưởng năng suất cao của tập đoàn TKV. Thị sát dưới đường lò – 300 mét (so mực nước biển), Phó Chủ tịch thường trực TLĐ Trần Thanh Hải đã chứng kiến ý chí vượt khó và những công việc phi thường của thợ lò Hà Lầm đã và đang làm.
“Hàng chục nghìn mét đường lò đã đào và hàng nghìn tấn thiết bị, phương tiện phục vụ khai thác ở dưới lòng đất- 300 mét đã cho thấy công việc của thợ lò TKV gian khó, khiến tôi hết sức thán phục” – Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải chia sẻ.
Trước đó, làm việc với đoàn công tác TLĐ, GĐ Cty than Hà Lầm- ông NgôThế Phiệt, cho biết: Hà Lầm là mỏ hầm lò lớn, có truyền thống cách mạng và lâu đời trong số các mỏ của TKV. Năm 2015, đơn vị phấn đấu khai thác 2.150.000 tấn than (trong đó hầm lò chiếm 1.650.000 triệu tấn); thu nhập bình quân lao động trong Q1 đạt trên 10,3 triệu đồng/ người/ tháng. Hiện số LĐ trong Cty đạt gần 4.100 người (vơi trên 700 LĐ nữ). Theo báo cáo của lãnh đạo Hà Lầm và đại diện CĐ Cty, mặc dù việc chăm lo đời sống thợ mỏ và các chính sách ưu đãi về nhà ở, bữa ăn công nghiệp luôn được chú trọng, nhưng đơn vị này cũng gặp phải nhiều khó khăn về tuyển dụng LĐ về làm việc. Ông Phiệt cho biết, riêng năm 2012, đơn vị này chỉ tuyển được 28 hồ sơ vào làm thợ lò, dù cho đi tận lên các tỉnh khó khăn ở Tây Bắc tuyển dụng. “Trong năm 2014, Hà Lầm tuyển mới được 300 thợ lò, thì cũng ngần ấy người xin chuyển việc khác, hoặc bỏ việc. Một trong những thực trạng chung mà thợ lò bỏ việc là anh em bất an về TNLĐ, dù cho đời sống được quan tâm nhiều, nhưng đại bộ phận thợ lò trẻ khó lấy được vợ ở tại địa phương “- ông Phiệt báo cáo đoàn công tác TLĐ.
Chia sẻ trước khó khăn của đơn vị, Phó Chủ tịch thường trực TLĐ Trần Thanh Hải nói: 2 ngành nghề có vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng với tổ chức CĐVN là ngành Than và Cao su. Đến làm việc tại Hà Lầm, Phó Chủ tịch phát biểu nhận thấy đơn vị này chú trọng công tác an toàn đặt lên hàng đầu, coi người LĐ là vốn quý nhất; chia sẻ những khó khăn khi DN phải đứng trước lựa chọn về đổi mới công nghệ khai thác và tuyển mới LĐ; tạo ra môi trường LĐ cân bằng giữa năm và nữ; đồng thời đề xuất CĐ nên tính toán và có hướng chăm lò đời sống, mở rộng xây nhà ở cho thợ lò an tâm công tác…
Với than Hà Lầm, Phó Chủ tịch TLĐ cũng đề nghị với lãnh đạo Cty nâng cao hiệu quả SXKD, đổi mới công nghệ, nâng cao đời sống và quan tâm hơn nữa đến NLĐ. “Làm sao đề NLĐ gắn kết doanh nghiệp và có cuộc sống tốt hơn”- Phó Chủ tịch TLĐ yêu cầu.
Theo Báo Lao động