Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực quản lý an toàn – sức khỏe – môi trường (ATSKMT), những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) không ngừng nâng cao Hệ thống quản lý ATSKMT, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao các biệp pháp khoa học công nghệ gắn liền với công tác an toàn và môi trường để đảm bảo hoạt động một cách an toàn, hiệu quả.
Nâng cao Hệ thống quản lý ATSKMT
Trước hết, Petrovietnam yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân viên nhận thức và tuân thủ đầy đủ Chính sách ATSKMT trong mọi hoạt động của mình. Bên cạnh đó, Petrovietnam luôn áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ hoặc giảm thiểu các rủi ro gây tác hại đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây thiệt hại tài sản và môi trường.
Đồng thời, Petrovietnam cam kết bảo đảm các hoạt động, các sản phẩm và các dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đáp ứng các yêu cầu pháp luật và đạt các chuẩn mực về ATSKMT; cung cấp các nguồn lực, hệ thống, các quy trình cần thiết để thiết lập và duy trì mức rủi ro thấp nhất có thể về ATSKMT.
Điển hình như Vietsovpetro – đơn vị tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường trong ngành Dầu khí, điều đó được minh chứng từ những năm đầu mới đi vào hoạt động, khi “Quy chế về ngăn ngừa ô nhiễm trong việc khai thác các mỏ dầu khí biển” được Vietsovpetro ban hành kể từ năm 1984 – 3 năm sau khi Liên doanh được thành lập. Đến năm 1988, Vietsovpetro thành lập Trung tâm An toàn và Bảo vệ môi trường (ATBVMT) với các đội ứng cứu chuyên ngành như chống cháy, chống phun trào dầu khí và cứu tràn dầu để sẵn sàng ứng cứu các dạng sự cố có thể xảy ra trên các công trình biển.
PV GAS là một trong nhũng đơn vị của Petrovietnam tuân thủ quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động. Định kỳ mỗi năm, PV GAS đều xây dựng, ban hành Kế hoạch An toàn – Vệ sinh – Lao động (ATVSLĐ) theo đúng quy định và phân công triển khai tất cả các đầu việc cụ thể kèm tiến độ tới các Đơn vị/Bộ phận liên quan trong Tổng Công ty. Năm 2020, PV GAS vận hành các công trình khí luôn được đảm bảo an toàn, liên tục và hiệu quả; cung cấp tối đa sản lượng khí trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ điện của nền kinh tế.
Một điều nhận thấy ở Petrovietnam đó là các văn bản pháp luật mới về ATSKMT được kịp thời cập nhật, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện cho cán bộ chuyên trách ATSKMT, người lao động của Petrovietnam và các đơn vị. Đó là trong công tác an toàn, các dự án/công trình được lập và áp dụng bộ tài liệu quản lý an toàn được xây dựng theo quy định tại Luật Dầu khí, Luật An toàn Vệ sinh lao động, Nghị định số 13/2011/NĐ-CP; ghị định 25/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2011/NĐ-CP và Thông tư 40/2018/ TT-BCT về quản lý an toàn trong các hoạt động dầu khí.
Công tác bảo vệ môi trường, các dự án/công trình mới được đưa vào được lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo đúng các quy định hiện hành tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT và các quy định pháp luật liên quan.
Để giảm thiểu những rủi ro cho người lao động, giảm tác động đến môi trường xung quanh, cùng với việc tiếp tục được duy trì, cập nhật Hệ thống quản lý ATSKMT để đảm bảo tính thống nhất và tuân thủ các tiêu chuẩn ISO 45001, ISO 14001 và ISO 9001, Petrovietnam thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản, quy định thuộc Hệ thống quản lý ATSKMT một cách phù hợp với sự thay đổi quy định pháp luật, yêu cầu của các hệ thống tiêu chuẩn liên quan, cũng như đáp ứng các vấn đề ATSKMT phát sinh trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Được biết, Petrovietnam là đơn vị đầu tiên của ngành Công Thương ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2018 – 2030.
Cùng với đó, Petrovietnam còn tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATSKMT, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động đặc thù của ngành dầu khí, cụ thể như: Xây dựng, góp ý nội dung Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam; Tiếp tục xin ý kiến để hoàn thiện Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định điều kiện cho phép sử dụng chất phân tán tại Việt Nam phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu trong năm 2020; Nghiên cứu, thử nghiệm ảnh hưởng của dung dịch khoan nền không nước trong hoạt động dầu khí đến môi trường biển và đề xuất sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển (QCVN 36:2010/BTNMT).
An toàn người lao động là ưu tiên hàng đầu
Khẳng định rằng, Petrovietnam luôn chú trọng đến môi trường làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe cho toàn thể người lao động (NLĐ) trên các công trình dầu khí từ giàn khoan ngoài khơi cho đến các nhà máy trên bờ, cũng như các khối văn phòng.
Minh chứng cụ thể đó là trước tình hình xuất hiện của biến chủng mới Delta đang gây ra những mối nguy hiểm, phức tạp cho con người, vì vậy tại các cuộc họp giao ban tuần/tháng Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đều đề nghị, đôn đốc các đơn vị tiếp tục nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, bên cạnh 5K, ứng dụng tốt các giải pháp công nghệ để đáp ứng yêu cầu làm việc online, cần phối hợp, triển khai tiêm vắc-xin cho NLĐ sớm nhất có thể, bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể khống chế dịch bệnh, đảm bảo thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại buổi làm việc với các đơn vị mới đây, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu cao nhất hiện nay của Tập đoàn là lo được nguồn vắc-xin cho NLĐ. Cụ thể, các đơn vị cần liên tục rà soát, cập nhật chính xác số liệu nhu cầu vắc-xin của từng khu vực, từng đơn vị, địa bàn… làm căn cứ để tiếp cận với nhiều nguồn cung vắc-xin cùng một lúc, hướng đến mục tiêu tất cả NLĐ dầu khí đều được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin.
Với các nguồn cung đã có, các đơn vị chủ động phối hợp với đơn vị đầu mối và cơ quan y tế địa phương tổ chức chặt chẽ việc triển khai tiêm phòng cho NLĐ một cách an toàn, nhanh chóng. Bên cạnh đó, cán bộ công nhân viên, NLĐ cũng cần quán triệt ý thức tự giác, kỷ luật, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K trong quá trình tiêm chủng.
Đồng bộ các biện pháp tất cả vì sự an toàn, vì sức khỏe người lao động như thành trì vững chắc bảo vệ người lao động Petrovietnam ở khắp các công trình/dự án dầu khí. Chính vì vậy mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Petrovietnam vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ; duy trì an toàn, hiệu quả, thông suốt các mặt hoạt động. Các chỉ tiêu sản xuất tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 đã bám sát kế hoạch đề ra và thích ứng với nhu cầu thị trường.
Đáng chú ý, các chỉ tiêu tài chính vượt cao so với kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 347,8 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch 7 tháng và bằng 71% kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ 2020; Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch 7 tháng và bằng 82% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ 2020; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, vượt 286% kế hoạch 7 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020. Tập đoàn cũng nỗ lực thực hiện tiết giảm chi phí, với tổng giá trị đạt 1.911,5 tỷ đồng, bằng 70,1% kế hoạch năm 2021.
Nhận định diễn biến dịch bệnh khó lường, khó khăn hiện hữu tứ bề, Petrovietnam xác định thử thách cũng chính là cơ hội để bứt phá và khẳng định bản lĩnh, năng lực nội tại của Tập đoàn. Những thành quả Petrovietnam đã đạt được trong thời gian nhất là năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 chính là tiền đề và mục tiêu phấn đấu để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục đứng vững và phát triển.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường