Ngày 31/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Tọa đàm “Covid-19 và lạm phát, nguy cơ, thách thức của năm 2022”.
Tham dự Tọa đàm có TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV), Thành viên HĐTV Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia. Về phía Petrovietnam có Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng; các đồng chí lãnh đạo trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo đơn vị thành viên.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã có những khuyến nghị mang tính chiến lược đối với sự phát triển của Petrovietnam |
Tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã khái quát toàn cảnh về bức tranh kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2021, nhận định dự báo về bức tranh kinh tế trong năm 2022, đồng thời, chuyên gia Võ Trí Thành đã có những khuyến nghị mang tính chiến lược đối với sự phát triển của Petrovietnam.
Năm qua, nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam chịu khủng hoảng “kép” về kinh tế và y tế chưa từng có. Vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 đem đến, bức tranh kinh tế cả năm 2021 của Việt Nam vẫn cho thấy nhiều điểm sáng. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục khởi sắc, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì hiệu quả, sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh, lạm phát thấp… cho thấy bức tranh kinh tế đang tươi sáng trở lại, kinh tế Việt Nam phục hồi và bắt đầu tạo được “sức bật” mạnh mẽ cho thời gian tiếp theo.
Theo TS. Võ Trí Thành có được kết quả tích cực như vậy là nhờ nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp. Với Petrovietnam nói riêng, năm qua Tập đoàn đã có nhiều đóng góp to lớn vào nguồn thu ngân sách, công tác an sinh xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2022, nhận định còn nhiều khó khăn trước mắt, trong đó áp lực lạm phát là rất lớn. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên; lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới như: xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát. Đặc biệt, tình hình đại dịch toàn cầu còn diễn biễn phức tạp, tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành bày tỏ sự lạc quan rằng kinh tế Việt Nam sẽ khả quan hơn năm 2021 nhờ việc thích ứng trong điều kiện bình thường, có thể dự báo dựa vào các yếu tố, động lực như: nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020 và cải thiện nhờ vào lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản ổn định, tạo tiền đề điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả hơn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra trong năm 2022 từ 6-6,5%.
Đối với các doanh nghiệp như Petrovietnam, chuyên gia Võ Trí Thành khuyến nghị cần phải tận dụng cơ hội, nắm bắt thời cơ khi nền kinh tế phục hồi. Trong đó tiếp tục triển khai những giải pháp góp phần giúp Tập đoàn vượt khó trong thời gian qua như tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường, quản trị biến động, chuyển đổi số, trong chiến lược kinh doanh, linh hoạt thị trường/đối tác, liên kết đầu tư, xây dựng thương hiệu, trách nhiệm cùng cộng đồng, xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm trong mỗi cá nhân…
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực |
Đồng tình với những nhận định của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, những rủi ro, thách thức trong năm 2022 được nhận định vẫn nằm trong các yếu tố về địa chính trị, diễn biến dịch bệnh với biến thể Omicron có thể làm giảm GDP toàn cầu từ 0,2 -0,4 điểm %, các dự báo về giá dầu, giá vàng, chứng khoán biến động mạnh và khó dự đoán hơn, giá cả lạm phát còn ở mức cao, các gói hỗ trợ ngày càng thu hẹp, lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm…
Các doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt nhiều nỗi lo về quay vòng dòng tiền, thanh khoản, nguồn lực lao động, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng & tiêu dùng, chi phí (đầu vào, phòng chống dịch….) tăng, trong khi giá đầu ra khó tăng ngay, mất đơn hàng, khách hàng, đối tác… Những yếu tố trên đặt ra cho DN nhiều giải pháp mới có thể “trụ vững”. “DN cần phải tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ chân lao động, tăng năng suất, áp dụng mô hình 5Rs Respond: thích ứng, linh hoạt, Recover: phục hồi càng nhanh càng tốt, Restructure: tái cấu trúc, Re-invent: đổi mới, sáng tạo, gồm cả chuyển đổi số, Resilience: tăng sức đề kháng”, chuyên gia Cấn Văn Lực gợi mở.
Dù còn nhiều thách thức, song triển vọng và cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam cũng rất lớn. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, tổng hợp dự báo nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ở mức khá cao (4,5-5%). Nền kinh tế toàn cầu phục hồi phụ thuộc rất lớn vào chiến lược tiêm chủng vaccine, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn năm 2021, điều đáng mừng, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tiêm chủng. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng hơn ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ, xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng… đang trên đà phục hồi tích cực.
Cùng với đó, giá cả, lạm phát toàn cầu nhận định đang chững lại (hoặc chỉ tăng nhẹ), tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định (dù có áp lực tăng), kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022, Quy hoạch điện VIII (với tỷ trọng năng lượng tái tạo gia tăng) chính thức ban hành và triển khai.
Với DN năng lượng như Petrovietnam, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra một số dự báo quan trọng. Năm 2022, đáng chú ý bài toán cung được giải quyết tốt hơn giá năng lượng như dầu dự báo đi ngang, nhu cầu năng lượng dự báo không tăng hoặc tăng không đáng kể. Phục hồi xanh, tăng trưởng xanh đang là xu thế, năng lượng tái tạo (nhất là điện gió…) còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro là xu thế tất yếu, Petrovietnam cần quyết liệt triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Tọa đàm, lãnh đạo một số đơn vị thành viên như Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL); Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)… cũng chia sẻ, bày tỏ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hỗ trợ, có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, khắc phục những tồn tại, tăng tính cạnh tranh.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng |
Kết luận Tọa đàm, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thay mặt lãnh đạo Tập đoàn cảm ơn hai chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Cấn Văn Lực đã hợp tác, chia sẻ nhiều thông tin, nhận định chuyên sâu về kinh tế vĩ mô, dự báo rủi ro, đặc biệt là chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà Tập đoàn đang phải nỗ lực vượt qua, trong đó có nhiều đánh giá, dự báo rất sát với tình hình thực tiễn cũng như nhận định của Petrovietnam.
Lãnh đạo Tập đoàn cùng các chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm |
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng lưu ý các Ban chuyên môn tập trung triển khai, bám sát vào các nội dung quan trọng liên quan đến các vấn đề chi phí đầu tư công, kinh tế vĩ mô của DN, lạm phát ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, dịch chuyển năng lượng, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh,…
Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị, sau Tọa đàm, kết hợp với những kế hoạch, thông tin đã có, đưa vào dự báo, nghiên cứu thêm nhiều giải pháp để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng vào thực tiễn ngày một hiệu quả hơn.
Trước thềm năm mới với niềm tin, sự kỳ vọng, động lực từ những thành quả đạt được trong năm 2021, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng kêu gọi tập thể lãnh đạo, cán bộ người lao động toàn Tập đoàn tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn trong năm 2022 với mục tiêu “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”.
Minh Châu