16/05/2023 5:47:22

Petrovietnam tích cực thi đua chào mừng Kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Hướng đến chào mừng Kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (29/9/2018 – 29/9/2023), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) yêu cầu các Ban/Văn phòng, đơn vị, đoàn thể trong toàn tập đoàn tích cực triển khai sáng tạo, hiệu quả các nội dung tuyên truyền.

Theo đó, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua; đề xuất khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban.

Petrovietnam tích cực thi đua chào mừng Kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Ủy ban trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội. Tổ chức tuyên truyền trực quan tại trụ sở đơn vị, trên các công trình, công trường, nhà máy, xí nghiệp từ ngày 25/9 đến ngày 5/10/2023 theo nội dung “Chào mừng 5 năm ngày thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (29/9/2018 – 29/9/2023).

Đồng thời, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo do Ủy ban tổ chức. Bên cạnh đó, các Ban/Văn phòng, đơn vị, đoàn thể tích cực tổ chức các hoạt động thi đua, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động an sinh xã hội chào mừng ngày thành lập Ủy ban.

Ngày 29/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban ngoài SCIC có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). 11 tổng công ty bao gồm: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VECX); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỉ đồng (tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017).

H.A