15/03/2024 7:06:11

Petrovietnam tham dự Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về kinh tế Việt Nam của Đảng ủy Khối DNTW

Ngày 15/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị do Đảng ủy Khối DNTW tổ chức.

Petrovietnam tham dự Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về kinh tế Việt Nam của Đảng ủy Khối DNTW

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có đồng chí Lê Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội CCB Tập đoàn, lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn.

Petrovietnam tham dự Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về kinh tế Việt Nam của Đảng ủy Khối DNTW

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đảng ủy khối DNTW

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV từ Thái Bình cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có rất nhiều dấu hiệu cải thiện từ quý sau so với quý trước. Dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam là một thị trường lý tưởng để đầu tư vì sự ổn định, an toàn.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp thuận lợi và khó khăn song hành. Rào cản lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài (nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) và tình trạng bất ổn địa chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 hứa hẹn sẽ vượt qua khó khăn và đạt được sự tăng trưởng.

Nghị quyết số: 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Quốc hội cũng đã chỉ rõ các nhiệm vụ tiên quyết là: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Nghị quyết cũng nhấn mạnh, bộ máy lãnh đạo cần tiếp tục hoàn thiện, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Petrovietnam tham dự Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về kinh tế Việt Nam của Đảng ủy Khối DNTW

Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến

Bàn về kinh tế số (KTS), GS Trần Trọng Đạt – Đại học kinh tế Quốc dân cho biết, kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Tại Việt Nam, Thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh, nhiều hoạt động đóng góp trực tiếp vào kinh tế số (thương mại, di chuyển, thanh toán, dịch vụ). Số hóa thâm nhập vào các lĩnh vực bao gồm tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất và lợi thế cạnh tranh ở các lĩnh vực tiềm năng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm nhập và áp dụng kỹ thuật số cao góp phần cải thiện năng suất lao động và tạo ra các lĩnh vực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là CNTT-TT.

Theo ông Trần Trọng Đạt, trong cả giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 6,88% đến 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể của cả nền kinh tế. Đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ.

Để phát triển KTS tại Việt Nam, ông Trần Trọng Đạt lưu ý cần thực hiện chuyển đổi nhận thức, tổ chức thường xuyên các hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại; Cải cách thể chế, hệ thống pháp lý và quy định liên quan đến KTS; Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số; Đào tạo phát triển nhân lực; Đảm bảo an toàn và an ninh mạng…

Minh Đức