Ngày 14/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức tọa đàm “Bắt đầu một vụ kiện trọng tài thương mại quốc tế”. Tham dự tọa đàm có các đại biểu đang làm việc tại các Ban Pháp chế trong các đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Tọa đàm có sự tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia: Giáo sư Leslie Chew, luật sư cao cấp tại Singapore; ông Peter Chow, trọng tài viên quốc tế tại Singapore; ông Matthew Finn, chuyên gia tư vấn các công ty trong việc thuê chuyên gia; Giáo sư Colin Ong KC; Luật sư Nguyễn Trung Nam, trọng tài viên của VIAC; Luật sư Ngô Quỳnh Anh.
Các đại biểu chụp ảnh cùng các chuyên gia tại tọa đàm. |
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày, giới thiệu các kiến thức trọng điểm trong việc bắt đầu một vụ kiện trọng tài quốc tế như: Chuẩn bị hồ sơ sơ bộ cho trọng tài quốc tế; thủ tục khởi kiện trọng tài ở Việt Nam; thủ tục tố tụng trọng tài của VIAC; phân xử trọng tài theo các quy tắc LCIA, SIAC, ICC và UNCITRAL; các bước chuẩn bị trước khi phân xử trọng tài; các phương thức giải quyết tranh chấp khác…
Các chuyên gia tham gia chia sẻ, trao đổi kiến thức tại tọa đàm. |
Các chuyên gia cũng trình bày, giới thiệu về việc làm thế nào để thu hút chuyên gia tư vấn và chỉ định chuyên gia độc lập, chuyên gia chứng kiến; khi nào cần nhân chứng chuyên môn; vai trò của nhân chứng chuyên môn; làm thế nào để tìm được nhân chứng chuyên môn phù hợp; luật sư phải làm gì để kiểm soát người giám định; tòa án cân nhắc lời khai của chuyên gia như thế nào…
Quyền Trưởng Ban Pháp chế và Kiểm tra Mai Thị Nhật Lan phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, Quyền Trưởng Ban Pháp chế và Kiểm tra Mai Thị Nhật Lan nhận định, các chuyên gia đã cung cấp các kiến thức sâu rộng về các nguyên tắc cơ bản của trọng tài quốc tế cũng như trình tự tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế và Việt Nam. Từ đó, giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan về trọng tài và đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của phương thức trọng tài so với tòa án. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ hiểu hơn về các nguyên tắc cơ bản, nguyên lý vận hành của trọng tài quốc tế, từ đó áp dụng các nguyên tắc, nguyên lý này trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Trung Nam chia sẻ kiến thức tại tọa đàm. |
Bà Mai Thị Nhật Lan mong rằng sau buổi tọa đàm này, các đại biểu sẽ có thêm kiến thức bổ ích và có thể áp dụng để tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài trong thực tế cũng như tư vấn cho lãnh đạo đơn vị trong việc bắt đầu một vụ kiện trọng tài quốc tế.
Theo Luật sư Nguyễn Trung Nam – người sáng lập EPLEGAL: Phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế, được biết đến với tên gọi tắt tiếng Anh là ADR (Alternative Dispute Resolution) đã được áp dụng phổ biến và rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quan hệ dân sự và thương mại. Đặc biệt, từ cuối thế kỷ XVIII, hai phương thức chính của ADR, là trọng tài (arbitration) và hòa giải (mediation), đã trở nên phổ biến ở Anh, Mỹ và nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Hiện nay, ADR không chỉ được luật hóa tại hầu hết các quốc gia mà còn trở thành một phần quan trọng của hệ thống pháp lý quốc tế. So với việc giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng và tòa án, ADR, với sự hỗ trợ của trọng tài và hòa giải viên, tập trung vào ý chí và thiện chí của các bên tranh chấp, mang lại lợi ích lớn về thời gian, công sức, chi phí và bảo mật, đồng thời vẫn giữ khả năng thi hành rộng rãi, không chỉ trong một quốc gia cụ thể mà còn trên phạm vi quốc tế.
Tại Việt Nam, ADR bắt đầu phát triển khi đất nước chuyển từ nền kinh tế đóng cửa sang hình thức thị trường mở. Khởi đầu là Nghị định số 116-CP ngày 05/09/1994 được ban hành bởi Chính phủ, theo đó, Nghị định này cho phép thành lập các trung tâm trọng tài thương mại phi chính phủ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hình thành cơ cấu ADR tại Việt Nam. Từ đó đến nay, pháp luật về ADR của Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện, bao gồm cả nghị định, pháp lệnh về trọng tài thương mại, và hiện nay là Luật Trọng tài Thương mại 2010. Hiện nay, có hơn 40 trung tâm trọng tài thương mại phi chính phủ đã được thành lập.
Tuy nhiên, sự phát triển của ADR tại Việt Nam vẫn có thể coi là chậm rãi và hạn chế so với nhu cầu giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để khắc phục những hạn chế này, cần có những bước hành động nhất định, bao gồm việc nâng cao nhận thức, kiến thức, và bồi dưỡng kỹ năng cũng như kinh nghiệm về ADR cho cộng đồng doanh nhân, luật sư, và các tổ chức ADR tại Việt Nam.
Quang Phú