01/05/2014 6:03:41

Petrovietnam – Những dấu ấn… tháng Tư

Ngành Dầu khí Việt Nam từng khắc họa rất nhiều mốc son suốt hơn 50 năm chiều dài lịch sử, trong số đó, tháng Tư là tháng lưu giữ những dấu ấn khó phai mờ. Nhân kỷ niệm Chiến thắng 30-4, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Năng lượng Mới xin được điểm lại một vài thời khắc truyền thống đó trên dòng thời gian.

Thời kỳ đầu gian khó

Trước hết cần nói rằng, ở một ngành kỹ thuật đặc thù như Dầu khí, tính hệ quả, sự gắn bó hữu cơ và kết nối công nghệ khiến ta không dễ tách bạch sự kiện thành các điểm mốc. Vì vậy, trong khuôn khổ một bài báo, chỉ có thể trở về những ngày tháng Tư đó như một câu chuyện kể rời rạc và tản mạn…

Các sử liệu cho thấy người Việt cũng như các dân tộc khác trên thế giới đã sớm biết khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên từ các loại đá đến các loại quặng kim loại (vàng, bạc, đồng, thiếc, thủy ngân…) và than. Nhưng do điều kiện tự nhiên, ở nước ta rất hiếm các xuất lộ dầu mỏ và khí thiên nhiên nên chỉ khi có giao lưu với phương Tây, người Việt mới tiếp xúc một dạng nhiên liệu mới là dầu khí. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, các nhà địa chất Pháp bắt đầu để ý đến vấn đề dầu khí nhưng họ cũng chỉ có được một số nhận định tổng quát nhất, cũng mới là những giả định hết sức sơ bộ về khả năng dầu khí ở Đông Dương.

Giàn Công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

Năm 1957-1959, trong chuyến thăm các nước Đông Âu và Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm giàn khoan dầu ở Anbani và nhà máy lọc dầu ở Bungari và khu công nghiệp dầu khí Bacu (Azerbaijan) với mong ước và quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam.

Ngày 7/4/1959, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Tổng cục Địa chất ký Hợp đồng số 9431 với Bộ Địa chất Liên Xô về nghiên cứu địa chất, đánh giá triển vọng dầu khí ở Việt Nam. Đây có thể coi là dấu mốc tháng Tư đầu tiên đối với ngành Dầu khí.

Tháng 4/1961, Báo cáo Triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành với 302 trang đánh máy bằng tiếng Nga, kèm theo các bản vẽ về các mặt cắt địa chất, cột địa tầng đặc trưng cho từng vùng, bản đồ tướng đá, cổ địa lý cho từng thời kỳ, bản đồ phân vùng kiến tạo địa chất và đặc biệt là bản đồ phân vùng triển vọng dầu khí nước ta tỷ lệ 1/500.000. Có thể nói rằng Báo cáo này của S.K. Kitovani và các nhà địa chất Việt Nam là công trình tổng hợp đầu tiên của nước ta về nghiên cứu địa chất và đánh giá triển vọng dầu khí trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, nó là cơ sở ban đầu định hướng một cách khoa học cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí về sau.

Tháng 4/1966, công tác thăm dò trọng lực được triển khai trên toàn miền Bắc Việt Nam để thành lập Bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ 1/500.000 với các điểm đo cách nhau khoảng 5km. Lúc đó đang là thời chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tuy nhiên, các nhà địa chất Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và một năm sau Báo cáo tổng kết tài liệu trọng lực cũng được hoàn thành.

Vào tháng 4/1972, Bộ Địa chất Liên Xô cử đoàn chuyên gia cùng với Tổng cục Địa chất Việt Nam phối hợp nghiên cứu tổng hợp về triển vọng dầu khí của miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu. Sau khi khảo sát, các chuyên gia đã kết luận: Vùng trũng An Châu không có triển vọng dầu mỏ và khí đốt. Sau năm 1975, Tổng cục Dầu khí Việt Nam tập trung công tác tìm kiếm, thăm dò ở miền võng Hà Nội và thềm lục địa Việt Nam, nên tạm dừng công tác tìm kiếm, thăm dò vùng trũng An Châu.

Trong thời gian đó, ở phía Nam Việt Nam, kết quả khảo sát của các công ty tư bản là Naval Oceanographic Office và Ray Geophysical “Mandrel” được đăng trên tạp chí của CCOP đã hấp dẫn các công ty dầu quốc tế quan tâm đến tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Một số nước trong vùng Đông Nam Á như Brunei, Malaysia, Indonesia tiếp cận vùng Biển Đông đối diện với Việt Nam đã phát hiện và khai thác dầu từ lâu. Ngày 1/4/1959, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa yêu cầu các hãng Shell và Esso nghiên cứu khía cạnh kinh tế của việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại Việt Nam.

Ở miền Nam, hoạt động thăm dò dầu khí có muộn hơn (1970-1975), nhưng sự ra đời của Luật Dầu hỏa (năm 1970), Ủy ban Quốc gia Dầu hỏa (năm 1971) và Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (năm 1974) đã thúc đẩy công việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Nhờ vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, công tác tìm kiếm, thăm dò được triển khai và đã xác định 3 bể trầm tích Nam Côn Sơn, Cửu Long và Malay – Thổ Chu. Bộ Kinh tế đã quyết định công bố cấp quyền đặc nhượng tìm kiếm và khai thác dầu vào tháng 4/1973. Việc phát hiện dầu khí trong các giếng khoan ở Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn là căn cứ để sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Tại miền Bắc, cũng vào thời gian đó, ngày 30/4/1973, đoàn công tác của Bộ Nhiên liệu hóa chất Trung Quốc cũng sang Việt Nam trao đổi với Tổng cục Hóa chất về các công trình do Trung Quốc giúp Việt Nam, trong đó có nhà máy lọc dầu. Phía Việt Nam mong muốn Trung Quốc giúp đầu tư nhà máy lọc dầu 1,5 triệu tấn/năm, mở rộng lên 3 triệu tấn/năm, chế biến sâu ngay từ đầu và phát triển hóa dầu càng sớm càng tốt.

Các kết quả khích lệ trong công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng do Liên đoàn Địa chất 36 triển khai (1961-1975) khiến Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và giao cho Tổng cục Hóa chất cập nhật thường xuyên về tình hình hoạt động dầu khí trên thế giới. Thông tin về các công ty dầu khí phương Tây phát hiện dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam đã được biết ngay trong thời gian còn chiến tranh, cho nên ngày 30/4/1975 khi tiếng súng vừa chấm dứt tại Sài Gòn, Đoàn Địa chất B (do Tổng cục Địa chất cử vào khảo sát địa chất ở vùng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát) là tổ chức đầu tiên đã tiếp quản (về mặt hành chính) Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn. Đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn tài liệu của các công ty dầu khí làm trước ngày giải phóng miền Nam.

Sau chiến thắng 30-4

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Cũng chiều ngày đó, vào lúc 17h, tại Tiền Hải, Thái Bình chúng ta cũng kết thúc đợt thử vỉa các giếng khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Ngày 7/4/1976, Tổng cục Dầu khí trình Trung ương Đảng và Nhà nước “Báo cáo Phương án xây dựng nhà máy lọc dầu và hóa dầu” song song với việc thăm dò và tìm kiếm dầu khí. 2 năm sau, vào tháng 4/1978, Tổng cục Dầu khí làm việc với đoàn đại biểu của Chính phủ Liên Xô và thống nhất được việc Liên Xô sẽ tiến hành lập Luận chứng kinh tế – kỹ thuật Khu liên hợp lọc, hóa dầu với ngân sách là 345.000 rup.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 là công trình do Việt Nam tự thiết kế công nghệ

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quyết tâm xúc tiến việc thăm dò tài nguyên khoáng sản, trong đó có dầu khí cho dù tài liệu và các thông tin có được quá nghèo nàn so với các loại khoáng sản khác. Trong bối cảnh nước ta và thế giới lúc bấy giờ, việc Chính phủ Việt Nam đề nghị các nước XHCN, chủ yếu là Liên Xô, cử chuyên gia có kinh nghiệm giúp Việt Nam vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa đào tạo cán bộ cho Việt Nam là một chủ trương hết sức đúng đắn, một tầm nhìn chiến lược. Điều hết sức quan trọng là các chuyên gia đã giúp Việt Nam đề xuất được một kế hoạch tổng thể, từng bước cụ thể để triển khai tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Trong những năm đầu hoạt động của Tổng cục Dầu khí, việc tiếp xúc, thảo luận với nhiều công ty dầu khí trên thế giới và ký các hợp đồng dầu khí dạng phân chia sản phẩm với các công ty tư bản đã đưa dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam tiếp cận với các dạng hợp đồng, các công nghệ – kỹ thuật hiện đại, các khái niệm kinh tế – tài chính cũng như cung cách điều hành và quản lý về dầu khí của phương Tây. Điều thú vị là Tổng cục Dầu khí (về mặt hình thức là Công ty Petrovietnam) đã ký hợp đồng dầu khí với các công ty này đều vào tháng Tư. Công ty Deminex ngày 4/4/1978 trên Lô 07-TLĐ; Công ty Agip ngày 18/4/1978 trên các lô 06 và 08-TLĐ; Công ty Enterprise Oil Exploration và CEP tại hai lô 17 và 21 vào ngày 16/4/1989.

Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển công nghiệp dầu, khí và ngày 3/9 được công nhận là Ngày thành lập ngành Dầu khí Việt Nam. Từ ngày 25/4/1977, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đi thăm một số nước Tây Âu như Pháp, Đan Mạch, Na Uy, đã ký nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật. Thủ tướng cùng Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã thăm Viện Dầu khí Pháp (trong khoản tiền vay của Chính phủ Pháp, Chính phủ Việt Nam đã dành 22 triệu phờrăng để mua 11 phòng thí nghiệm trang bị cho Viện Dầu khí Việt Nam); ký hiệp định với Na Uy để hiện đại hoá kỹ thuật khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam.

Để xây dựng kế hoạch, phương án phát triển, khai thác mỏ khí Tiền Hải, cũng trong năm 1977, Tổ Khai thác Dầu khí đã được thành lập tại Liên đoàn Địa chất 36. Đây là tổ chức chuyên về khai thác dầu khí đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 19/4/1981 dòng khí đã được khai thác, xử lý và vận chuyển đến trạm turbine phát điện. Ngày 8/7/1981, bắt đầu khai thác ổn định mỏ khí Tiền Hải, đây là công trình hoàn toàn mới lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta.

Ngày 12/4/1978, Tổng cục Dầu khí đã thành lập Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí; ngày 22/4/1978, thành lập Công ty Vật tư Vận tải Dầu khí, cung ứng thiết bị vật tư và dịch vụ vận tải cho các đơn vị trong toàn ngành Dầu khí.

Ngày 3/4/1980, Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên là Tư lệnh Quân đoàn I giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí kiêm chức Tổng giám đốc Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Từ 17 đến 23/4/1980 là những ngày tháng ghi nhiều dấu ấn và quyết định quan trọng liên quan đến kế hoạch hợp tác dầu khí Việt – Xô khi Liên Xô cử Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp khí V. Zaisev sang Việt Nam gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Đinh Đức Thiện. Một năm sau, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xôviết về thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt – Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam Việt Nam được ký kết.

Ngày 29/4/1982, Bộ Giao thông vận tải chính thức công bố Cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu được phép cho tàu buôn nước ngoài ra vào. Từ đó Cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu chính thức trở thành một cảng biển quốc tế, có thể tiếp nhận thiết bị, vật tư, hàng hóa, cung cấp nhiên liệu, nước sạch cho các tàu khảo sát địa vật lý và khoan trên biển, v.v…

Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô đầu tiên đã được khai thác lên ở giàn MSP-1 mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một ngành công nghiệp mới – công nghiệp khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đưa nước ta trở thành một trong số các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu trên thế giới. Một quyết định quan trọng được đưa ra vào ngày 21/4/1993, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã cho phép Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro bơm ép nước đại trà vào tầng móng mỏ Bạch Hổ. Phương pháp này đã được thực hiện rất hiệu quả trong việc duy trì áp suất vỉa nhằm gia tăng sản lượng khai thác và nâng cao hệ số thu hồi dầu, khí tại tầng móng mỏ Bạch Hổ. Ngày 14/4/1995, dự án gồm hệ thống thu gom, xử lý và đường ống dẫn khí Bạch Hổ – Bà Rịa hoàn thành.

Công ty Xuất nhập khẩu Dầu khí (Petechim) xuất khẩu thành công chuyến dầu thô đầu tiên trong điều kiện đang bị Mỹ cấm vận – ngày 14/4/1987, hơn 6 triệu USD tiền bán dầu đã được thu về kịp thời, không sai sót, không chậm trễ, không có rủi ro (lúc đó, các ngân hàng nước ngoài có thể sẽ chặn các khoản thu ngoại tệ từ bán dầu thô để trừ những món Việt Nam nợ quá hạn hoặc đến hạn phải trả).

11/4/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 100/CT về việc bổ nhiệm ông Trương Thiên giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí. Ông đã có công trong việc tổ chức xây dựng bản chiến lược đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam (tháng 4/1988), làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 về phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000, mở đường cho sự hợp tác đa phương của ngành Dầu khí Việt Nam với dầu khí thế giới.

Tháng 4/1990 Tổng cục Dầu khí sát nhập vào Bộ Công nghiệp nặng. Ngày 6/7/1990 thành lập “Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam” và được Hội đồng Bộ trưởng xác định là đơn vị kinh tế chủ lực, cần được xây dựng để trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Ngày 14/4/1992 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 125-HĐBT đặt Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Để giúp Thủ tướng quản lý, nắm bắt nhanh; chỉ đạo và giải quyết kịp thời công tác dầu khí có hiệu quả, nhằm đẩy nhanh việc xây dựng ngành Dầu khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/TTg ngày 6/4/1994, thành lập Vụ Dầu khí thuộc Văn phòng Chính phủ.

Vào những năm sau này, rất nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với ngành Dầu khí cũng như hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam xảy ra vào tháng Tư, ví dụ: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 34/TB ngày 4/4/1996; Chỉ thị 08/2003/CT-TTg ngày 4/4/2003; Dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ vào bờ; Dự án xây dựng đường ống, kho chứa và cảng Thị Vải; Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn; Dự án mỏ Lan Tây; Dự án liên hợp Khí điện đạm Phú Mỹ, Dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; Dự án xây dựng Nhà máy chế biến condensat Thị Vải, Dự án mỏ Hải Thạch…

Đặc biệt, có 2 thời điểm rất đáng nhớ là ngày 16/4/2008, xuất phát từ tình hình thực tiễn, để bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ đối với ngành Dầu khí, Đảng bộ Tập đoàn đoàn báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng Đề án thành lập Đảng bộ toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đề án được chấp thuận với mô hình mới đã phát huy vai trò, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp để giữ vững vị trí then chốt, vai trò chủ lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện đối với các đảng ủy trực thuộc và đơn vị thành viên trong toàn hệ thống.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, qua 4 kỳ đại hội, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã từng bước trưởng thành, trở thành một trong những công đoàn trực thuộc mạnh nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 18/4/2013, Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2013-2018 đã thành công tốt đẹp, trở thành ngày hội lớn của người lao động dầu khí.

Nguyễn Tiến Dũng (tổng hợp)