Ngày 10/2, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp với Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí năm 2022.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Công Thương có ông Nguyễn Việt Sơn – Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cùng các chuyên viên các Vụ trực thuộc Bộ. Về phía Petrovietnam và Hội Dầu khí Việt Nam (Hội DKVN) có ông Nguyễn Hùng Dũng – Thành viên HĐTV Tập đoàn; TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội DKVN. Đại diện các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, các nhà thầu, nhà điều hành, chuyên gia, đối tác và các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Toàn cảnh Hội thảo |
Ngày 14/11/2022, Luật Dầu khí sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, đây là lần đầu tiên Luật Dầu khí năm 2022 được sửa đổi một cách toàn diện kể từ khi được ban hành lần đầu tiên (6/7/1993) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Ông Nguyễn Việt Sơn – Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than chủ trì hội thảo |
Đại diện Ban Quản lý Hợp đồng Dầu khí đã giới thiệu sơ bộ về Luật Dầu khí 2022 và một số điểm mới; Sự cần thiết phải ban hành Nghị định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; Yêu cầu về tiến độ hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; Tóm tắt nội dung Dự thảo đã gửi xin ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản luật.
Tại Hội thảo, đại diện các nhà thầu, nhà điều hành Idemitsu Gas, PVEP, Hội DKVN, Cửu Long JOC, Thăng Long JOC, Công ty Dầu khí Việt – Nhật, Exxon Mobil, Rosnef… đã góp ý về thời gian gia hạn hợp đồng dầu khí; một số quy định trong thu dọn mỏ; xây dựng danh mục ưu đãi đầu tư; giá trị pháp lý Hợp đồng dầu khí cũ chuyển sang Hợp đồng dầu khí mới; cần đơn giản hóa một số quy trình trong Hợp đồng dầu khí; mở rộng định nghĩa, cấu tạo, ưu đãi trong khai thác mỏ cận biên …; một số định nghĩa, khái niệm, thuật ngữ liên quan đến hoạt động dầu khí cần lượng hóa làm rõ nghĩa, điều chỉnh phù hợp gắn liền với thực tiễn hoạt động.
Đánh giá cao nhiều điểm tiến bộ trong Luật Dầu khí 2022, TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội DKVN cho rằng, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn cho Petrovietnam. Về hợp đồng dầu khí, theo Chủ tịch Hội DKVN, còn quá phức tạp gây mất thời gian trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu cần làm rõ các quy chế, quy định, yêu cầu… với một thông số mẫu vào hồ sơ mời thầu.
Về vấn đề khai thác tận thu TS Nguyễn Quốc Thập đề nghị cần sự linh hoạt khi xem xét các cơ chế ở mức ưu đãi hơn trên cơ sở các quy định của hợp đồng cũ. Về vấn đề mỏ nhỏ, mỏ cận biên cũng nên có quy định, tiêu chí chi tiết hơn để xác định, từ đó sẽ đảm bảo quyền lợi lớn hơn cho nhà đầu tư.
Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Hùng Dũng trao đổi bên lề cùng đại biểu |
Về Quy định trình tự, thủ tục kéo dài các lô hợp đồng cũ, ông Hoàng Xuân Dương – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) đề nghị có những quy định cụ thể vì sắp tới PVEP có nhiều lô hợp đồng hết hạn; cho phép sử dụng quyền, nghĩa vụ, pháp lý các tài liệu dầu khí khi thực hiện chuyển tiếp hợp đồng dầu khí cũ sang hợp đồng dầu khí mới.
TS Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội DKVN phát biểu tại Hội thảo |
TS Phan Ngọc Trung – Trưởng ban Tư vấn và Phản biện (Hội DKVN) nhấn mạnh, Nghị định là công cụ rất thiết thực để đảm bảo tính đồng nhất, thực thi của Luật Dầu khí và đánh giá cao nỗ lực của Tổ soạn thảo về việc xây dựng Nghị định.
Góp ý về việc xây dựng Nghị định, đối với vấn đề điều tra dầu khí, TS Phan Ngọc Trung cho rằng hoạt động này chủ yếu xuất phát từ nguồn vốn nhà nước nhưng thủ tục rất nhiều. Việc quản lý điều tra cơ bản cần phải quy về cho một đầu mối, cụ thể ở đây là Bộ Tài nguyên – Môi trường. Đồng thời, cần có quy định chi tiết hơn đối với từng mỏ vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh, quyết toán các lô.
Đại diện Cửu Long JOC; Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC; Thăng Long JOC; JVPC (Dầu khí Việt – Nhật); ExonMobile, Viện DKVN… cũng góp ý bổ sung, cần làm rõ thêm về thẩm quyền Petrovietnam trong sử dụng vốn, trình tự thủ tục Thủ tướng phê duyệt việc phối hợp của các bên trong thực hiện điều tra cơ bản. Các quy định tại một số điểm trong Nghị định cần có hướng dẫn cụ thể hơn như các quy định về mỏ dầu khí cận biên, tiêu chí xem xét mỏ cận biên, quỹ thu dọn mỏ các quy định về cơ chế tài chính, cách tính phí, xác nhận của cơ quan thuế trong hồ sơ gửi cấp thẩm quyền …
Kết luận hội thảo, ông Trần Thanh Tùng – Vụ phó Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cảm ơn các đại biểu đến tham dự, đóng góp ý kiến cho Bộ Công Thương để sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ trước tháng 4/2023 và xây dựng ban hành trước ngày 1/7/2023. Trên cơ sở trao đổi tại hội thảo, đại diện các bên liên quan sẽ tiếp tục tổng hợp, rà soát các góp ý quan trọng theo từng nhóm vấn đề để Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đi đến thống nhất.
Mạnh Kiên – Thanh Ngọc