Theo GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam) chia sẻ, trong bối cảnh ngành Dầu khí Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả hiện tại và trong tương lai, sự đồng thuận trong nội bộ và trí tuệ tập thể là động lực để Petrovietnam có thể tiến xa hơn.
PV: Nhìn lại lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, ông muốn chia sẻ về điều gì, thưa ông?
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Chặng đường gần 60 năm của ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam rất dài với nhiều gian nan, thử thách, đặc biệt là thế hệ đầu tiên, những người tham gia vào hoạt động dầu khí từ những năm 60 của thế kỷ trước đã phải trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, gian khổ. Đó là việc vất vả bao nhiêu năm nhưng tìm không thấy dầu, đến năm 1975 mới tìm thấy mỏ khí đầu tiên ở Thái Bình nhưng lưu lượng nhỏ, mãi đến năm 1986, Vietsovpetro mới tìm ra dầu…
Phải nói rằng, dầu cùng với gạo xuất hiện rất đúng lúc và trở thành “cứu tinh” của đất nước ta lúc gian khó. Từ chỗ thiếu gạo, thiếu ăn, đến cuối những năm 80, nước ta không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu gạo. Đồng thời, năm 1986, tấn dầu đầu tiên được khai thác và Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử ghi tên mình vào danh sách các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Từ năm 1990 trở đi đến đầu những năm 2000 là thời kỳ rực rỡ của ngành Dầu khí. Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp có bước đi mạnh, vững chắc nhất trong việc hợp tác với các nước trong thăm dò, khai thác dầu khí. Petrovietnam đã khai thác sản lượng lớn dầu hằng năm và đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Có những thời kỳ Petrovietnam đóng góp khoảng 30% ngân sách…
Tuy nhiên, ngành Dầu khí phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chính trị, xã hội không lường trước được. Lịch sử phát triển dầu khí thế giới đã chứng minh điều đó khi trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng. Những khó khăn của Petrovietnam cũng theo quy luật đó. Cụ thể, Petrovietnam đã và đang đối mặt với rất nhiều thách thức do giá dầu lao dốc và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thế nhưng, Petrovietnam vẫn rất kiên trì, cố gắng để giữ vững vị thế của mình. Bằng chứng là những kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 50 nghìn tỉ đồng trong 9 tháng năm 2020 vừa qua. Điều đó cũng chứng minh rằng, những giải pháp mà Petrovietnam thực hiện để vượt qua “khủng hoảng kép” là hiệu quả, giúp Petrovietnam phát triển.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam đối mặt trong thời gian tới?
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Hiện nay, ngành dầu khí thế giới nói chung, Petrovietnam nói riêng, đang chịu tác động mạnh mẽ của giá dầu xuống thấp, nhu cầu tiêu thụ giảm, biến đổi khí hậu, các vấn đề môi trường. Dầu là nguyên liệu khoáng tạo ra CO2, tạo ra hiệu ứng nhà kính trong quá trình sử dụng nên xu hướng của thế giới hiện nay là thay thế bằng năng lượng tái tạo (NLTT), tỷ lệ năng lượng từ dầu đang giảm dần. Như vậy, trước tiên là lĩnh vực thăm dò, khai thác, kế đến là chế biến dầu sẽ bị ảnh hưởng.
Ngành Dầu khí Việt Nam có thể chạy không kịp với sự dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang NLTT bởi xu hướng này đang diễn ra rất nhanh. Ngay ở Việt Nam hiện nay, điện mặt trời, điện gió đang phát triển mạnh mẽ. Xu hướng đó sẽ đẩy nhiên liệu hóa thạch lùi dần trong tương lai.
PV: Đâu là giải pháp đối với ngành Dầu khí Việt Nam, thưa ông?
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Vấn đề đặt ra là bây giờ chúng ta phải thay đổi để thích nghi. Như ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hiện nay tỷ lệ lọc dầu cao, hóa dầu còn rất thấp. Lịch sử đã chứng minh, nhà máy nào tỷ lệ hóa dầu/lọc dầu càng cao, tức chuyển dầu sang những sản phẩm tạo ra hàng hóa càng nhiều, thì nhà máy hoạt động càng hiệu quả. Vì vậy, ngành chế biến dầu khí muốn tồn tại phải nâng tỷ lệ hóa dầu lên, không thể khác được. Nhưng làm được như thế rất khó, phải đầu tư lớn. Vì vậy, chúng ta phải tính toán, lựa chọn lĩnh vực hóa dầu có thế mạnh về năng suất, thị trường… để mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ hai là đầu tư phát triển NLTT, không tạo ra CO2, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, ngoài điện mặt trời, điện gió, còn một hướng đi quan trọng nữa mà thế giới đã làm rồi, đó là năng lượng sinh khối. Ngoài ra, nhiên liệu sinh học cũng là hướng đi đúng nhưng phải đi từ nguyên liệu chế biến không ăn được, như trồng rừng để từ đó tạo ra nguyên liệu…
Thêm nữa, chúng ta có nguồn nhiều khí thiên nhiên dồi dào, đã phát hiện các mỏ khí có triển vọng trữ lượng rất lớn. Vấn đề là từ khí làm hóa dầu, đây là hướng đi mà Petrovietnam cần theo đuổi quyết liệt. Trong bối cảnh đó, nhà máy lọc dầu phải thay đổi, mở rộng, nâng cấp để tạo ra xăng, diesel đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn và mở rộng hóa dầu.
Hiện nay Petrovietnam đã và đang nghiên cứu nhiều giải pháp. Vấn đề là làm sao chúng ta phải tích cực và quyết liệt hơn nữa, có sự đột phá để trong một khoảng thời gian ngắn phải ra được sản phẩm. Bên cạnh đó, muốn có dự án tốt, thành công thì bên ngoài phải học hỏi, hợp tác, còn bên trong phải huy động được trí tuệ tập thể.
PV: Theo ông, đâu là nét đẹp văn hóa Petrovietnam cần phát huy trong thời gian tới?
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Với tôi, nét đẹp văn hóa Petrovietnam chính là tình người, là mối quan hệ con người với con người. Vì sao người ta thành công? Vì người ta hợp tác, đồng thuận và thân thiện. Các đơn vị thành viên Petrovietnam trong giai đoạn nhiều thách thức, khó khăn càng phải hợp tác với nhau. Có thể nói rằng, rất hiếm doanh nghiệp nào có được quan hệ nội bộ tốt như Petrovietnam.
Trong văn hóa Petrovietnam, quan trọng nhất là tình người, là sự đồng thuận. Petrovietnam xây dựng mối quan hệ giữa người với người thật bền vững, tốt đẹp ắt sẽ thành công.
PV: Xin cảm ơn ông!
L.Trúc (thực hiện)