Diễn đàn là sự kiện truyền thông thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050, tại COP27 về giải pháp chuyển đổi năng lượng để thực hiện cam kết khí hậu được các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà báo triển khai.
Ngày 2/4 tại tỉnh Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp các cơ quan hưu quan tổ chức diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VII – năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi Xanh”.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) đồng hành cùng diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn |
Diễn đàn là dịp để cùng nhìn lại một năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020 và triển khai các hoạt động hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại COP26, COP27. Thông qua diễn đàn, các nhà báo được trang bị thêm kiến thức, tư duy về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Luật Bảo vệ môi trường; thực trạng BĐKH, khí nhà kính và giải pháp, trách nhiệm giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn của danh nghiệp.
Diễn đàn là cơ hội giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đóng góp ý tưởng, sáng kiến, đề xuất giải pháp trong kiểm soát kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero.
Diễn đàn là cầu nối giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về kiểm soát kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn để có những điều chỉnh kịp thời, đồng thời đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và ban hành chính sách để quản lý và phát triển doanh nghiệp ngày một hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng “xanh và bền vững”.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu khai mạc diễn đàn |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo cho rằng, việc tổ chức diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” hôm nay, là một sự kiện quan trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến từ nhận thức sang hành động thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”. Đây cũng là dịp Nhà quản lý – Nhà báo – Nhà doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng hiến kế, tìm giải pháp thực hiện hiệu quả việc “Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vì một Việt Nam xanh và thịnh vượng”.
“Khi chúng ta có thái độ ứng xử tử tế với thiên nhiên bằng những hành động dù nhỏ nhưng thiết thực, chính là chúng ta đang nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình”. – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM chia sẻ tại diễn đàn |
Chia sẻ tại diễn đàn, nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM cho rằng “Báo chí cần tìm kiếm, phát hiện, tuyên truyền, giám sát, thúc đẩy chuyển đổi xanh”.
Theo Nhà báo Lê Xuân Trung, báo chí không chỉ đưa tin về các sự kiện Chuyển đổi Xanh của các doanh nghiệp, nhà máy mà Báo chí còn phải đồng hành, theo dõi, thúc đẩy và giám sát quá trình thực hiện các nhà máy có tính biểu tượng “chuyển đổi xanh” để làm sao càng nhiều nhà máy chuyển đổi xanh được thực hiện ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam càng thể hiện mạnh mẽ quyết tâm thực hiện cam kết COP26 và lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 càng gần lại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu lâu dài, đó là: Phát triển xanh của đất nước và đóng góp trách nhiệm cứu lấy hành tinh của chúng ta.
Xuất phát từ bản chất của môi trường thực, môi trường số và bản chất của Chuyển đổi số gắn với Chuyển đổi Xanh, Nhà báo Xuân Trung cho rằng, Báo chí đóng vai trò vào Chuyển đổi Xanh cần phải đồng thời thực hiện được 3 mục tiêu: Chuyển đổi xanh; chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy. Trong đó, Nhà báo cần chuyển đổi tư duy theo hướng thúc đẩy, giám sát chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả hơn.
Đồng thời, nhà báo Lê Xuân Trung cũng đưa ra một số nhóm hoạt động, hành động cụ thể để gợi ý cho báo chí trong việc cụ thể hóa chuyển đổi tư duy như: Tổ chức sự kiện, diễn đàn, cuộc thi, chiến dịch truyền thông rộng rãi về chuyển đổi xanh; cùng trao đổi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cùng tập huấn, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức, thực hiện các tuyến nội dung về chuyển đổi xanh; tổ chức các chuyến đi thực tế để hiểu rõ hơn những mô hình, dự án thành công – thất bại về chuyển đổi xanh, phát triển xanh…
Tại diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ: Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước ta luôn xác định trong các văn kiện hoạch định đường lối về phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã tham gia tích cực vào việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thông tin quá trình xây dựng và phản biện chính sách, góp phần xây dựng thể chế phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu đề ra của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn |
Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao các báo cáo viên đã giới thiệu, chia sẻ các tham luận quan trọng, thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; đồng thời cung cấp đến các nhà báo, phóng viên những thông tin cần thiết thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cũng như chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh hướng đến Chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo tặng hoa, kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận cho đại diện các đơn vị. |
Bộ TN&MT ghi nhận tất cả các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp, gợi mở, chia sẻ, cũng như các đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí tham dự diễn đàn hôm nay. “Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27, đặc biệt là Cam kết chính trị Chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế (JETP) vừa được tuyên bố tháng 12/2022 vừa qua” – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành mong muốn và đề nghị mỗi đại biểu tham dự diễn đàn với vị chức, chức năng, nhiệm vụ của mình là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững; mỗi hoạt động ý nghĩa của quý vị sẽ góp phần quan trọng cho công cuộc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
N.H