Hiện nay, cả hệ thống chính trị quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và xây dựng bản sắc riêng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhân ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (10/11), Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes đã thực hiện phỏng vấn ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về “Tái tạo Văn hóa Petrovietnam”.
Ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. |
PV: Xin ông cho biết văn hóa doanh nghiệp có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
Ông Hồ Anh Tuấn: Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải là chuyện dễ dàng mà cần có một quá trình lâu dài, sự thay đổi từ nhận thức đến hành động và cần coi đó là sự nghiệp, thành tựu của doanh nghiệp.
Trong lịch sử nước ta, các bậc hiền tài, lãnh tụ của đất nước như Bác Hồ, Bác Giáp đều coi trọng văn hóa, lấy xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc làm gốc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Mà văn hóa kinh doanh là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh và một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 là ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam với 05 nội dung quan trọng: Thượng tôn Pháp luật; Đạo đức Kinh doanh; Cạnh tranh lành mạnh; Trách nhiệm với xã hội và môi trường; Xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
Ông Hồ Anh Tuấn tham dự Hội nghị triển khai Tái tạo Văn hóa Petrovietnam. |
Năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trên cả nước cùng các cơ quan thông tấn quốc gia để triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên cả nước. Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và cho phép ban hành Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam. Đến nay đã triển khai phổ biến tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hằng năm chúng tôi cũng tổ chức các diễn đàn về nhiều chủ đề khác nhau của văn hóa doanh nghiệp để các đơn vị có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chí trở thành doanh nghiệp văn hóa của quốc gia.
Trong những năm qua, thế giới có nhiều biến động về địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp Việt Nam không khỏi ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ tại diễn đàn văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi, các Công ty, Tập đoàn lớn đều khẳng định nội lực văn hóa đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, người chủ, lãnh đạo doanh nghiệp chăm lo đến cuộc sống, an toàn của người lao động và ngược lại thì người lao động sẵn sàng giảm lương, tăng giờ làm, chấp nhận làm việc trong môi trường cách ly. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã không bị đứt gãy nguồn nhân lực, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Tiêu biểu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Kinh doanh vàng Bạc đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình…
PV: Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về văn hóa doanh nghiệp của Petrovietnam?
Ông Hồ Anh Tuấn: Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, hình ảnh của Petrovietnam bị ảnh hưởng do một số sai lầm cá nhân trước đó. Ngay trong năm 2021, khi Chính phủ Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã nhận được hồ sơ của đề nghị công nhận của Petrovietnam. Quả thực, lúc đầu Ban lãnh đạo Hội cũng như Ban Tổ chức Vận động xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp của Chính phủ đều thấy e ngại. Bởi đây là lần đầu tiên xét tặng danh hiệu, với yêu cầu phải làm chặt chẽ, sát thực tế.
Petrovietnam cùng các đơn vị trực thuộc được vinh danh tại Diễn đàn Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2021 |
Sau khi nhận hồ sơ, chúng tôi đã cử nhóm “điều tra”, tiếp cận và xác thực với các cấp tại Petrovietnam, từ những cán bộ chuyên trách công tác xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp đến lãnh đạo quản lý cấp cao nhất của Tập đoàn. Sau đó, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về Petrovietnam, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Cần nói thêm rằng, khi tham dự lễ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Petrovietnam về “Công tác truyền thông và văn hoá doanh nghiệp”, chúng tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại hội nghị, chúng tôi thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tập đoàn đối với phát triển văn hóa doanh nghiệp, bộ máy triển khai công tác văn hóa doanh nghiệp bài bản, tâm huyết, nhiều cách làm sáng tạo, thống nhất và nhịp nhàng. Hơn thế nữa, tôi đặc biệt ấn tượng với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, các anh có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa doanh nghiệp, thẳng thắn nhìn nhận sai lầm khi “lãng quên” bồi đắp văn hóa của đơn vị.
Tôi cho rằng, Petrovietnam không chỉ một trụ cột của nền kinh tế đất nước mà còn xây dựng văn hóa doanh nghiệp rất tốt. Đây chính là nền tảng, bệ phóng để Petrovietnam hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho, tiếp tục công cuộc khẳng định vị trí trong nước, trong khu vực cũng như vươn ra thế giới.
Lãnh đạo Petrovietnam thực hiện nghi thức xuất bản về lược sử ngành Dầu khí Việt Nam. |
PV: Theo ông, trong thời gian tới Petrovietnam cần tiếp tục triển khai văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
Ông Hồ Anh Tuấn: Hiện nay, Petrovietnam đã làm rất tốt công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đang phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, nộp ngân sách rất lớn cho nhà nước, công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu được triển khai đồng bộ; tích cực phổ biến, nâng cao ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên; làm tốt công tác an sinh xã hội, tham gia bảo vệ môi trường… Nhưng theo tôi, phát triển văn hóa doanh nghiệp tốt nhất là phải bền vững và lâu dài. Tôi cho rằng về tương lại không xa Petrovietnam sẽ chuyển từ giai đoạn “Tái tạo Văn hóa” sang “Chấn hưng Văn hóa” doanh nghiệp. Việc chấn hưng văn hóa doanh nghiệp cùng với sự chấn hưng văn hóa dân tộc đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và đặt kỳ vọng lớn lao. Chỉ có sự khát vọng từ văn hóa dân tộc mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, vươn lên mạnh mẽ hướng tới những tầm cao mới.
Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp của Petrovietnam khi đã đủ điều kiện sẽ chuyển giai đoạn từ “lượng” sang “chất”. Hiện nay, các bạn đã xây dựng được những chuẩn mực riêng về văn hóa doanh nghiệp từ trong ra ngoài, trong đó, lãnh đạo làm gương, cán bộ công nhân viên tự giác tuân thủ, tự hào vì nền văn hóa Petrovietnam.
Lễ chào cờ vào ngày thứ 2 hàng tuần trên giàn Hải Thạch thể hiện nét văn hóa hết mình phụng sự tổ quốc của người Dầu khí Việt Nam. |
PV: Xin cảm ơn ông
Thành Công (thực hiện)