Những năm qua, Công đoàn Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng chuyên môn, triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ tốt quyền, lợi ích cho người lao động; đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa doanh nghiệp hướng tới những giá trị nhân văn bằng bản sắc văn hóa rất riêng của người lao động dầu khí.
Ban Biên tập xin chuyển đến bạn đọc những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Đức Hạnh – Thành viên HĐQT, Chủ tịch Công đoàn PVCFC – để hiểu hơn về hành trình kiến tạo văn hóa doanh nghiệp tại PVCFC với những đóng góp tích cực từ tổ chức công đoàn.
Để kể về những kỷ niệm trong những ngày tháng đầu tiên đảm nhận vị trí Chủ tịch Công đoàn, tôi đặc biệt nhớ về buổi đối thoại đầu tiên mà tôi xin phép lãnh đạo công ty tổ chức. Buổi đối thoại có chủ đề “Vai trò của công đoàn trong việc xây dựng Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) và thực hiện thành công chiến lược công ty”. Buổi đối thoại được tổ chức vào buổi tối, với sự tham dự của anh Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch HĐQT, anh Bùi Minh Tiến – Tổng Giám đốc, các anh trong Ban lãnh đạo công ty, cùng toàn thể cán bộ công đoàn và đại diện người lao động. Mục tiêu của tôi khi đó là mong muốn dẫn dắt công đoàn tham gia đóng góp và đồng hành vào những hoạt động quan trọng định hình tương lai của Đạm Cà Mau. Buổi đối thoại kết thúc với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng chính những câu hỏi đó đã đọng lại, gợi lên sự trăn trở trong tâm tư của nhiều cán bộ công đoàn. Song, tôi đã nhận ra những nụ cười và ánh mắt sáng lên từ họ, như kỳ vọng vào một sự đổi mới mà chính mình phải góp phần vào trong đó.
Để nội dung thảo luận sớm bước vào thực tiễn, mang lại hiệu quả đích thực, sau đó tôi đã chủ động học hỏi kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước, cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành tiếp tục tổ chức nhiều buổi đối thoại chuyên sâu hơn, mời các chuyên gia đến chia sẻ và trao đổi về những mô hình, những cách làm hay để có thể áp dụng ngay vào trong thực tiễn. Có thể kể đến như Chương trình đối thoại “Vai trò của công đoàn trong đổi mới, sáng tạo và sáng kiến cải tiến”; “Vai trò của công đoàn trong thực hiện tiết giảm, tiết kiệm”; “Đối thoại về chính sách nhân viên và kinh nghiệm xây dựng chính sách nhân viên ở những đơn vị tiêu biểu”… Song song đó là thiết kế các chương trình tập huấn, đào tạo dành riêng cho cán bộ công đoàn về công tác chuyên môn, đồng thời cắt cử cán bộ công đoàn tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo, tập huấn và các hoạt động tập thể của công ty để nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn, cả về công tác dân vận, đoàn thể, cả về hoạt động sản xuất chuyên môn.
Dự án Tái tạo Văn hóa PVCFC đã đi đến giai đoạn xây dựng bản sắc với nhiều giá trị tích cực. |
Để công đoàn có thể đồng hành cùng xây dựng VHDN và thực hiện chiến lược công ty, chúng tôi hướng trọng tâm tới các hoạt động thường xuyên, liên tục và hàng ngày theo chương trình chung của công ty, đó là “Làm mới bản thân mỗi ngày” trên cả 4 phương diện thể chất, tinh thần, trí tuệ và tình cảm; tổ chức những hoạt động mang nhiều ý nghĩa, đậm tính truyền thống như Hội thao thường niên chào mừng ngày thành lập công ty 9/3, phối hợp với Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) tổ chức Hội thao chào mừng Ngày thành lập Ngành Dầu khí 27/11; phát động nhiều phong trào thi đua lao động, thi đua sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chương trình thi đua rèn luyện chào mừng 10 năm thành lập công ty, trong tất cả các mặt quản trị, sản xuất, kinh doanh, làm mới bản thân mỗi ngày… với khoảng thời gian 5 tháng triển khai.
Bước sang năm 2020, Công đoàn PVCFC bắt đầu thực hiện nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào Thỏa ước lao động tập thể, xây dựng Nội quy lao động phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Công đoàn đã mời nhiều chuyên gia tư vấn cùng phối hợp, để không chỉ xây dựng các điều khoản bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho cả công ty và NLĐ, mà còn giúp mỗi CBNV có thể tự mình nắm bắt sâu hơn về nội dung các văn bản này thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền phổ biến. Song song đó, Công đoàn cũng mời chuyên gia tư vấn cùng rà soát lại toàn bộ chính sách nhân viên, đưa ra những đề xuất, kiến nghị những điểm quan trọng về lương thưởng và phúc lợi gắn với công bằng và hiệu quả hoạt động ngắn hạn và dài hạn của công ty.
Ngoài ra, Công đoàn còn đề xuất với lãnh đạo công ty thực hiện chủ trương tiếp cận VHDN theo hướng phát triển con người, gắn với hiệu quả và hài hòa quyền lợi các bên liên quan; tổ chức thi đua khen thưởng theo hướng tập trung vào hiệu quả, khuyến khích tính sáng tạo trong toàn tổ chức, tạo cơ hội cho người lao động thể hiện chính mình và làm công cụ để tăng sự gắn kết; đề xuất chuyển đổi từ quy chế đào tạo thành quy chế học tập và phát triển, xây dựng nên văn hóa học tập cho tổ chức để đảm bảo việc học tập là bền vững. Công đoàn cũng đồng thời góp ý về khía cạnh thực thi chính sách để tăng tính đồng lòng ngay từ khi lập kế hoạch đến khi thực hiện, đảm bảo sự hài hòa lợi ích cho cả công ty và người lao động. Đó đều là những đề xuất, kiến nghị có chiều sâu và mang tính quyết định mà Công đoàn PVCFC sử dụng như những nguyên tắc để đối thoại và thương thảo vào những chính sách, nhằm đem lại môi trường làm việc hiệu quả, bền vững và hạnh phúc cho người lao động.
Tập thể lãnh đạo, CBNV Phân bón Cà Mau tham gia giải chạy Hậu Giang Marathon 2020. |
Theo tôi, với xu hướng hiện nay, khi xã hội phải đối mặt với bối cảnh VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ), mô hình hoạt động của công đoàn nếu được vận dụng trong việc quản lý điều hành công ty sẽ rất có khả năng thể hiện được tính ưu việt của nó. Bởi lẽ ở cách thức này, khoảng cách giữa người với người sẽ được rút ngắn, gần gũi và thấu hiểu nhau hơn; nhân tố con người sẽ là trung tâm, mọi hoạt động đều hướng tới niềm vui, hạnh phúc của người lao động; từ đó trong mỗi cá nhân sẽ nảy sinh sự gắn bó, đoàn kết, sẻ chia cùng tập thể, cùng hướng tới những mục tiêu tốt đẹp hơn.
Tôi cũng cảm nhận được chương trình “Làm mới bản thân mỗi ngày” mà Phân bón Cà Mau đang thực hiện đã và đang tạo nên được hiệu ứng rất tích cực trong tập thể CBNV, NLĐ. Qua làm mới mỗi ngày, chúng tôi có được cảm giác vui tươi, phấn chấn, làm việc hiệu quả và hạnh phúc hơn; phát hiện ra thêm nhiều tiềm năng của bản thân và thấy yêu mình hơn, có quyền tự do lựa chọn hơn. Một ví dụ nhỏ để minh chứng, rất nhiều CBNV – NLĐ Phân bón Cà Mau thông qua làm mới mỗi ngày đã có được sự tự tin để tham dự giải marathon cự ly 42 km, điều mà trước đây ít ai dám nghĩ rằng mình có thể làm được.
Qua đó, tôi muốn khẳng định một điều, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có những tiềm năng mà chính mình không hề hay biết. Chỉ khi hết mình kiên trì rèn luyện theo nguyên tắc, cùng với một môi trường điều kiện thuận lợi, chúng ta mới khám phá được những tiềm năng vô cùng lớn của mình. Tương tự trong một doanh nghiệp, khi người lãnh đạo tin tưởng rằng tất cả nhân viên, NLĐ của mình đều sở hữu những tiềm năng vượt trội, vai trò lớn nhất của người lãnh đạo ấy lúc này là kiến tạo nên môi trường, điều kiện để những tiềm năng ấy có cơ hội được bộc lộ. Như vậy, đó không chỉ là một môi trường văn hóa doanh nghiệp được xây dựng bởi niềm tin, sự chia sẻ, tính nhân văn, mà còn là một doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân sự giàu năng lực, đầy tự tin và sẵn sàng dấn thân, cống hiến hết mình cho sự phát triển của công ty./.
Trúc Lâm (lược ghi)