Sau bảo dưỡng tổng thể, vấn đề tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng, cải tiến kỹ thuật… để Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất tăng tốc phát triển là nhiệm vụ hàng đầu. Đứng trước những thách thức đó, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang khẩn trương ứng dụng các tiến bộ và giải pháp kỹ thuật vào sản xuất để gia tăng giá trị kinh tế cho nhà máy.
Tối ưu hóa sản xuất
NMLD Dung Quất đã trải qua 630 ngày đêm liên tục vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả kinh tế, tính từ thời điểm kết thúc đợt bảo dưỡng lần I vào tháng 8-2012 đến tháng 4-2014. Các nhà bản quyền công nghệ UOP (gồm Phân xưởng xử lý Napttha bằng Hydro, Phân xưởng Reforming xúc tác và Phân xưởng đồng phân hóa Naphtha nhẹ), Axens (gồm Phân xưởng Cracking xúc tác và Phân xưởng xử lý dầu căn nhẹ bằng Hydro), Merichem (Phân xưởng xử lý Kerosen, Phân xưởng xử lý Naphtha từ RFCC, Phân xưởng xử lý khí hóa lỏng và Phân xưởng trung hòa kiềm), SINI (Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh)… đã đánh giá cao thành công này, vì đây là “kỳ tích” hiếm có trên thế giới.
Theo kế hoạch nửa đầu năm 2014, NMLD Dung Quất hoạt động với 97% công suất thiết kế. Tuy nhiên, thực tế nhà máy hoạt động ổn định với công suất tối ưu đạt 99,6% nên sản lượng sản xuất vượt 20% – tương ứng với 500.528 tấn; sản lượng tiêu thụ vượt 15% – tương ứng 363.095 tấn. Từ giữa tháng 8-2014, NMLD Dung Quất đã chạy ở 105% công suất và sẽ duy trì đến hết năm 2014. Lần đầu tiên sau hơn 5 năm vận hành, nhà máy chạy ở công suất trên. Theo đó, BSR tiếp tục đánh giá điều kiện kỹ thuật để tiến tới nâng công suất lên 110%. Khi đạt công suất trên, BSR sẽ phải tính tới việc đa dạng nguồn dầu thô và tính kinh tế sau hơn 4 tháng hoạt động ở 105% công suất.
Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc (phải) kiểm tra trên công trường NMLD Dung Quất
Nguồn dầu thô chất lượng, giá phù hợp và ổn định là yêu cầu cấp thiết của NMLD Dung Quất. Thời gian qua, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có những bước đi quyết liệt nhằm củng cố nguồn dầu thô và khả năng cung ứng dầu thô cho nhà máy. Hiện nhà máy đang sử dụng 3 loại dầu thô trong nước, gồm: Bạch Hổ, Đại Hùng và Tê Giác Trắng. Dầu Bạch Hổ có chất lượng tốt nhất thế giới, tuy nhiên giá cao và nguồn cung tương lai sẽ giảm. Dầu Đại Hùng và Tê Giác Trắng sẽ bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Bạch Hổ nhưng 2 nguồn dầu này cũng không phải là phương án lâu dài cho nhà máy. Được biết, 7 tháng qua, khối lượng dầu Bạch Hổ đã nhập đạt khoảng 2,2 triệu tấn, chiếm 2/3 lượng dầu đã nhập. Dầu Đại Hùng đã nhập hơn 257 nghìn tấn, dầu Tê Giác Trắng nhập hơn 544 nghìn tấn. Đặc biệt, tháng 3-2014, BSR đã ký phụ lục ủy thác nhập khẩu dầu thô Azeri của Socar, khối lượng nhập khoảng 4 lô/năm. Cuối tháng 8 vừa qua, BSR đã nhập 1 triệu thùng dầu Azeri bằng tàu Suezmax – nguồn dầu thô giá rẻ hơn, dồi dào hơn từ Azerbaijan.
Việc nâng cấp phao rót dầu không bến (SPM) không chỉ tiết kiệm cho BSR 20 triệu USD/năm chi phí vận chuyển dầu thô (được tính vào giá dầu thô) mà còn đa dạng hóa dầu thô từ Trung Đông, Liên bang Nga. Phao SPM sẽ đón nhận những chuyến tầu xuyên đại dương cung cấp dầu thô cho nhà máy với chi phí thấp (cả dầu lẫn phí vận chuyển).
Một dự án đón đầu xu hướng sử dụng nguyên liệu ngoại chính là Dự án đầu tư xây dựng phân xưởng thu hồi lưu huỳnh công suất 13 tấn/ngày để tăng cường chế biến các loại dầu thô nhập khẩu chất lượng thấp hơn nhưng giá thành rẻ hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn. BSR đã ký hợp đồng EPC với nhà thầu JGC (Nhật Bản) với thời gian xây dựng 22 tháng – ngắn hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu là 25 tháng. Như vậy, tháng 10-2015, phân xưởng sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Trong tối ưu hóa sử dụng năng lượng, NMLD Dung Quất sẽ hoàn thiện việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu tối ưu hóa năng lượng cho toàn bộ nhà máy vào tháng 10 tới. Các phần việc bao gồm đánh giá thực trạng hệ thống quản lý, giám sát tiêu thụ năng lượng; thực trạng tiêu thụ năng lượng, xác định các cơ hội tối ưu hóa không yêu cầu chi phí đầu tư hoặc chi phí nhỏ. Dự kiến việc tối ưu hóa này cho phép giảm Chỉ số tiêu thụ năng lượng (EII) 100-101 như hiện tại xuống còn 97-98, tương đương tiết kiệm 7-10 triệu USD/năm. 3 năm tới, khi triển khai đợt bảo dưỡng tổng thể lần 3, BSR sẽ tiếp tục đầu tư cải hoán hệ thống năng lượng của NMLD Dung Quất để tiếp tục giảm EII xuống dưới 90.
Giải pháp tiêu thụ sản phẩm
Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng thực tế xuất bán sản phẩm xăng dầu gồm dầu DO, Mogas 95, Mogas 92, Jet A-1 là hơn 3 triệu tấn. Nhìn chung tình hình tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của hầu hết khách hàng đảm bảo với khối lượng đã đăng ký. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm khí hóa lỏng (LPG), polypropylene, xăng E5 là khó khăn hơn cả.
Với LPG, nhu cầu thị trường nửa đầu năm 2014 là yếu. Giá LPG trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh từ 1.162,5USD/tấn (cuối năm 2013) còn 807,5USD/tấn – làm cho việc tiêu thụ LPG Dung Quất càng gặp nhiều khó khăn hơn. Giai đoạn những tháng cuối năm nay dự báo giá LPG lại tiếp tục biến động và có xu hướng giảm sẽ tạo áp lực lớn trong việc tiêu thụ khối lượng LPG sản xuất vượt kế hoạch. Mặc dù vậy, BSR đã đề ra nhiều biện pháp để tiêu thụ sản phẩm LPG như làm việc với khách hàng để tiêu thụ sản phẩm đã đăng ký mua. Trong thời gian tới, nhà máy sẽ hoạt động ở công suất cao hơn thiết kế nên việc tiêu thụ sản phẩm LPG cần tiếp tục được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hỗ trợ. BSR kiến nghị các cấp có sự điều tiết vĩ mô đối với công tác cân đối nguồn hàng trong nước tự sản xuất và nguồn hàng nhập khẩu.
Phân xưởng sản xuất polypropylene mỗi năm tạo ra doanh thu 170-200 triệu USD, lợi nhuận trên 15 triệu USD. Hơn thế, nguyên liệu đầu vào của phân xưởng là khí hóa lỏng propylene được lấy từ NMLD Dung Quất. Propylene trộn với hydrogene và xúc tác để sản xuất ra trên 30 loại sản phẩm nhựa khác nhau – những sản phẩm trước đây Việt Nam phải nhập khẩu 100%. Tình hình tiêu thụ sản phẩm polypropylene cũng gặp khó do năng lực sản xuất vượt kế hoạch sau kỳ bảo dưỡng thành công. BSR đã chủ động xuất bán khối lượng vượt kế hoạch cho các khách hàng có hợp đồng dài hạn. BSR cũng đang nghiên cứu phương án hợp tác với Total để đa dạng hóa sản phẩm nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất của phân xưởng polypropylene.
Trong khi đó, mặc dù Quảng Ngãi có 150 cửa hàng xăng dầu đã kinh doanh xăng E5 nhưng khối lượng bán ra không cao. BSR kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giá bán ưu đãi cho sản phẩm xăng E5 để khuyến khích sản xuất ethanol.
Từ những giải pháp đồng bộ trên, BSR kỳ vọng sẽ đưa NMLD Dung Quất vận hành ổn định và hiệu quả cao nhất, trong khi chi phí quản lý, nhiên liệu, xúc tác, hóa phẩm… không thay đổ hoặc có xu hướng giảm.
NMLD Dung Quất còn áp dụng một số giải pháp, kiến nghị trong sản xuất: Giải pháp: BSR đang triển khai công tác thiết kế, mua sắm cho dự án ứng dụng điều khiển cao cấp cho cụm phân xưởng RFCC và CDU (những phân xưởng quan trọng bậc nhất nhà máy). Đồng thời, các chuyên gia tư vấn Shell Globle Solution đang triển khai việc đánh giá thực trạng hệ thống quản lý, giám sát và vận hành phân xưởng RFCC. Theo đó, cải thiện và nâng cao khả năng kiểm soát, giám sát của hệ thống, năng lực các nhân sự… là nhiệm vụ cần đạt được. Kiến nghị: Ban hành cơ chế ưu tiên cho BSR được mua theo giá thị trường dầu thô thuộc phần của nước chủ nhà trong hợp đồng phân chia sản phẩm. Đồng thời, BSR kiến nghị các cấp thẩm quyền chỉ đạo các công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu ưu tiên ký hợp đồng mua dầu DO 0.05% lưu huỳnh của NMLD Dung Quất để cung cấp khách hàng trong nước thay vì nhập khẩu. |
Đức Chính