01/03/2018 3:52:28

NMLD Dung Quất: Khi con người là giá trị cốt lõi

Nhiều vị lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thường ví von “Mỗi kỹ sư ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có giá trị như vàng ròng, trọng lượng bằng… chính họ”. Điều kỳ lạ ấy lại là nỗi thường tình nếu soi chiếu vào số tiền bỏ ra để đào tạo một kỹ sư lành nghề và những lợi ích có khi đến hàng trăm tỉ đồng từ sáng kiến sáng tạo trong lao động mà họ tạo ra.

Để một công nhân có thể thực hiện công việc vặn một cái van trong nhà máy lọc dầu (NMLD), người công nhân ấy phải được đào tạo ít nhất 2-3 năm. Một kỹ sư ngồi ở phòng điều khiển trung tâm của nhà máy tham gia quá trình vận hành nhà máy cũng cần có 4-6 năm học tập, đi đào tạo trong nước, ngoài nước và thực hành hiện trường. Đó là yêu cầu bắt buộc bởi tính chất đặc thù ngành nghề lọc dầu vô cùng khắt khe, theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi công nghệ của NMLD Dung Quất đều do các nước G7 chế tạo, vì vậy trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ, kỹ sư cũng cần phải… G7. Bên cạnh chính sách chung của PVN, của công ty, Công đoàn Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) luôn luôn khuyến khích người lao động phát huy truyền thống của “Những người đi tìm lửa”, tiên phong, sáng tạo trong lao động sản xuất với tiêu chí: “Cái gì có lợi cho công ty thì hết sức làm”.

Lãnh đạo PVN thăm Phòng Điều khiển Trung tâm NMLD Dung Quất

Trong 8 năm vận hành NMLD Dung Quất, BSR đã thực hiện 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 128,9 triệu USD; 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác. Trong số những giải pháp kỹ thuật thì giải pháp “Tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của nhà máy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, khoảng 12,6 triệu USD/năm. Các kỹ sư của BSR đã từng bước nghiên cứu, phân tích đánh giá các điểm ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm từ đó xây dựng quy trình tính toán tối ưu kế hoạch vận hành. Những nghiên cứu này đã giúp BSR chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất tối ưu trong điều kiện dầu thô chế biến ngày càng đa dạng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Lao động sáng tạo không chỉ giới hạn trong một phong trào do công ty, công đoàn công ty phát động hằng năm mà nó đã trở thành nhu cầu tự thân của toàn thể CBCNV BSR.

Những sáng kiến ấy giúp NMLD Dung Quất hoạt động liên tục, an toàn ổn định ở 107% công suất, đóng góp ngân sách quốc gia đến nay trên 7 tỉ USD, lợi nhuận lũy kế sau thuế đã vượt con số 15 nghìn tỉ đồng. Người lao động được hưởng mức lương tốt, phúc lợi xã hội đảm bảo và từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của phát triển thịnh vượng. Nó tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín, nhiều doanh nghiệp hiện nay trong ngành Dầu khí cũng nhìn nhận BSR là một trong những công ty có chế độ tốt nhất cho người lao động. Vòng khép kín ấy là: Chủ động – Sáng tạo – NMLD hoạt động công suất cao, an toàn, hiệu quả cao – Lợi nhuận tốt – Phúc lợi tốt – Người lao động được chăm lo tốt – Gắn bó, yêu Nhà máy – Sáng tạo không ngừng…

NMLD Dung Quất vừa thực hiện bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 3 trong vòng 51 ngày bao gồm công tác dừng nhà máy, chuẩn bị các điều kiện để tiến hành bảo dưỡng, triển khai bảo dưỡng nhà máy, khởi động lại nhà máy. Trong quá trình thực hiện BDTT có 220 sáng kiến cải tiến, ước tính hiệu quả kinh tế đem lại 397 tỉ đồng. Trong đó có 50 sáng kiến cải tiến quan trọng quyết định trực tiếp đến an toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí thực hiện BDTT và 170 sáng kiến nhỏ góp phần nâng cao hiệu quả của BDTT lần 3. Hiệu quả rõ nét nhất là tổng chi phí BDTT lần 3 đã giảm hơn so với lần 2 khoảng 8 triệu USD.

“Cái nôi nuôi dưỡng tài năng”

“Xuất khẩu” chất xám đang là một điểm sáng của BSR. Hay nói cách khác, một kỹ sư giỏi không chỉ là vốn quý của một NMLD, trung tâm đào tạo, trường học mà tài năng quý đó được sử dụng hiệu quả ở nhiều nơi thông qua các hình thức như hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn, biệt phái một thời gian, trao đổi chuyên gia… Điển hình cho hoạt động này là sự hỗ trợ của BSR cho Tổ hợp Lọc – Hóa dầu Nghi Sơn, BSR đã cử rất nhiều cán bộ hỗ trợ từ giai đoạn thiết kế, nghiệm thu thiết kế, xây lắp, chuẩn bị chạy thử và sắp tới là vận hành thương mại. Trường hợp chị Lê Thị Phương Trang, Ban Quản lý Chất lượng là một minh chứng sống động nhất mà Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã “mời về” hỗ trợ từ tháng 6-2015 đến tháng 6-2016.

Kỹ sư Lê Thị Phương Trang kiểm tra các thông số thí nghiệm tại Phòng Thí nghiệm BSR

Nhiệm vụ chính của Lê Thị Phương Trang tại NSRP là phân tích tài liệu EPC phần liên quan đến Phòng Thí nghiệm; xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng các sản phẩm của nhà máy, đặc biệt là nhiên liệu phản lực Jet – A1; xây dựng hệ thống quy trình, hướng dẫn công việc theo ISO/IEC 17025; biên soạn tài liệu hướng dẫn phân tích và vận hành thiết bị cho các chỉ tiêu phân tích dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ; hỗ trợ các công tác liên quan đến tính pháp lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu và đào tạo nhân viên. Những công việc ấy chỉ gói gọn trong vài dòng chữ nhưng quả thực cần ở người kỹ sư một chuyên môn rất cao, ngoại ngữ giỏi, khả năng làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là kinh nghiệm quý từ Dự án NMLD Dung Quất.

Anh Nguyễn Tấn Nhật đã đào tạo về công tác an toàn cho nhân sự của NSRP tại Trường Cao đẳng Dầu khí (PVMTC) từ tháng 8-2015 đến tháng 11-2015. Chương trình đào tạo an toàn cho nhân sự phòng thí nghiệm, thương mại và vận hành của NMLD Nghi Sơn bao gồm: nhận diện mối nguy trong NMLD và biện pháp kiểm soát; an toàn điện; phương tiện bảo vệ cá nhân; an toàn phòng thí nghiệm; hành vi dựa trên an toàn; bảo vệ thính giác; an toàn hóa chất.

BSR đang có bước đi chiến lược để nâng cấp, mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên sản phẩm hóa dầu có giá trị kinh tế cao. Đội ngũ người lao động BSR, luôn luôn chủ động học tập và phát triển để hiện thực hóa ước vọng vươn ra biển lớn đã rất cận kề.

Anh Nguyễn Tấn Nhật nhớ lại: “Chương trình đào tạo này được xây dựng cho nhân sự mới tuyển dụng của NMLD Nghi Sơn và yêu cầu đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh theo giáo trình của NSRP và PVMTC dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ quản lý đào tạo bên NSRP nên giảng viên gặp khá nhiều áp lực và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao trong cách đào tạo, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, nhân sự được tuyển dụng có trình độ rất cao, đã từng trải qua kinh nghiệm làm việc cũng như được trả lương khi đi học nên học viên cũng có những yêu cầu, thậm chí cố gắng đặt ra những câu hỏi, tình huống khó. Tuy nhiên, chính những áp lực và đòi hỏi đó mà mình có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu sâu về kiến thức chuyên môn, cũng như qua trao đổi với học viên mình cũng học hỏi thêm được những thông tin, kiến thức mới”.

Ngoài ra qua những lần đào tạo bên ngoài, bản thân anh thu nhận được khá nhiều điều, đó chính là sự tự tin, kinh nghiệm và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Hiện tại, BSR có anh và anh Nguyễn Quang Hưng – Phó trưởng ban An toàn Môi trường BSR là 2 nhân sự thi đạt được chứng chỉ quốc tế về an toàn của Tổ chức NEBOSH (Anh) cấp.

Những kiến thức, kinh nghiệm mà những kỹ sư như anh Nhật, chị Trang thu nhận được vừa là động lực để họ nâng cao trình độ, tiến dần lên các vị trí chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Họ thổi vào hồn người thợ lọc dầu ý chí học tập mãnh liệt, tinh thần vươn ra biển lớn chiếm lĩnh tri thức và mang phong thái làm việc chuyên nghiệp về với NMLD Dung Quất.

Kỹ sư vận hành tại Phòng Điều khiển Trung tâm NMLD Dung Quất

Chuyên gia chuẩn quốc tế

Vươn ra biển lớn, trở thành công ty tầm cỡ ở khu vực là tầm nhìn, là nhiệm vụ của BSR. Để làm được điều đó, con người là yếu tố quyết định. Vậy làm thế nào để có được những chuyên gia giỏi theo chuẩn quốc tế làm trụ cột và động lực cho sự phát triển của BSR?

Để làm được điều đó, Hội đồng Thành viên BSR ra Nghị quyết 2562/NQ-BSR ngày 25-9-2012 phê duyệt dự án tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia của BSR. Số lượng chuyên gia cần đào tạo là 44 chuyên gia, thời gian đào tạo từ quý IV/2012 đến năm 2025. Mục tiêu của dự án này là tổ chức tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất, các chuyên ngành trong công ty; có kinh nghiệm và có khả năng dự báo, xử lý sự cố, tình huống phức tạp ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả cho công ty; dần thay thế, giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài và tiết kiệm chi phí cho công ty.

Chuyên gia Nguyễn Trung Kiệt giám sát, tư vấn một bảo dưỡng nhỏ tại Phân xưởng Polypropylene

Phát triển một nhân sự kỹ thuật lành nghề là hết sức công phu với khoản đầu tư không hề nhỏ, phát triển một nhân sự tầm cỡ chuyên gia quốc tế đòi hỏi gấp nhiều lần như thế.

Kỹ sư Nguyễn Trung Kiệt, Ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR là 1 trong 7 chuyên gia đầu tiên của BSR cho biết: Các ứng viên được sơ tuyển qua các ban chuyên môn rồi trải qua kỳ thi tuyển đầu vào của Chương trình phát triển chuyên gia. Kỳ thi đầu vào gồm có kiểm tra trí thông minh (IQ testing), thi chuyên môn bằng tiếng Anh, thi tiếng Anh. Kỳ thi này cần phải đạt mức điểm cần thiết, nhất là phần chuyên môn phải vượt qua được các ứng viên khác và đạt điểm tối thiểu để trở thành “hạt giống”, để công ty đặt niềm tin vào khoản đầu tư rất lớn, để một hành trình được bắt đầu.

Sau đó là trải qua kỳ sát hạch của các chuyên gia đến từ Tập đoàn Petronas (Malaysia). Kỳ thi này phải trả lời trực tiếp (face to face) các câu hỏi do chuyên gia quốc tế (đến từ Petronas, Shell Global, BP) đưa ra. Các câu hỏi liên quan đến tất cả các vấn đề của chuyên ngành đo lường và điều khiển (anh Kiệt theo đuổi chuyên ngành tự động hóa) và cả các năng lực bổ trợ cho chuyên ngành tự động hóa bao gồm: các kiến thức về nguyên lý thiết kế, chế tạo, lựa chọn thiết bị đo lường, điều khiển, các vấn đề về an toàn cháy nổ, chống sét, các kiến thức về điều khiển quá trình, cấu trúc các hệ thống điều khiển và nguyên lý hoạt động… Vòng thi này khá căng thẳng và khó khăn vì các chuyên gia nước ngoài là những người giàu kinh nghiệm, là chuyên gia của các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới, các câu hỏi đặt ra là hóc búa và rất sâu về chuyên môn. Và đặc biệt, ứng viên phải trả lời bằng tiếng Anh. Vòng sát hạch này sẽ chỉ ra những điểm còn non cần học hỏi và phát triển của ứng viên và đề ra lộ trình học hỏi, rèn luyện để đạt yêu cầu.

Khi đã qua vòng phỏng vấn thứ nhất thì sẽ đến tiếp vòng phỏng vấn thứ hai cũng do các chuyên gia quốc tế thực hiện. Vòng này về cơ bản là giống lần phỏng vấn đầu tiên về các năng lực cần đo, ở vòng này, chuyên gia sẽ đo lường năng lực thực của ứng viên với quy định về năng lực của chuyên gia. Do đó kiến thức sẽ sâu hơn, bao gồm các vấn đề về tính toán năng lượng, thiết kế hệ thống tự động hóa cho nhà máy, điều khiển nâng cao… và các câu hỏi xoáy sâu vào thực tế, so sánh kiến thức kỹ năng của ứng viên với kiến thức, kỹ năng mà chuyên gia quốc tế đang áp dụng để đảm bảo rằng, năng lực của chuyên gia là thực và sử dụng hiệu quả ở tầm quốc tế.

Vượt lên được các thử thách nêu trên thì ứng viên sẽ có các điều kiện cần để công nhận là chuyên gia của BSR, điều kiện đủ là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0, số lượng và tầm cỡ của các sáng kiến cải tiến, thực hiện thay đổi trong nhà máy (MOC), hoàn thành công việc theo KPI.

Sau 4 năm liên tục rèn luyện và theo đuổi thì đến cuối năm 2016, BSR đã có những chuyên gia đầu tiên gồm Nguyễn Trung Kiệt, Nguyễn Thành Tâm (Bảo dưỡng sửa chữa), Nguyễn Trọng Tuyên, Đỗ Đức Nhuận (Điều độ sản xuất). Năm 2017, có 3 tân chuyên gia gồm Thái Tiến Toàn (Vận hành sản xuất); Võ Hoàng Vũ (Nghiên cứu Phát triển); Lê Xuân Hiển (Bảo dưỡng sửa chữa).

Khi đã trở thành chuyên gia của BSR thì chế độ đãi ngộ rất tốt, bậc 1 chuyên gia chế độ tương đương phó trưởng ban bậc 1; bậc 5 chuyên gia chế độ đãi ngộ sẽ rất cao và đặc biệt là chuyên gia thì được toàn tâm toàn ý làm công việc chuyên môn mạnh nhất của mình.

“Bản thân tôi rất tự hào là một trong những chuyên gia đầu tiên của BSR, mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công ty, truyền lại kiến thức cho các đồng nghiệp, đào tạo đội ngũ nhân viên bảo dưỡng sửa chữa lành nghề, có kiến thức sâu rộng về ngành nghề, khẳng định vị trí đầu tàu của BSR trong ngành lọc hóa dầu tại Việt Nam và đủ sức tiến ra biển lớn, hội nhập, hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới” – chuyên gia Nguyễn Trung Kiệt chia sẻ.

Đức Chính