Làm việc tại Công ty Liên doanh Điều hành Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC) từ năm 2008, kỹ sư Nông Chí Phương là người đã tham gia quản lý, vận hành hoạt động khai thác, bảo trì bảo dưỡng mỏ Sư Tử Vàng và các giàn vệ tinh đạt thành tích 15 năm an toàn liên tiếp. Anh cũng là một trong những giàn trưởng trẻ tuổi nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) khi bắt đầu đảm nhiệm vị trí giàn trưởng ở tuổi 33.
1. Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Khoan và khai thác dầu khí với tấm bằng loại ưu, năm 2003, Nông Chí Phương bắt đầu công tác trong ngành Dầu khí với khởi đầu là một kỹ sư bảo trì thiết bị dầu khí. Năm 2004, anh bắt đầu cuộc hành trình đi biển của mình trên tàu FPSO Rạng Đông 1, sau đó chuyển sang là kỹ thuật viên vận hành khai thác trên giàn Rồng Đôi KNOC.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương kể, 18 năm gắn bó với ngành Dầu khí, đối với anh chính là một cơ duyên. Bởi vì ban đầu, anh chỉ có suy nghĩ rất đơn giản rằng, đây là một ngành có thu nhập cao và nhiều cơ hội. Vậy nên, những năm đầu sau khi ra trường, anh thay đổi công việc liên tục để tìm kiếm cho mình những môi trường làm việc tốt hơn. Cho đến khi trở thành thành viên của Cửu Long JOC, anh bắt đầu nhận rõ được cơ hội phát triển của mình.
Công việc tại Cửu Long JOC như một guồng máy khổng lồ mà muốn nắm bắt được thì không có cách nào khác là nỗ lực tích góp kinh nghiệm từ thực tế trên giàn, cũng như từ việc nghiên cứu trên các mô hình khai thác khác nhau. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tiên tiến, như cá gặp nước, kỹ sư trẻ Nông Chí Phương ngày càng nung nấu ý chí tự học hỏi để làm chủ công nghệ khai thác dầu khí hiện đại của nước ngoài.
Tham gia quá trình xây dựng, chạy thử và nhận chuyển giao Giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng CPP ở Batam Indonesia, năm 2008, Nông Chí Phương chính thức tiếp nhận vị trí kỹ sư chính phòng điều khiển trung tâm của giàn. Chỉ sau 5 năm không ngừng học hỏi và nỗ lực, năm 2013, anh đã trở thành một trong những giàn trưởng trẻ tuổi nhất Petrovietnam khi bắt đầu đảm nhiệm vị trí giàn trưởng ở tuổi 33.
Giàn trưởng Nông Chí Phương, Công ty Liên doanh Điều hành Dầu khí Cửu Long |
2. Trong số những đơn vị thuộc khối thăm dò khai thác của Petrovietnam, Cửu Long JOC có thể nói là đơn vị có thành tích sản lượng lọt vào “top” đầu toàn Tập đoàn, với trên 400 triệu thùng dầu đã được khai thác tại cụm mỏ Sư Tử – mỏ dầu khí lớn thứ 2 Việt Nam. Giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng CPP là giàn xử lý trung tâm của Cửu Long JOC, cũng được xem là “bộ não” của toàn cụm mỏ Sư Tử. Giàn có chức năng tiếp nhận và xử lý dầu, khí và nước từ giếng trên giàn và các giếng trên các giàn đầu giếng vệ tinh, nhận khí và condensate từ giàn Sư Tử Trắng, với công suất thiết kế có thể xử lý 100 nghìn thùng dầu, 130 nghìn thùng nước và 160 triệu bộ khối khí một ngày.
Với đặc thù của cụm mỏ Sư Tử là có cả dầu và khí, vì vậy giàn Sư Tử Vàng CPP cũng có rất nhiều điểm khác biệt so với các giàn xử lý trung tâm khác. Công tác an toàn của giàn cũng chính là yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu. Là người quản lý, kiểm soát tất cả các hoạt động và công việc trên giàn, giàn trưởng Nông Chí Phương có trách nhiệm bảo đảm hai mục tiêu quan trọng hàng đầu là an toàn và hiệu suất vận hành luôn ở mức cao. Anh tiếp nhận ý kiến từ tất cả các bộ phận, đưa ra quyết định để khắc phục các sự cố nhanh nhất có thể tránh để xảy ra tai nạn ảnh hưởng con người và thiết bị cũng như tránh để dừng giàn ngoài kế hoạch. Bên cạnh đó, anh còn có nhiệm vụ làm việc với trưởng các bộ phận trên giàn và các phòng ban trong bờ để đưa ra kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trên giàn, triển khai các dự án; cũng như nghiên cứu đưa ra giải pháp, sáng kiến hoặc lựa chọn các giải pháp và sáng kiến từ các nhân viên ngoài biển và trong bờ để tiến hành khắc phục sự cố hoặc cải hoán thiết bị, hệ thống để nâng cao hiệu quả khai thác và tăng sản lượng cho Cửu Long JOC.
Ai đã từng làm việc trên công trình dầu khí biển đều hiểu rõ, đây là công việc nặng nhọc, vất vả và cực kì nguy hiểm. Một người thợ, kỹ sư hay nhân viên trên giàn phải làm việc 12 giờ/ngày, bất kể cuối tuần hay lễ, tết; đây đã là một thử thách lớn đối với bất kỳ người lao động dầu khí nào. Thế nhưng, đối với giàn trưởng thì thời gian làm việc có thể nói là 24/24, không kể ngày đêm. Khi có sự cố thì bất kể thời điểm nào, giàn trưởng cũng phải chỉ đạo và làm việc với các bộ phận liên quan để khắc phục sự cố nhanh nhất có thể, không để nguy hiểm và mất an toàn cho con người và thiết bị, bằng mọi cách khôi phục hoạt động khai thác để giảm thiểu mất sản lượng. Chưa kể giàn Sư Tử Vàng CPP đã có gần 15 năm hoạt động, các thiết bị và hệ thống đã dần xuống cấp, dễ gặp trục trặc và rò rỉ dầu khí. Đây là những áp lực lớn với người giàn trưởng, khi những nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, Nông Chí Phương và đồng nghiệp lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần và phương án để xử lý nếu sự cố đột ngột xảy ra.
Giàn Sư Tử Vàng CPP |
3. Trò chuyện với Phương, chúng tôi nhận thấy ở anh sự say mê công việc. Không mấy lời kể về bản thân, anh chỉ say sưa chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ cùng các anh em làm việc trên giàn. Như lần máy nén khí khai thác trên giàn CPP bị hư hỏng nặng. Nếu không thể khắc phục sớm thì toàn mỏ sẽ bị mất sản lượng rất lớn. Khi đó tất cả mọi người trên giàn đã làm việc 18 giờ liên tục. Là người lãnh đạo cao nhất trên giàn, Phương cảm nhận được rằng anh em đã gần như kiệt sức vì công việc nặng nhọc và thời tiết khắc nghiệt. Lúc đó, anh đã đề nghị tất cả mọi hãy nghỉ ngơi vài giờ để phục hồi sức khỏe rồi sau đó sẽ tiếp tục công việc. Thế nhưng, ngược lại với suy nghĩ của anh, tất cả anh em đều mong muốn tiếp tục làm việc với hy vọng chỉ thêm vài giờ nữa thôi, việc sửa chữa sẽ hoàn thành. Và với tất cả quyết tâm, nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân, cùng sự đồng lòng, phối hợp nhịp nhàng trong công việc, chỉ khoảng 2-3 giờ sau, các anh đã có thể đưa máy nén khí trở lại hoạt động an toàn và hiệu quả, giúp khôi phục lại hoạt động sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Một kỷ niệm khác là khoảng thời gian khi mới đưa giàn Sư Tử Vàng Đông Bắc (SVNE) vào hoạt động. Lúc đó, trên giàn SVNE đã xảy ra một sự cố cần phải đưa người lên giàn để giải quyết. Tuy nhiên, thời tiết lại vào mùa mưa bão, biển động rất mạnh. Giàn SVNE là giàn đầu giếng không người, không được thiết kế sân bay nên mọi hoạt động vận chuyển người hay tiếp tế thực phẩm đều bằng tàu dịch vụ.
Sau khi một số anh em di chuyển lên giàn để khắc phục sự cố thì sóng gió đột ngột lên cao, tàu dịch vụ không thể cập giàn được nữa. Lúc này, tất cả mọi người đã bị kẹt lại trên giàn với một số thức ăn và nước uống ít ỏi mang theo cùng.
Trong tình cảnh ngặt nghèo như vậy, các anh em kỹ sư đã không ngừng động viên nhau, gác lại nỗi lo để cố gắng khắc phục sự cố, giữ cho giàn được hoạt động an toàn, liên tục. Hơn một ngày trôi qua, thực phẩm đã hết, nước uống cũng cạn. Tình hình ngày một xấu đi. Nhưng rất may sau đó, các anh đã tìm được phương án tạm thời bằng cách thả dây xuống gần mặt biển, nhờ tàu Hải Quân chạy đến và treo túi thực phẩm vào đầu móc dây thừng để kéo lên.
“Điều mà tôi nhớ nhất là khi liên lạc với anh em trên giàn, mọi người vẫn không nao núng và lo sợ. Qua giọng nói, tôi có thể cảm nhận được sự vững tâm và tự tin nơi họ, mặc dù có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm trong thời điểm đó. Vài hôm sau thì thời tiết tốt hơn, chúng tôi đã có thể vận chuyển tất cả các anh em quay trở lại Giàn trung tâm Sư Tử Vàng an toàn” – anh Nông Chí Phương, lúc bấy giờ là Giàn phó giàn Sư Tử Vàng CPP, bồi hồi nhớ lại.
Giàn trưởng Nông Chí Phương và các đồng nghiệp trên giàn Sư Tử Vàng CPP |
Trong ánh nhìn của vị giàn trưởng tận tâm và trách nhiệm, tất cả cán bộ nhân viên, người lao động trên giàn Sư Tử Vàng đều luôn hết mình với công việc. Họ không kể giờ giấc, mệt mỏi hay vất vả, luôn luôn sẵn sàng đương đầu với những khó khăn và thử thách, cố gắng vượt qua những khó khăn nguy hiểm và khắc khiệt của môi trường làm việc trên biển. Tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi hoạt động sản xuất trên giàn được an toàn và hiệu quả.
4. Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 4/2021, Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cũng như Cửu Long JOC đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ứng phó khẩn cấp với những tình huống có thể xảy ra, trong đó có biện pháp tạm dừng đưa người ra các công trình để kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa nếu không quá cần thiết. Cộng với quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt, rất nhiều cán bộ của mỏ Sư Tử Vàng đã có thời gian làm việc liên tục kéo dài hơn bình thường rất nhiều. Thời điểm này, Nông Chí Phương và nhiều cán bộ nhân viên, người lao động Cửu Long JOC đã phải làm việc 3 tháng liên tục. Lúc đó, trong tâm trí anh chỉ có một suy nghĩ duy nhất: “Tuyệt đối không để Covid-19 lây nhiễm trên công trình biển. Không để những lo lắng về dịch bệnh ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của anh em”. Quan trọng nhất lúc này chính là công tác tuyên truyền, động viên anh em trên giàn hiểu và đáp ứng tuyệt đối các quy định an toàn của công ty, tránh các phản ứng thái quá và lo sợ gây mất an toàn trong sản xuất, luôn tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Cuối cùng, những “Người hùng bám biển” của Cửu Long JOC đã chiến thắng khó khăn, phát huy tinh thần vượt khó, thể hiện bản lĩnh những “Người đi tìm lửa”, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngành Dầu khí, bảo đảm hoạt động sản xuất khai thác dầu khí; giữ công trình hoạt động an toàn, liên tục.
Cán bộ nhân viên, người lao động Cửu Long JOC thực hiện nghi thức chào cờ trên giàn Sư Tử Vàng CPP. |
Tại Cửu Long JOC, thách thức khó khăn càng nhiều thì quyết tâm lại càng lớn, sức mạnh đoàn kết và tinh thần vượt khó cũng càng được thể hiện rõ nét hơn. Trong tim có nhiệt huyết của tuổi trẻ, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, Nông Chí Phương luôn nỗ lực là người “tiên phong”, gương mẫu đi đầu trong công việc, mọi lúc, mọi nơi. Được sự ủng hộ chỉ đạo sát sao của cấp trên và sự hỗ trợ hết mình của tập thể, các cấp Công đoàn, Giàn trưởng Nông Chí Phương cùng đồng đội đã luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao: quản lý và vận hành giàn Sư Tử Vàng và các giàn vệ tỉnh luôn luôn đạt vượt mức sản lượng đề ra kể từ năm 2008 đến nay, góp phần đưa Cửu Long JOC đạt được mốc 400 triệu thùng dầu vào ngày 11/11/2022.
Mặc dù đi giàn là công việc nhiều khó khăn và hiểm nguy không lường trước, nhưng đổi lại, Phương nhận thấy anh có được rất nhiều niềm vui trong công việc. Niềm vui khi khắc phục được sự cố, bảo vệ mọi người được an toàn, giữ cho hoạt động sản xuất liên tục không bị gián đoạn, những đêm không ngủ để hoàn thành tất cả các công việc và khởi động lại giàn trước tiến độ, những giây phút đưa giàn mới hoặc giếng mới vào khai thác, khi đón nhận những dòng dầu mới, nhìn thấy sản lượng tăng lên đáng kể… Đó là những niềm hạnh phúc khó kể hết bằng lời mà không phải ai cũng có được. “Không những vậy, tôi được làm việc ở một môi trường chuyên nghiệp với một tập thể đoàn kết và gắn bó, tất cả mọi người đều hết mình vì tập thể, vì công ty; được sự tin tưởng và quan tâm của lãnh đạo, luôn được lãnh đạo tôn trọng và lắng nghe khi đưa ra những ý tưởng và sáng kiến; được sự ủng hộ và giúp đỡ từ tất cả các phòng ban… Tất cả đã cho tôi có thêm nhiều động lực để làm việc lâu dài trên công trình khai thác dầu trên biển và gắn bó với Cửu Long JOC cho đến hôm nay” – Nông Chí Phương chia sẻ.
Lãnh đạo PVEP, Cửu Long JOC thăm và chúc Tết tập thể cán bộ nhân viên, người lao động giàn Sư Tử Vàng CPP. |
Với những thành tích xuất sắc trong lao động, 15 năm làm việc tại Cửu Long JOC là 15 năm liền Nông Chí Phương đều được khen thưởng Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, cùng nhiều bằng khen cấp Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVEP… Anh cho biết, những gì anh đã đạt được ngày hôm nay không chỉ nhờ kiến thức, sự nỗ lực của bản thân, đó còn là thành quả của cả một tập thể, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp rất sáng tạo của lãnh đạo Cửu Long JOC, nhờ môi trường làm việc vừa chuyên nghiệp vừa thân thiện. Với anh, Cửu Long JOC là mảnh đất lành để tận tâm cống hiến, là “ngôi nhà thứ hai” để anh em cùng nhau phát triển với niềm tự hào là người lao động Dầu khí Việt Nam/.
Trúc Lâm