Thời gian qua, những thành tựu mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đạt được, những đóng góp quan trọng và toàn diện đối với nền kinh tế đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Mặc dù vậy, ít người biết rằng, để đạt được những thành công đó, Petrovietnam đã và đang làm những gì, thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào?
Bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy trên các báo những thông tin về thành tích của Petrovietnam qua các kỳ tổng kết hàng năm, qua những sự kiện nổi bật của ngành Dầu khí, cũng có thể qua những đợt trao giải thưởng, khen tặng, tôn vinh. Tuy nhiên, khó có thể tìm được một thống kê về khối lượng công trình, dự án mà Petrovietnam đang vận hành và triển khai.
Đó là một khối lượng bề bộn về độ phức tạp, đa dạng về chủng loại, khổng lồ về quy mô, chắc chắn ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vì không có một ngành nào ở nước ta thực hiện bấy nhiêu công việc cùng một lúc.
Bạn đọc thử cùng quan sát từ một góc khác, những hình ảnh thực tế và “biết nói” từ một khâu trong chuỗi giá trị cốt lõi đó – khâu thượng nguồn.
Xử lý sự cố giàn khoan PVD-11 ở Sahara (Algeria)
Thông thường, một bản báo cáo chỉ riêng về công tác sản xuất kinh doanh của Petrovietnam chứa khoảng 32 ngàn từ, nghĩa là cỡ gần 60 trang đánh máy. Đó mới là liệt kê những đầu việc lớn, dự án trọng điểm và tóm tắt ngắn gọn tình hình. Cũng là đáp án ngắn nhất cho 7 chỉ tiêu kế hoạch mà Nhà nước giao Petrovietnam thực hiện là chỉ tiêu khai thác dầu thô, khai thác khí, sản xuất phân đạm urê, sản xuất xăng dầu, sản xuất điện, dịch vụ đầu khí và chỉ tiêu tài chính toàn Tập đoàn.
Công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Petrovietnam, hiện đang được triển khai tích cực ở cả trong nước và ngoài nước. Trước hết, phải nói rằng công việc tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí hiện nay là công việc mang tính quốc tế hóa rất cao, không một quốc gia nào có thể “làm tất – ăn cả” vì đầu tư rất lớn, độ rủi ro cũng cao theo tỷ lệ thuận.
3 mảng công việc chính của công tác tìm kiếm thăm dò là thu nổ địa chấn, minh giải tài liệu địa chấn; khoan thăm dò thẩm lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí. Nhiệm vụ của giai đoạn này là phát hiện, đánh giá và xác định nguồn tài nguyên dầu khí để chuẩn bị khai thác những năm tiếp theo. Hiện nay, có thể nói ở những khu vực thuận lợi, gần bờ chúng ta gần như đã hoàn tất công tác này, việc tìm kiếm thăm dò ở những vùng nước sâu xa bờ phức tạp hơn và tốn kém hơn rất nhiều.
Xin lấy một ví dụ để dễ hình dung, theo chuyên ngành xây dựng, khi xây nhà từ 9-10 tầng trở xuống, kiến trúc sư, kỹ sư bình thường có thể tính toán thiết kế và xây dựng được dễ dàng, nhưng với các tòa cao ốc từ 13 tầng trở lên lại là một câu chuyện khác, thiết kế khác, công nghệ xây dựng cũng khác và chi phí tăng theo tỷ lệ hoàn toàn khác.
Mỗi năm, Petrovietnam và các đối tác nước ngoài tiến hành hàng trăm mũi khoan, tỷ lệ trúng đích nếu đạt 30% đã là thành công. Một mũi khoan thăm dò, thẩm lượng mà ngành Dầu khí đang thực hiện có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu USD tùy theo vị trí và điều kiện. Thách thức lớn của giai đoạn này đầy rủi ro này là đánh giá các cấu tạo địa chất địa tầng, phân tích lựa chọn cửa sổ thời tiết, áp lực tiến độ và việc vận chuyển, sử dụng hợp lý các giàn khoan.
Thực tế cả trong nước ta và trên thế giới, không ít công ty đã phải bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí đang khai thác cũng đóng cửa mỏ vì không đánh giá đúng tiềm năng, trữ lượng, không đạt hiệu quả mong muốn. Rủi ro đầu tư là rất lớn, vì vậy việc tìm kiếm đối tác, đàm phán điều kiện đầu tư, thỏa thuận ăn chia sản phẩm là công tác quyết định quan trọng nhất quá trình tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí. Chỉ liệt kê sơ bộ các rủi ro và thách thức mà ngành Dầu khí đang phải đối diện bao gồm: rủi ro chính trị tại các khu vực bất ổn; rủi ro huy động vốn cho các dự án thăm dò tìm kiếm; rủi ro về giá vốn (chi phí khai thác, bảo hiểm, lãi suất…); rủi ro giá dầu, tỉ giá; rủi ro hoạt động (con người, quy trình, hệ thống). Thách thức trước việc buộc phải sử đầu tư ứng dụng công nghệ mới, gia tăng trữ lượng và sức ép chứng minh trữ lượng dầu khí; ngoài ra còn các trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Tiếp đến là giai đoạn phát triển khai thác dầu khí. Thông thường, thời gian phát triển một mỏ mới phải mất 7-10 năm, khó khăn thách thức không thua kém giai đoạn tìm kiếm thăm dò. Việc tìm kiếm, đa dạng hóa các hình thức thu xếp vốn, tận dụng tối đa các nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đảm bảo cân đối đủ vốn cho nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay trên thế giới.
Vốn đầu tư cho thăm dò khai thác dầu khí là rất lớn, một số liệu ví dụ, chỉ tính riêng nhu cầu đầu tư của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP – đơn vị chủ lực của Petrovietnam) trong giai đoạn 2011-2015 đã vào khoảng 16,5 tỉ USD, đó là chưa kể đến các liên doanh. Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng các dự án PVEP thực hiện và tham gia là 60 dự án dầu khí (trong đó có 43 dự án trong nước, 17 dự án ở nước ngoài) và 5 dự án điều tra cơ bản. Trong đó, riêng các dự án dầu khí do PVEP giữ vai trò nhà điều hành là 19 dự án, tham gia điều hành chung 15 dự án, tham gia góp vốn 26 dự án.
Một đơn vị khác là Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (thuộc Vietsovpetro) hiện quản lý 10 giàn cố định, 2 giàn công nghệ trung tâm, 10 giàn nhẹ, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa tại mỏ Bạch Hổ; 3 giàn cố định, 3 giàn nhẹ tại mỏ Rồng; 3 tàu chứa dầuvới tổng sức chứa hơn 0,45 triệu tấn; hệ thống đường ống ngầm dẫn dầu khí dưới biển dài trên 320km; căn cứ dịch vụ sản xuất trên bờ, các nhà xưởng, kho bãi bảo quản vật tư, thiết bị và phụ tùng cho công tác khai thác dầu khí ngoài biển. Hiện nay tổng quỹ giếng của xí nghiệp là 324, trong đó có 222 giếng dầu, 58 giếng bơm ép nước, 7 giếng quan trắc, 21 giếng đóng và 16 giếng hủy.
Một ví dụ để thấy những thách thức nhiều đến mức nào đối với một công trình dầu khí, đó là câu chuyện về thành công của Dự án Biển Đông-1, dự án quy mô lớn đầu tiên do phía Việt Nam tự thực hiện hoàn toàn với khối lượng chế tạo bằng 20% tổng khối lượng chế tạo của toàn ngành trong suốt 25 năm trước đã được nhiều chuyên gia kết luận: “Để kể hết về những khó khăn của Dự án Biển Đông-1 thì có lẽ phải in thành tuyển tập”.
Những thách thức mang tên “Dầu khí” nếu viết ra nữa quả thật hàng trăm trang không hết, từ vận chuyển kinh doanh khí đến chế biến dầu khí – lọc hóa dầu, xây dựng các công trình biển, xây dựng vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhà máy đạm, nhà máy xơ sợi, sản xuất nhiên liệu sinh học, dịch vụ kỹ thuật, kinh doanh xăng dầu, thương mại v.v…
Xin đưa ra 1 con số ấn tượng, con số có thể tự “nói” lên nhiều điều, vào thời điểm này, Petrovietnam đang thực hiện tới 17 công trình dự án trọng điểm cả trong nước và ngoài nước.
Nhiều bạn trẻ trong ngành Dầu khí từng nói: “Nếu chỉ xem báo cáo, số liệu về thành tựu hay đọc thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành trên báo chí, không thể hình dung hết được thực tế, chỉ khi đọc những bài phóng sự, chân dung, những cuốn sách như “Những người đi tìm lửa”… chúng tôi mới nhận thấy được thế hệ đi trước đã gian lao vất vả đến thế nào, mới hiểu được ngày nay ngành Dầu khí đang thực hiện những công việc cụ thể gì, điều đó chính là chất nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu nghề nghiệp và là động lực giúp chúng tôi vững bước vượt qua nhiều khó khăn trở ngại”.
Nguyễn Tiến Dũng