“Vinh quang Việt Nam” lần thứ X được tổ chức sáng ngày 13/7 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, do Báo Lao động và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương.
Với chủ đề “Vượt khó đi lên”, Vinh quang Việt Nam lần thứ X tôn vinh 26 tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đại diện cho những con người khắp mọi miền Tổ quốc. Trong số 26 tập thể và cá nhân được tôn vinh lần này, Tập đoàn Dầu khí VN có tới 3 đại diện (một tập thể và hai cá nhân, đó là Viện Dầu khí Việt Nam – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông; ông Đỗ Văn Khạnh, Tổng Giám đốc Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP)… Điều này cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tập đoàn Dầu khí luôn giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế đất nước và luôn có những tập thể và cá nhân điển hình. Dưới đây là thành tích của họ:
Viện Dầu khí Việt Nam, được thành lập từ ngày 22/5/1978 và là một trong 9 viện nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Với bề dày truyền thống, 35 năm qua Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị đi đầu trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch Dầu khí; tìm kiếm, thăm dò và khai thác Dầu khí; chủ trì và tham gia gần 370 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; đã xử lý và minh giải hàng trăm ngàn km tuyến địa chấn 2D, hàng chục ngàn km tuyến địa chấn 3D. Ngoài ra, Viện cũng đạt được nhiều thành công trong nhiều dự án nghiên cứu chung, hợp tác với các công ty, tổ chức hàng đầu nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Đối với công tác hoạt động Hóa – Chế biến dầu khí, phân tích thí nghiệm, Viện Dầu khí VN là đơn vị duy nhất cung cấp hầu hết các dịch vụ, phân tích mẫu cho các đơn vị hoạt động Dầu khí tại Việt Nam. Chất lượng đạt ngang tầm các nước trong khu vực. Hàng năm phân tích hàng chục ngàn mẫu đá, dầu, khí, nước cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, tiết kiệm cho Nhà nước hàng triệu USD chi phí do phải phân tích tại nước ngoài. Công tác đào tạo và phát triển nhân lực của Viện cũng đạt nhiều thành tựu. Cụ thể, Viện đã tổ chức đào tạo, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong và ngoài nước cho trên 6.300 lượt cán bộ CNLĐ. Hiện Viện đang đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật dầu khí – chương trình tiến sĩ chính quy đầu tiên do một đơn vị của Tập đoàn Dầu khí thực hiện.
Không những nổi bật trong công tác chuyên môn, Viện Dầu khí VN còn làm tốt công tác xã hội từ thiện, như chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn, mỗi năm trung bình ủng hộ khoảng 2 tỷ đồng cho các quỹ xã hội từ thiện. Với những thành tích nổi bật đó, Viện đã được tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 2012; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2008; hai lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ (năm 2010, 2012) cùng nhiều hình thức khen thưởng khác.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông. Trên cương vị là Tổng Giám đốc Công ty từ năm 2009 đến nay, ông Lâm đã trực tiếp phụ trách chỉ đạo Dự án Biển Đông 1 – Dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí nhằm bám sát tiến độ, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng các mục tiêu chính trị và kinh tế của dự án. Kết quả, dự án đã được triển khai an toàn, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và đưa dòng dầu khí đầu tiên vào bờ trong quý II năm 2013 (sớm hơn một năm rưỡi so với kế hoạch của nhà thầu đưa ra, đem lại giá trị làm lợi hàng ngàn tỷ đồng). Ngoài ra, ông Lâm còn chỉ đạo hoàn tất công tác chế tạo, hạ thủy, lắp đặt ngoài khơi giàn khai thác mỏ Mộc Tinh ngày 8/10/2011; giàn khai thác khí mỏ Hải Thạch ngày 26/6/2012, giàn xử lý trung tâm ngày 10/10/2012. Đây là các công trình biển lớn nhất, với mực nước sâu nhất, xa đất liền Việt Nam nhất. Việc hoàn thành các công trình này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành Dầu khí Việt Nam, đồng thời mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo đất nước Việt Nam. Để đơn vị không ngừng phát triển, ông đã khéo phát huy được sức mạnh của mỗi cá nhân thông qua việc tổ chức phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Nhờ đó mà doanh nghiệp có bước trưởng thành vượt bậc và người lao động có thu nhập ổn định ở mức khá cao.
Với những thành tích đã đạt được, ông Nguyễn Quỳnh Lâm đã được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2013; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 cùng nhiều Bằng khen của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Ông Đỗ Văn Khạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP), lại thành công trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp, chèo lái “con tàu” vượt qua khó khăn và đưa doanh nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt. Cụ thể, trên cương vị Chủ tịch của PVEP từ tháng 8/2010 đến tháng 1/2012, ông đã cùng với Ban Tổng giám đốc triển khai công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, bước đầu đã đạt hiệu quả tích cực, cắt giảm chi phí sản xuất và tinh gọn được bộ máy (sáp nhập các công ty điều hành trong nước và thành lập Công ty điều hành nước ngoài) đã tối ưu hóa các nguồn lực, đặc biệt là về mặt nhân lực vốn cấp thiết với PVEP. Đồng thời chủ động nghiên cứu tính khả thi trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015), từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch như: Định hướng mua mỏ dầu khí tiềm năng trong giai đoạn thăm dò và cả khai thác tại nước ngoài (Lô 39,67 Peru…) đảm bảo kế hoạch gia tăng trữ lượng cả giai đoạn 2011-2015 đạt 122 triệu tấn quy dầu và bù đắp phần nào sản lượng khai thác so với mục tiêu đến năm 2015 đạt 43,56 triệu tấn quy dầu.
Từ tháng 2/2012 đến nay, trên cương vị Tổng Giám đốc PVEP, ông cùng với Ban Tổng giám đốc thúc đẩy thực hiện thành công nhiệm vụ kế hoạch SXKD năm 2012, đồng thời ở cương vị điều hành trực tiếp ông đã tổ chức rà soát khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) cũng như chiến lược dài hạn của PVEP; xây dựng và thực hiện tốt đề án tái cấu trúc Tổng Công ty và triển khai nhanh chóng chuyển đổi và sáp nhập các công ty điều hành ở nước ngoài và trong nước thành 02 hạt nhân chính trong hoạt động điều hành dầu khí của PVEP là PVEP POC và PVEP Overseas, hoàn tất việc sáp nhập 02 công ty liên doanh điều hành chung Trường Sơn và Thăng Long JOC.
Để có chiến lược phát triển dài hạn, ông đã chủ động trong việc lập hệ thống quản lý danh mục đầu tư, từ đó cân đối nguồn lực, từng bước xây dựng các nền tảng vững chắc định hướng mở rộng đầu tư trong thời gian tới. Chỉ đạo xây dựng hệ thống đo lường hiệu quả nhằm kiểm soát mức độ hoàn thành nhiệm vụ với từng chỉ tiêu cụ thể, như tiến độ, chi phí…
Với sự chỉ đạo sát sao của cá nhân ông cũng như ban lãnh đạo, năm 2012, Tổng Công ty đã hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu, kế hoạch đã được Tập đoàn giao phó. PVEP tự hào đã tham gia đóng góp rất lớn vào ngân sách Quốc gia hàng năm, và đứng trong đội ngũ các nhà Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Với những thành tích đó, ông đã được tặng rất nhiều phần thưởng như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công thương, Chiến sĩ thi đua Bộ Công thương, Chiến sĩ thi đua cơ sở…
Trong không khí trang trọng của buổi lễ tôn vinh, giao lưu với khán giả, ông Đỗ Văn Khạnh đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc điều hành và quản lý doanh nghiệp vượt qua khó khăn để có những bước phát triển mạnh mẽ. Ông nói: “Những người làm công tác dầu khí chúng tôi coi mình như những người đi tìm lửa. Những người luôn có trong mình những khát vọng và đam mê để đảm bảo đưa doanh nghiệp phát triển đi lên và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Là đơn vị đặc thù chuyên tìm kiếm và thăm dò nên đòi hỏi chi phí rất cao, một giếng khoan có thể chi phí từ 20 đến 30 triệu USD cho nên nếu không tính toán chính xác sẽ bị tổn thất rất lớn, chúng tôi không cho phép có sai sót. Là lãnh đạo của Công ty khai thác dầu khí, tôi cùng với Ban lãnh đạo, người lao động trong công ty luôn nhắc nhở mình phải tiếp tục phát huy những thành quả mà các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm đi trước đã dày công xây dựng. Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo để Tổng Công ty tiếp tục phát triển đi lên vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm. Để làm tốt, chúng tôi cần phải động viên niềm đam mê, động viên khát vọng của lao động dầu khí – những người luôn luôn khát vọng để vượt khó đi lên nhằm tiếp tục phát huy truyền thống của những người đi tìm lửa, tiếp tục đưa Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí thành công hơn, đóng góp nhiều hơn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và đóng góp nhiều hơn cho đất nước Việt Nam chúng ta.
Biểu dương những đóng góp của những tập thể, cá nhân được tôn vinh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Vinh quang Việt Nam – vinh quang của đất nước được tạo nên từ chính sự đóng góp quý báu và sự hy sinh của mỗi người dân Việt Nam. Và chỉ có lòng yêu nước, yêu quê hương tha thiết, con người ta mới làm được những điều vinh quang đến thế. Tình yêu đó cũng chính là động lực mạnh nhất để giúp chúng ta thi đua hành động. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” được các thế hệ người dân Việt Nam thể hiện từ chính sự hy sinh quên mình, từ sự sáng tạo trong nghiên cứu, sự cần cù trong lao động và sự yêu thương đùm bọc, sẻ chia trong cuộc sống đời thường…” Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự khâm phục những tập thể và cá nhân được tôn vinh trong buổi lễ này: ”26 tập thể và cá nhân đang có mặt tại chương trình Vinh quang Việt Nam hôm nay đã làm nên những điều kỳ diệu giữa đời thường. Họ đã đem đến cho chúng ta niềm xúc động, tự hào. Chúng ta cảm phục họ: Những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang “tận trung với nước, tận hiếu với dân” âm thầm chiến thắng, những công nhân cầu đường, người thợ hầm lò luôn “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, là người thầy thuốc như mẹ hiền, người cán bộ lãnh đạo tài năng đức độ, là cựu chiến binh luôn sáng mãi phẩm chất “anh bộ đội Cụ Hồ”, là thương binh “tàn nhưng không phế”, là em học sinh nhỏ tuổi “chăm ngoan, học giỏi, dũng cảm quên mình cứu bạn”, là những doanh nhân thành đạt vừa có nhiều đóng góp cho đất nước, vừa có tấm lòng nhân ái, bao dung…”.
Khánh Linh