Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn quý báu dành cho giai cấp công nhân Việt Nam.
Khẳng định vai trò của giai cấp công nhân
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tình cảnh khốn khổ của người công nhân Việt Nam dưới chế độ thuộc địa là “làm khó nhọc mà chẳng được hưởng”. Người viết: “Như người thợ An Nam, làm ở mỏ than Hòn Gay, một ngày làm 11 giờ, đầu năm làm đến cuối, một ngày chỉ được 3 hào, ăn chẳng đủ ăn, mặc không có mặc, đau không có thuốc, chết không có hòm”. Trong bài thơ “Công nhân” trên báo Việt Nam Độc lập số 108 ra ngày 11-10-1941, Người cũng đã viết: “Thành ai đắp, lầu ai xây?/ Tàu kia ai đóng, than đây ai sàng?/ Bao nhiêu của cải kho tàng/ Ai đào bạc, ai luyện vàng mà nên?/ Công nhân sức mạnh nghề quen/ Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ/ Mà mình quần rách áo xơ/ Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm/ Lại còn đánh chửi tần phiền/ Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua/ Càng nghĩ lại, càng xót xa/ Vì ta mất nước, mà ta phải hèn/ Để cho Pháp, Nhật lộng quyền/ Thẳng tay bóc lột thợ thuyền nước ta!”.
Trong bài viết “Vì sao giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng?” trên Báo Cứu Quốc số 2284 ra ngày 2-3-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”.
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” viết vào tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để giành thắng lợi, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì nó là giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất. Mà Đảng vô sản là bộ tham mưu của giai cấp công nhân. Cách mạng ở Liên Xô và ở các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa đã chứng thực điều đó, không ai chối cãi được”.
Trong tác phẩm “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” viết năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Ngay từ lúc đầu, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Trong lúc đó giai cấp tư sản non yếu chỉ mong thoả hiệp với đế quốc để tìm một lối sống. Các tầng lớp tiểu tư sản tuy là sôi nổi, nhưng tư tưởng bế tắc, không có đường ra. Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”.
Những lời căn dặn chân tình
Chính vì lẽ đó, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn quý báu dành cho giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngày 21-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ (Hà Nội). Tại buổi gặp mặt thân tình này, Người đã căn dặn cán bộ, công nhân: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn Nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa”. Bên cạnh đó, Người cũng căn dặn: “Hiện nay, nước ta còn nghèo, đời sống của anh chị em công nhân còn chưa được đầy đủ. Đảng, Chính phủ và Bác đều lo nghĩ đến điều đó. Nhưng chúng ta cần nhận rõ giai cấp lao động là giai cấp lãnh đạo, nghĩa là giai cấp chịu khổ trước hết, đấu tranh mạnh hơn hết”.
Trong thư gửi đồng bào Hồng Quảng (Quảng Ninh) ngày 28-4-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nhắc nhở công nhân mỏ: “Anh em công nhân phải bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng và nâng cao sản xuất”.
Khi nói chuyện với công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất (Hà Nội) ngày 16-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở về mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ chính đáng của người lao động. Người nói thật giản dị: “Anh chị em phải nhận rõ ngày nay công nhân đã làm chủ nhà máy, phải làm sao xứng đáng với địa vị đó, phải ra sức làm cho nhà máy phát triển, thực hiện tăng gia sản xuất và tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tôn trọng kỷ luật lao động. Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khoẻ mạnh, thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”.
Ngày 24-4-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định. Nói chuyện với anh chị em công nhân, Người khen nhiều, nhưng cũng không tiếc lời chê. Người phê bình: “Trong nhà máy, công tác chính trị, vǎn hoá, vệ sinh, mỹ thuật phần đông có tiến bộ, nhưng chưa đủ, cần cố gắng nữa. Thí dụ: khi Bác vào thǎm nhà máy thấy bụi bông bay nhiều. Công nhân hút phải nhiều bụi, như thế không hợp vệ sinh. Bác có hỏi: Sao không làm vải che mồm? Đồng chí phó giám đốc trả lời: đã làm, nhưng chị em phụ nữ không thích đeo vì sợ mất duyên dáng và không ǎn trầu được. Như thế là không đúng, không giữ được vệ sinh, sẽ mắc bệnh, phải đi bệnh viện, tốn thuốc lại bỏ sản xuất”. Bên cạnh đó, Người cũng nhắc nhở: “Một điều nữa là một ngày có từ 12 đến 15% công nhân không đi làm. Thế là không tốt. 100 người mà từ 12 đến 15 người bỏ sản xuất thì ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải khắc phục điểm đó”. Đặc biệt, Người căn dặn: “Nhà máy đang có hiện tượng tham ô lãng phí, mà nhất là lãng phí. Như vậy thì thiệt cho ai? Thiệt cho công nhân, thiệt cho Nhà nước, thiệt cho nhân dân. Nếu chỉ giám đốc và cán bộ chống tham ô lãng phí, có làm nổi không? Phải có công nhân cùng làm. Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô lãng phí thì sẽ hết được”.
Ngày 15-9-1958, trong buổi nói chuyện với 2.000 công nhân cán bộ khoáng sản và luyện kim Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ cán bộ và công nhân phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ quản lý, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Ngày 24-2-1959, trong bức thư gửi cho công nhân, chiến sĩ, nhân viên và cán bộ Xí nghiệp May 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bác rất vui lòng, các cô, các chú có tiến bộ khá về: Đoàn kết thân ái, liên tục thi đua, cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quản lý xí nghiệp. Chắc các cô, các chú đã tự thấy rằng: Tư tưởng thông thì công việc tốt, những kinh nghiệm ấy nên phổ biến cho các nhà May khác. Nhưng các cô, các chú chớ có thấy tiến bộ mà tự mãn, tự kiêu. Trái lại, cần phải cố gắng nữa để tiến bộ mãi”.
Cũng trong ngày 24-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng ba Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá ở Hà Nội. Phát biểu với cán bộ, công nhân, Người nói: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, muốn xứng đáng là giai cấp lãnh đạo thì phải gương mẫu trong công tác. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn nước nhà mau chóng thống nhất, muốn được tự do sung sướng, mọi người phải khắc phục khó khăn, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.
Ngày 30-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, nói chuyện với công nhân và cán bộ Mỏ than Đèo Nai (Quảng Ninh). Người căn dặn: “Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Ngày 1-1-1964, nói chuyện với hơn 4,5 vạn cán bộ, công nhân và đồng bào các dân tộc tại Khu Công nghiệp liên hợp gang thép Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang”.
Như vậy, xuyên suốt trong những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân Việt Nam là: Giai cấp công nhân cần ý thức được vai trò làm chủ của mình. Dù là giai cấp chịu khổ trước hết, nhưng giai cấp công nhân phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đặc biệt, giai cấp công nhân phải đi đầu trong công tác chống tham ô lãng phí, giữ gìn và phát triển nhà máy, xí nghiệp.
Nguyễn Văn Toàn