Tại Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN), các cán bộ nữ luôn nói về đồng nghiệp với sự tự hào và chân thành. Chị Lương Thị Hồng Nhung – Phó trưởng ban Tuyên giáo – Nữ công CĐ DKVN – người vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) vinh danh Cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc năm 2019 – đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về truyền thống và công tác nữ công.
Chị Lương Thị Hồng Nhung (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường và Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan tại lễ vinh danh Cán bộ nữ công tiêu biểu năm 2019
Trong ngành Dầu khí, cán bộ nữ có truyền thống đoàn kết gắn bó một lòng. Các chị luôn coi nhau như chị em trong nhà, thường xuyên chia sẻ với nhau những khó khăn trong công việc, tham khảo, trao đổi, học tập về những cách làm hay, giải pháp tiết kiệm… Đặc biệt, các chị luôn khiêm tốn và tự hào về phong trào nữ công, các tấm gương nữ cán bộ ngành Dầu khí từ xưa đến nay.
Với một ngành đặc thù kỹ thuật cao như dầu khí, cán bộ nữ công không chỉ đảm trách riêng phần công tác phong trào mà còn không quản ngày đêm vất vả để nghiên cứu, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động. Để vừa duy trì các hoạt động phong trào, góp phần chăm lo cho nữ công nhân lao động, thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo của người lao động mà lại không để ảnh hưởng đến công tác sản xuất kinh doanh là một thách thức không hề nhỏ đối với cán bộ nữ công ngành Dầu khí.
Chị Lương Thị Hồng Nhung cũng nhiều lần trăn trở với điều này, bởi chính bản thân chị cùng nhiều đồng nghiệp trong ngành rất nhiều đêm phải làm thêm việc để xây dựng ý tưởng, lên kế hoạch cho các chương trình hoạt động của chị em tại các đơn vị. Trong khi đó, toàn bộ cán bộ nữ công đều làm việc dưới dạng kiêm nhiệm và không hề có tiền bồi dưỡng hay phụ cấp nào.
Chia sẻ về bí quyết “giữ lửa” cho phong trào nữ công, chị Nhung cho biết: Muốn phong trào nữ công tốt thì trước tiên cán bộ nữ công phải giữ được ngọn lửa nhiệt huyết. Chính nhờ ngọn lửa nhiệt huyết được chị Nhung và các cán bộ nữ công dầu khí bền bỉ gìn giữ mà nhiều chương trình ý nghĩa, đầy tính sáng tạo và mang hơi thở thời đại được phát động và triển khai hiệu quả: “Phong trào 5S và sống đẹp, 100% lao động nữ ký kết chương trình đi bộ, chạy bộ vì sức khỏe để lao động tốt” của Ban Nữ công Công đoàn PVFCCo; “Sống đẹp nhằm quyên góp ủng hộ mua chăn màn, sách vở và tặng nhà cho phụ nữ và học sinh vùng lũ” của Công đoàn PVCFC; giáo dục truyền thống và thi báo tường chủ đề về mẹ, phụ nữ và gia đình của Công đoàn PV Drilling… Những hoạt động đó rất thiết thực, ý nghĩa, có tác động rất lớn đến đời sống tinh thần và được hàng nghìn CBCNV PVN hưởng ứng.
Mặt khác, chị Nhung cho rằng, các chương trình, hoạt động nữ công phải được xây dựng trên cơ sở bám sát nhiệm vụ, kế hoạch của ban chấp hành công đoàn cấp trên, công đoàn cùng cấp và gắn chặt với các hoạt động thiết thực phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của chính các doanh nghiệp. Đặc biệt là phải tạo được niềm tin để có được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trực tiếp – nơi chị em đang công tác, vì chính họ là người sử dụng lao động, sắp xếp công việc và bố trí nhân sự để chị em có thể tham gia hoạt động. Chính thái độ ủng hộ, động viên của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ khiến chị em hứng khởi, tham gia đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, mỗi chương trình hoạt động phải truyền tải được những thông điệp ý nghĩa, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nữ công nhân lao động. Các chương trình cần có tính tươi mới, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.
Tại cuộc họp giao ban về công tác nữ công của CĐ DKVN vào tháng 10-2018, chị Lương Thị Hồng Nhung đã đúc rút một số kinh nghiệm sâu sắc trong công tác nữ công: Phải luôn trân quý các ý tưởng, góp ý của thế hệ đi trước, đồng thời tăng cường tinh thần tự lực, tự sáng tạo và tự tổ chức thực hiện tất cả các chương trình. Cụ thể, cần giảm thuê đơn vị tổ chức, kể cả hoạt náo viên, quản trò để rèn luyện cán bộ nữ và các chị em cùng tham gia và thực sự phản ánh được phong trào của quần chúng. Tăng cường tối đa hình thức làm việc theo nhóm, trưng cầu ý kiến để đưa ra chương trình phù hợp và được mọi người hưởng ứng nhất. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Đặc biệt, để thích ứng với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, lao động nữ cần nâng cao nhận thức, rèn luyện, nỗ lực tự vượt qua chính mình, tự học tập, tự trang bị kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Theo chị Nhung, trong xã hội hiện đại, phụ nữ tham gia chia sẻ, góp một phần công sức của mình vào các hoạt động của xã hội, bên cạnh đó họ còn giữ vai trò quan trọng là điểm tựa cho mọi thành viên trong mỗi gia đình. Để chị em ngành Dầu khí phát huy được tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của mình, không thể không nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo PVN, lãnh đạo CĐ DKVN, lãnh đạo các doanh nghiệp và sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của gần 500 cán bộ nữ công. Đánh giá được vai trò và sự đóng góp của đội ngũ nữ công nhân viên chức, lao động, các cấp ủy, lãnh đạo PVN và các doanh nghiệp thành viên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, để đội ngũ cán bộ nữ công toàn ngành Dầu khí triển khai tốt phong trào nữ công trong suốt thời gian qua.
Có thể thấy rằng, những thành quả mà PVN đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua có sự đóng góp to lớn của đội ngũ nữ công. Họ đã và đang nỗ lực không ngừng để vừa làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ, đồng thời “giữ lửa” cho phong trào nữ công ngành Dầu khí.
Các cán bộ nữ công xứng đáng là những bông hồng ngát hương nhưng luôn khiêm nhường của ngành Dầu khí Việt Nam, đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Muốn phong trào nữ công tốt thì trước tiên cán bộ nữ công phải giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết. Chính nhờ ngọn lửa nhiệt huyết được các cán bộ nữ công dầu khí bền bỉ gìn giữ mà nhiều chương trình ý nghĩa, đầy tính sáng tạo và mang hơi thở thời đại được phát động và triển khai hiệu quả. |
Bùi Công