Cách đây 40 năm, vào ngày 19-4-1981, giếng khoan 61 Tiền Hải C (Thái Bình) đã phát hiện ra vỉa khí có giá trị công nghiệp đầu tiên ở độ sâu 1.156m. Khí được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện tại Tiền Hải, phát ra dòng điện công suất 10 MW hòa lưới quốc gia. Đây là mốc son trên hành trình gian nan tìm kiếm nguồn tài nguyên quý giá dưới lòng đất.
Giếng khoan 61 |
Ký ức lịch sử
Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền võng Hà Nội đã được tiến hành từ ngày 12-7-1969 tại làng Khuốc, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình với mũi khoan đầu tiên. 6 năm sau đó là giai đoạn chuẩn bị cấu tạo để khoan sâu tìm kiếm dầu khí. Vào giai đoạn này, Đoàn Địa chất 36 (sau đổi tên là Công ty Dầu khí 1) đã khoan 8 giếng trên 4 cấu tạo, trong đó, giếng khoan 61 (GK61) là giếng khoan đầu tiên trên cấu tạo mỏ Tiền Hải C, đến ngày 25-7-1975 đã phát hiện mỏ khí với trữ lượng hơn 1 tỉ m3.
Theo ký ức ông Nguyễn Xuân Nhự (Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí – Văn phòng Chính phủ), những cảm xúc hôm đó đối với ông vẫn còn vẹn nguyên.
GK61 có kết quả khảo sát khả quan, các thông số địa chất, địa vật lý tốt chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí. Ngay sau đó, công tác thử vỉa giếng khoan trần (không có ống chống) được thực hiện nhằm phát hiện mức độ chứa dầu khí. Sự kiện được đích thân Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị xuống trực tiếp chỉ đạo. “Tôi vẫn nhớ hôm đó, khoảng 11 giờ, Phó Thủ tướng ra về. Tiễn ông ra khỏi giàn khoan, ông dặn dò anh em cố gắng làm tốt công việc để sớm có dầu khí cho đất nước”, ông Nhự nhớ lại.
Ngày đầu không thành công, hôm sau mọi người bắt tay làm tiếp, đó là ngày 18-3-1975. Chỉ đạo và theo dõi thử vỉa hôm đó có ông Nguyễn Ngọc Cư, Đoàn phó phụ trách địa chất và các cán bộ Phòng kỹ thuật Đoàn địa chất 36 gồm ông Nhự, chuyên gia địa chất Nguyễn Văn Biên, kỹ sư Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Công Mợi… Đúng 7 giờ, bộ thiết bị được thả xuống giếng khoan. 9 giờ van thử được mở. Tất cả trèo lên sàn khoan để quan sát. Hơn một tiếng sau không có biểu hiện gì. Cuộc thử kết thúc, khoảng 1/3 bộ cần khoan được kéo lên không có dấu hiệu nào. Với suy nghĩ cho rằng vỉa không có dầu khí, cả đoàn tạm lui về nghỉ ăn trưa tại khu Tổ địa chất giếng khoan cách đó khoảng 700m. Đang trong nặng nề thất vọng, bất chợt kỹ sư Mợi hét lên khi phát hiện dòng khí đang phun phè tiếng rít như xé tan bầu không khí nặng nề. Ai nấy đều vui mừng khôn tả, buông bát bỏ mâm chạy ngay sang GK61. Tận mắt chứng kiến khí phun, ông Nhự nổi cả da gà, tim đập dồn dập. Cứ luân phiên 1 đợt phun khí, 1 đợt phun nước, hình ảnh tạo cảm giác vô cùng kỳ lạ như đánh thức bí ấn của lòng đất.
Kết quả được báo cáo ngay về Đoàn trưởng Phan Minh Bích. Ông Bích liền chỉ đạo mọi người báo cáo lãnh đạo tỉnh, khoan trường trở thành tâm điểm, rất đông các đoàn công tác, chuyên gia Liên Xô kéo về. Cuối cùng, phương án khắc phục sự cố khí phun được diễn ra an toàn. Ông Nhự cho hay, hiện tượng khí phun là bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác thử vỉa sau này. Sau đó, công tác khoan được tiếp tục tới chiều sâu 2.400m, đạt kỷ lục cho đến bây giờ.
Vượt qua gian nan
Hòa bình mới lập lại, đất nước còn vô vàn khó khăn, năng lượng thiếu hụt trầm trọng, cần phải sớm khai thác khí, khai thác dầu phục vụ phát triển đất nước. Nhiệm vụ nghiên cứu chuẩn bị khai thác dầu, khí Tiền Hải được giao cho Tổ khai thác dầu khí. Tổ được thành lập tháng 10-1977, lúc đầu gồm 5 kỹ sư: Trịnh Minh Hùng, Phùng Đình Thực, Vũ Văn Viện, Nguyễn Hữu Trung, Dương Công Khanh; sau đó tăng lên 12 kỹ sư, tất cả đều tốt nghiệp ở các nước Liên Xô, Rumani, Đức. Sau 3 tháng, Tổ trưởng Trịnh Minh Hùng được điều động vào Nam, nhiệm vụ điều hành Tổ khai thác được giao cho ông Phùng Đình Thực (nguyên là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau này).
Ông Phùng Đình Thực và ông Ngô Văn Kha ôn lại kỷ niệm tại khu giếng khoan 61 |
Theo lời kể của ông Thực, tình trạng thiếu điện khi đó rất trầm trọng. Năm 1978, 2 tổ máy phát điện công suất 17 MW/tổ máy chuyển từ miền Nam ra không có dầu để chạy. Tổng cục Dầu khí yêu cầu chuẩn bị mọi mặt để khai thác khí ở GK61 cung cấp cho turbine phát điện. Sang năm 1980, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: “Để có chất đốt khác thay cho diesel chạy máy phát điện, phải xúc tiến nghiên cứu việc khai thác và sử dụng khí mỏ Tiền Hải C” (Văn bản số 4465/VP ngày 20-2-1980). Nhiệm vụ rất nặng nề trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt, từ vật tư đến nhân lực.
“Có một kỷ niệm đáng nhớ, đó là việc triển khai cụ thể phương án công nghệ, phương tiện tính toán thiếu. Tính cân bằng pha cần lập trình, tuy nhiên máy tính không có. Rất may anh Vương Hữu Oánh sau khi học ở Pháp mang về một máy tính cá nhân (như máy học trò bây giờ) có thể lập trình đơn giản. Thế là cả tổ thay nhau sử dụng hết công suất. Vũ Văn Viện, con người trực tính, nóng như Trương Phi, giọng lúc nào cũng oang oang, thế mà cũng phải kiên trì xếp lượt chờ máy tính. Nhìn vào cơ ngơi đó, nhiều người, kể cả cán bộ lãnh đạo, cũng phải lắc đầu”, ông Thực bồi hồi nhớ lại.
Tổ khai thác về sau có thêm một số cán bộ tăng cường như Nguyễn Mậu Phương, Trần Quang Khải, Huỳnh Hồng Miên, không có chuyên gia nước ngoài, đã tiến hành nghiên cứu nhiều phương án và công nghệ xử lý hiện có trên thế giới, sáng tạo và đề xuất phương án xử lý khí nhờ dãn nở tự nhiên phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Sau thiết kế sơ bộ, đến vấn đề nan giải khác: Vật tư mua không được vì cấm vận, vì tài chính. Không bó tay, Tổ khai thác đề xuất tìm kiếm sử dụng vật tư có sẵn và thiết kế, chế tạo bổ sung thiết bị trong nước có thể chế tạo được. Thế là cả tổ lăn đi tìm kiếm vật tư từ các công trường, những vật tư thiết bị trước đó được sử dụng không phải cho khai thác mà cho khoan, cho thử vỉa. Ông Thực và ông Khanh phải đạp xe sang Xuân Thủy, Nam Định và nhiều nơi khác để thu gom…
Sau đó, đề án, phương án được thông qua. Qua bao khó khăn vất vả, lăn lộn trên công trường, anh em trong Tổ khai thác làm việc nhiều, ăn kham khổ, uống nước sông, nước mương, ai cũng gầy, đen nhẻm vì nắng gió. Ông Thực còn nhớ như in khi làm đoạn ống vượt sông Long Hầu, ông Đinh Tuân là Đoàn trưởng xây lắp cùng anh em bơi xuống sông. Hôm ấy nước chảy mạnh, ống nặng, chẳng may một ngón tay bị dập nát, không một lời kêu ca, kiên nhẫn chịu đau, lên bờ băng xong, anh Tuân lại tiếp tục làm…
Trải qua biết bao gian nan, ngày 19-4-1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên đã được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện công suất 10 MW tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để thử nghiệm phát điện. Rất nhanh chóng, chỉ trong năm đầu, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m3 khí cho turbine điện sản xuất 70 triệu kWh, tách được 380m3 condensate. Đến năm 1986 đã khai thác được trên 120 triệu m3 khí cung cấp cho turbine phát điện và sau đó cung cấp khí cho hàng loạt các sơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, như sứ, thủy tinh, xi măng, gạch tráng men… tại tỉnh Thái Bình.
Ông Bùi Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP Gốm sứ Long Hầu |
Từ lòng đất đi lên
Năm 1985, các chuyên gia Liên Xô lần lượt rút về nước. Công tác thăm dò dầu khí ở Đồng bằng Bắc Bộ tạm thời kết thúc. Những người ở lại khai thác mỏ khí không nhiều. Số còn lại ra đi đến những vùng đất mới tiếp tục làm công tác kiếm tìm dầu khí.
Với 35 năm tham gia khai thác mỏ khí Tiền Hải C từ năm 1986, cứ mỗi lần nhắc đến GK61, ông Ngô Văn Kha, Phó giám đốc Công ty Dầu khí Sông Hồng (PVEP), không giấu nổi sự tự hào. Mỏ khí được coi là “bầu sữa” của khu công nghiệp. Có khí và điện, mọi loại hình công nghiệp đều phát triển mạnh cho đến hôm nay, thu hút nhiều lao động trong vùng, cuộc sống của người dân khá hơn rất nhiều.
Để hiểu hơn về câu chuyện “thay da, đổi thịt” trên đất lúa, ông Kha dẫn chúng tôi đến doanh nghiệp đầu tiên ở Tiền Hải sử dụng nguồn khí Tiền Hải C cho đến bây giờ. Đó là Công ty CP Gốm sứ Long Hầu (tiền thân là Xí nghiệp Gạch ngói Long Hầu). Ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Long Hầu, kể:
Ngày đầu mới thành lập, “từ đất đi lên”, CBCNV Xí nghiệp Gạch ngói Long Hầu đã vượt mọi gian nan, đồng sức, đồng lòng cùng nhân dân Tiền Hải biến một vùng đất chiêm trũng Long Hầu thành một xí nghiệp quốc doanh đầu tiên của ngành công nghiệp huyện Tiền Hải.
Trong những năm 1969-1975, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng CBCNV xí nghiệp vẫn kiên cường bám trụ, tranh thủ thời gian sản xuất, cung cấp hàng triệu viên ngói lợp, hơn 10 triệu viên gạch đỏ phục vụ cho chương trình ngói hóa nông thôn và cung cấp vật liệu cho các công trình quốc phòng ven biển, các công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước và nhân dân tỉnh Thái Bình.
Giai đoạn 1975-1985, xí nghiệp đã đạt sản lượng mỗi năm hơn 2 triệu viên gạch, ngói đỏ, gạch lát nền xi măng, bảo đảm việc làm cho hơn 600 lao động với thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Ông Ngô Văn Kha, Phó giám đốc Công ty Dầu khí Sông Hồng |
Đặc biệt, giai đoạn 1986-1990 là quãng thời gian rất khó khăn, kinh tế thị trường đòi hỏi xí nghiệp phải có những đổi mới sáng tạo, lựa chọn hướng đi phù hợp. Rất may, thời gian này có nguồn khí đốt thiên nhiên Tiền Hải, xí nghiệp đã mạnh dạn nghiên cứu sử dụng khí đốt thiên nhiên để sản xuất gạch, ngói đỏ, mang lại kết quả tốt. Xí nghiệp lựa chọn sản xuất sản phẩm gạch men và sứ vệ sinh với công nghệ của Viện Vật liệu xây dựng chuyển giao. Xí nghiệp đã hoàn thành dự án đầu tư sản xuất gạch men, sứ vệ sinh, trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng quy trình công nghệ sử dụng khí đốt thiên nhiên tại mỏ khí Tiền Hải C vào sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp.
Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp tỉnh Thái Bình. Từ đây, chính trên địa bàn của Xí nghiệp Gạch ngói Long Hầu, các nhóm nghiên cứu thử nghiệm của các doanh nghiệp sản xuất xi măng trắng, thủy tinh, gốm sứ… đã trực tiếp học tập, thí nghiệm và thực hành, để từ đó các nhà máy xi măng trắng, thủy tinh, sứ… đều sử dụng nguồn nhiên liệu khí đốt thiên nhiên vào sản xuất, tạo nên một khu công nghiệp Tiền Hải với gần 40 doanh nghiệp.
Xí nghiệp Gạch ngói Long Hầu không ngừng phát triển, thực sự đứng vững trong cơ chế thị trường. Năm 1992, xí nghiệp đổi tên thành Xí nghiệp Gạch men sứ Long Hầu, với trên 600 lao động thường xuyên đủ việc làm, thu nhập ổn định. Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, năm 2005, Xí nghiệp Gạch men sứ Long Hầu hoàn thành cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với 100% vốn của người lao động, có 228 cổ đông và gần 200 lao động.
“Có thể khẳng định Gốm sứ Long Hầu có được như ngày hôm nay gốc gác do từ ngành Dầu khí tạo dựng nên. Tôi hy vọng trong chặng đường phát triển sắp tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục quan tâm, đồng hành, phối hợp để khu công nghiệp Tiền Hải và kinh tế của tỉnh Thái Bình trong tương lai sẽ phát triển hơn nữa”, ông Bùi Văn Sơn nhấn mạnh.
Minh Châu – Nguyễn Hoan