Hội nghị “Người đại diện, công tác dịch vụ và quản lý đấu thầu” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) diễn ra ngày 14-8 tại TP Vũng Tàu đã mở ra nhiều hướng giải pháp cho Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển cho Tập đoàn trong thời gian tới.
Các tham luận, ý kiến đóng góp hầu hết thể hiện sự đồng thuận, đánh giá cao những kết quả đạt được và định hướng triển khai nhiệm vụ trong công tác dịch vụ, đấu thầu và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của Người đại diện Tập đoàn tại doanh nghiệp khác; đồng thời phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, những mặt đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển của Tập đoàn theo Chiến lược đã được Bộ chính trị Kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Báo Năng lượng Mới xin trích đăng ý kiến của HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn và tham luận của lãnh đạo các đơn vị.
Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh
Công tác quản lý Người đại diện và quản lý vốn của Tập đoàn đầu tư vào đơn vị thành viên luôn được coi trong một cách đúng mức. Tập đoàn đã và đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền hạn; công tác quy hoạch, đào tạo, chế độ và chính sách đãi ngộ đối với Người đại diện. Công tác đánh giá kết quả hoạt động của Người đại diện đang được chuẩn hóa, làm tiền đề cho việc xây dựng chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kế cận cũng như quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ một cách hợp lý và hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được tăng cường, nâng cao chất lượng.
Về phía Người đại diện, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn nhưng đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều doanh nghiệp thành viên Tập đoàn vẫn duy trì hiệu quả hoạt động với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn trên 15%.
Công tác dịch vụ và quản lý đấu thầu cũng đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các mục tiêu, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế, thương hiệu của Tập đoàn trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí cả trong và ngoài nước.
Hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục tăng trưởng, phát triển ổn định và dần chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu; sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị ngày càng chặt chẽ nên từng bước đã tập trung và tối ưu hóa nguồn lực trong toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, chúng ta dần tự thực hiện được các dự án có quy mô lớn, phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao mà trước đây phải thuê nước ngoài thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế và khó khăn như: nhiều văn bản, lĩnh vực việc sửa đổi, bổ sung còn chậm chưa theo kịp với thực tiễn và các quy định mới của Nhà nước; công tác quản lý và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Người đại diện trong kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, cảnh báo sớm để có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro mặc dù được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao; tính chủ động trong việc phối hợp giữa Người đại diện của Tập đoàn tại cùng đơn vị hay với các đơn vị khác trong cùng Tập đoàn đôi khi chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến chưa tối ưu việc sử dụng các nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có.
Trong công tác dịch vụ và quản lý đấu thầu, tình trạng chồng chéo một số loại hình dịch vụ do nhiều đơn vị cùng có chức năng thực hiện dẫn đến cạnh tranh nội bộ chưa được khắc phục. Việc liên danh, liên kết giữa các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện trọn gói các gói thầu còn khó khăn do không thống nhất hoặc quá chú trọng đến lợi ích cục bộ nên chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, việc sụt giảm giá dầu dẫn đến các nhà điều hành dầu khí thực hiện giãn, giảm chi tiêu, chương trình công tác và ngân sách làm giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ. Giá dịch vụ giảm cũng đã tác động không nhỏ tới doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị.
Để triển khai tốt công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Người đại diện cũng như công tác dịch vụ, đấu thầu, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống các quy định có liên quan đến công tác quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển… cũng như chính sách tiền lương, tiền thưởng và chính sách đãi ngộ đối với Người đại diện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên nhằm phát hiện và cảnh báo sớm để có các biện pháp quản trị rủi ro cũng như có biện pháp xử lý dứt điểm, kịp thời.
Đối với công tác phát triển dịch vụ và quản lý đấu thầu, cần tăng cường và ưu tiên sử dụng máy móc, vật tư, thiết bị và nguyên liệu sản xuất được trong nước. Nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong ngành, trong nước, phù hợp với quy định hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ các đơn vị dịch vụ trong ngành cung cấp dịch vụ cho các nhà thầu dầu khí, đặc biệt là các dự án lọc hoá dầu, điện và mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Thành viên HĐTV PVN Phan Đình Đức
Tính đến ngày 5-8, việc quản lý các doanh nghiệp thành viên được Tập đoàn thực hiện chủ yếu thông qua 265 Người đại diện. Tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn vào doanh nghiệp khác là 174.176 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 43,6% trên tổng tài sản. Cổ tức, lợi nhuận thu được trong năm là 24.424 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2015 cổ tức, lợi nhuận thu được từ đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác của Tập đoàn là 4.080 tỉ đồng.
Chúng ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Người đại diện như quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và đã đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của toàn Tập đoàn. Tuy nhiên, tính chủ động trong việc kết hợp giữa Người đại diện của Tập đoàn tại các đơn vị chưa thực sự chặt chẽ, chưa phát huy hết năng lực, cơ sở vật chất sẵn có của các đơn vị thành viên. Để khắc phục các hạn chế, Tập đoàn sẽ có những chỉ đạo cụ thể và cùng Người đại diện tại các đơn vị thành viên đẩy mạnh việc tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp, rà soát, xây dựng lại chiến lược kinh doanh, thực hiện các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, hỗ trợ và phối hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện chiến lược chung của Tập đoàn.
Thành viên HĐTV PVN Đinh Văn Sơn
Việc quản lý, thực hiện và phối hợp trong hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ dầu khí giữa các thành viên trong Tập đoàn được xây dựng theo định hướng ưu tiên sử dụng tối đa nguồn lực của các đơn vị trong ngành, nhằm đảm bảo tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Vì vậy, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần có đủ năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực để thực hiện gói thầu, hợp đồng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng với giá cạnh tranh.
Trách nhiệm của Tập đoàn là giữ vai trò “đầu mối” phối hợp, xây dựng định hướng và điều hành kế hoạch phối hợp cung cấp, sử dụng dịch vụ giữa các thành viên; hỗ trợ các đơn vị tìm kiếm thông tin, đối tác, cơ hội xuất khẩu, thủ tục pháp lý… trong hoạt động cung cấp dịch vụ để có thể nắm bắt kịp thời các cơ hội gia tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, trách nhiệm của Người đại diện theo ủy quyền của PVN cần chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển dịch vụ phù hợp với năng lực của đơn vị được giao phó; tăng cường phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ khác để hình thành tổ hợp cung cấp dịch vụ dầu khí mạnh, bổ trợ lẫn nhau, nâng cao năng lực trong việc thực hiện dịch vụ trong và ngoài nước; kiểm tra giám sát, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện dự án nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ theo hợp đồng đã ký.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng
Luật Đấu thầu với những quy định chặt chẽ về nội dung và quy trình thực hiện đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị dịch vụ khi tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, do sự suy giảm và diễn biến phức tạp của giá dầu, tất cả các nhà thầu, đơn vị thuộc lĩnh vực thăm dò tìm kiếm khai thác dầu khí buộc phải rà soát, cân đối, tiết giảm và tối ưu chi phí kế hoạch 2015. Các đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng huy động mọi nguồn lực hiện có, xây dựng và thực hiện các giải pháp hạ giá dịch vụ hợp lý.
Để vượt qua những khó khăn thách thức hiện tại, các đơn vị sử dụng dịch vụ cũng như Người đại diện phần vốn của Tập đoàn cần sử dụng tối đa nguồn lực của các đơn vị trong Tập đoàn, của các doanh nghiệp trong nước; tăng cường liên danh, liên kết giữa các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện công tác cung cấp dịch vụ dầu khí nhằm sử dụng và khai thác tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, nguồn lực sẵn có của các đơn vị.
Đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành cần tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ tại các đơn vị đối tác; tăng cường hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ khác để tạo thành một tổ hợp dịch vụ dầu khí mạnh, bổ trợ lẫn nhau. Tổ chức thực hiện tái cấu trúc tại đơn vị theo hướng chuyên môn hóa; cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường phát triển nguồn nhân lực và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn.
Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa
Ứng phó với tình hình giá dầu giảm sâu từ quý IV/2014, Vietsovpetro đã có những giải pháp như cắt giảm nhiều dịch vụ trong ngành. Ngoài các hợp đồng đầu tư trang thiết bị thì các hợp đồng sử dụng dịch vụ ở ngoài chỉ còn 58 triệu USD, tương đương 40% so với 2014. Chủ yếu Vietsovpetro đã tự thực hiện những dịch vụ này thay vì thuê bên ngoài, một số dịch vụ có thể hoãn đã được giãn tiến độ đến 2016, đồng thời tối ưu hóa hoạt động sản xuất của mình. Về công tác cung cấp dịch vụ trong ngành, do tình hình giá dầu giảm nên Vietsovpetro cũng đã thực hiện giảm giá dịch vụ cho các đơn vị bên ngoài, ví dụ như giảm 10% giá nhân công trong dịch vụ vận hành, dịch vụ lắp đặt công trình biển giảm giá 12%… đồng thời chất lượng dịch vụ luôn được đảm bảo.
Là đơn vị sử dụng dịch vụ, đồng thời cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ, Vietsovpetro kiến nghị các đơn vị trong ngành cần chú trọng đầu tư lâu dài về vật tư thiết bị cũng như nguồn chất xám, năng suất lao động để đảm bảo năng lực cạnh tranh. Ngoài ra cũng cần chú ý nâng cao công tác quản lý cán bộ, hạn chế tối đa việc thay đổi nhân sự vì sẽ khiến ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Việc tổ chức giao ban giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và các đơn vị sử dụng dịch vụ cần thực hiện thường xuyên, định kỳ hàng tháng, thậm chí hàng tuần để có thể nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp. Đồng thời, Vietsovpetro cũng kiến nghị Tập đoàn ban hành quy chế quản lý hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa các đơn vị thành viên, trong đó quy định các tiêu chí đánh giá năng lực của các đơn vị, mục đích để tạo hành lang pháp lý đảm bảo về các vấn đề tài chính cho cả hai bên.
Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn đối với việc sử dụng dịch vụ trong ngành, cụ thể trong 2014, PVEP và các công ty con đã sử dụng 27.000 tỉ (chiếm khoảng 75% các hợp đồng sử dụng dịch vụ) cho các đơn vị trong ngành. Thời gian qua PVEP cũng đã triển khai nhiều biện pháp tiết giảm chi phí để đối phó với tình hình giá dầu suy giảm. Đặc biệt, các dự án đầu tư dịch vụ ra nước ngoài không những ngày càng cạnh tranh khốc liệt mà còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, vì vậy trong thời gian tới có khả năng PVEP sẽ phải giảm bớt các dịch vụ này.
Trong tình thế đặc biệt khó khăn như hiện nay, PVEP đã kiến nghị được lựa chọn hình thức đấu thầu để chọn ra nhà thầu phù hợp, tránh việc đàm phán trực tiếp mà giá đàm phán lại cao hơn giá đấu thầu gây khó khăn cho đơn vị sử dụng dịch vụ. Nếu buộc phải đàm phán trực tiếp thì đơn vị sử dụng dịch vụ cần được cung cấp chi tiết nguồn gốc hình thành giá chào thầu. Ngoài ra PVEP cũng đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành có những chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho các đơn vị sử dụng dịch vụ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang
BSR luôn ý thức được trách nhiệm trong việc tối đa hóa sử dụng dịch vụ của các đơn vị trong ngành. Theo thống kê từ năm 2010, khi nhà máy bắt đầu đi vào sản xuất, nếu tính cả dịch vụ cung cấp dầu thô của PV Oil, tỷ lệ sử dụng dịch vụ của các đơn vị trong ngành của BSR luôn ở mức trên 97%. Các dịch vụ BSR sử dụng như tàu dầu thô, cung cấp hóa chất – hóa phẩm, dịch vụ thiết kế, đào tạo, bảo dưỡng… đều do các đơn vị trong ngành như PVFCCo, DMC, PVE, PVMTC, PTSC… cung cấp.
Toàn cảnh Hội nghị “Người đại diện, công tác dịch vụ và quản lý đấu thầu” năm 2015
Với mong muốn các đơn vị sử dụng dịch vụ có thể hợp tác đồng bộ cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, BSR đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ, cụ thể hơn là từng công ty, từng dự án thiết lập lên một mạng lưới cung cấp thông tin nội bộ sâu rộng nhất có thể. Trong đó, năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực, con người, vật tư thiết bị, phụ tùng thay thế… sử dụng cho công tác bảo dưỡng sửa chữa, xây dựng dự án mới được cập nhật hàng ngày. Với mạng lưới thông tin này, từ các cấp lãnh đạo đến các chuyên viên, kỹ sư ở các phòng ban chuyên môn đều có thể nắm được rằng dự án hiện tại đang cần những gì, có thể tìm được nguồn vật tư thiết bị, dịch vụ ở đơn vị nào trong Tập đoàn. Đó là cách để tối ưu hóa nguồn lực riêng của từng đơn vị, từng dự án, trở thành nguồn lực chung cho toàn Tập đoàn.
Theo báo Năng lượng Mới
Nguyên Phương