Ông có dáng người thấp đậm, tiếng nói rền chắc của người gốc Bắc. Có một điều đặc biệt, một khi đã nói đến kỹ thuật dầu khí là ông nói say mê như lên đồng, nói ồ ạt và liên tục như thể sợ bị ai nói mất. Dù đã kinh qua những chức vụ rất quan trọng tại nhiều đơn vị hàng đầu trong ngành Dầu khí nhưng ông vẫn giữ một phong thái gần gũi, xuề xòa – đặc điểm vốn có của dân sóng gió giàn khoan. Ông là Trần Văn Kim, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Từ Thái Nguyên đến… Bacu
Nhìn phong thái nhanh nhẹn, ồn ã của ông Kim khi trò chuyện tôi chẳng thể tin được, ông vốn bị bệnh tim từ nhiều năm nay. Căn bệnh này từng hành hạ ông tím tái mặt mày và nhiều lần nguy hiểm đến tính mạng. Tính sơ sơ, ông cũng đã dăm lần phẫu thuật và đến giờ đặt 4 ống stent trợ tim trong người.
Tôi may mắn được gặp ông trong lần ông ra Hà Nội khám bệnh. Trước cuộc gặp, tôi tưởng tượng ra ông là một người “vuông vắn” với dằng dặc khái niệm về tài chính, tiền tệ. Nhưng tôi đã nhầm. Ông xuất thân là dân kỹ thuật dầu khí, trưởng thành từ giàn khoan nên tiếng nói hình như cũng… hơi to hơn người bình thường. Nói to để át sóng biển – đó là ông lý giải thế.
Nói không ngoa, ông Trần Văn Kim là một trong số những công thần đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng lên PVI, một tổng công ty hùng mạnh bậc nhất tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ông kể: “Hồi tháng 10/1995, tôi được trên điều từ Liên doanh Vietsovpetro ra Hà Nội để tham gia viết luận chứng kinh tế – kỹ thuật để thành lập Công ty Bảo hiểm Dầu khí. Nói thực, lúc đầu tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại được cử tham gia vào lĩnh vực tài chính bởi tôi là dân kỹ thuật thuần túy. Thế nên, tôi cũng hơi e ngại. Khi tìm hiểu thì mới biết, những kiến thức chuyên ngành về dầu khí lại vô cùng cần thiết cho lĩnh vực bảo hiểm của ngành.
Kỹ sư Trần Văn Kim
Thời bấy giờ, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện cũng như đánh giá tiềm năng tài chính, bảo hiểm của ngành, tôi đã mạnh dạn đưa ra khẳng định: Sau 10 năm, doanh thu của PVI sẽ đạt 1.000-1.200 tỉ đồng. Lúc ấy có nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là con số điền vào cho đẹp văn bản. Và, thời gian đã chứng minh rõ nhận định của tôi. Sau 10 năm, doanh thu của PVI đã vượt trên con số dự đoán trên rất nhiều”.
Trầm giọng xuống bên ly cà phê, ông Kim nhớ về tuổi thơ nghèo khó, túng bấn của mình. Ông Kim quê gốc ở huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Thời ấy, nhà ông thuộc loại nghèo trong làng. Bố là bộ đội xa quê đằng đẵng, nhà đông anh em nhưng anh học trò có dáng người nhỏ thó Trần Văn Kim lại học rất giỏi. “Thời ấy, đi học phải đi bộ 10km từ nhà ra huyện nên anh nào quyết tâm học hết cấp 3 là hiếm lắm. Tôi thích đi học cũng bởi nghĩ rằng, học hành đầy đủ sẽ bớt khổ, bớt đói hơn thôi”.
Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ tư chất thông minh, Trần Văn Kim liên tục đạt học sinh giỏi. Ông nhớ lại: “Về thành tích học tập thì chẳng ai ý kiến gì nhưng về tinh thần kỷ luật thì tớ lại là học sinh hơi… cá biệt. Nhà xa, cách trường tới tận 10km, lại phải đi bộ nên chuyện tớ đi muộn là chuyện cơm bữa. Dù có dậy sớm đi chăng nữa nhưng những ngày mưa, ngày nắng thì đành chịu, vi phạm kỷ luật vậy. Lúc bấy giờ, kỷ luật học tập ở trường lớp cực kỳ nghiêm khắc. Cũng may, các thầy cô cũng hiểu hoàn cảnh gia đình tớ”. Năm lớp 10, trong đợt thi học sinh giỏi toàn tỉnh, tôi đoạt giải Nhì môn Vật lý. Tốt nghiệp lớp 10, vì thành tích học tập xuất sắc, tôi được cử đi học ở Tiệp Khắc.
Thời bấy giờ, được đi học nước ngoài không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là vinh dự của cả làng, cả xã. Được đi học ở Liên Xô nữa thì sung sướng không để đâu cho hết. Lúc đầu, tôi chỉ được cử sang học ở Tiệp Khắc, nhưng về sau do thành tích học tập tốt, tôi đã được cử sang Liên Xô để đào tạo kỹ sư địa chất thăm dò dầu khí ở Trường ĐH Hóa dầu Bacu. Khi ấy, tôi mới chỉ cao 1m44 và nặng có 39kg. Lúc đầu, nhiều thầy cô rất ngần ngại với thân hình quá nhỏ bé của tôi bởi tuy đã học hết lớp 10 nhưng nhìn tôi chỉ như học sinh cấp 2, chẳng biết có đủ sức khỏe để theo học không hay lại bỏ dở giữa chừng. Thế nhưng, cũng bởi bảng thành tích học tập ấn tượng mà cuối cùng tôi cũng được gọi tập trung.
Năm 1974, sau 6 năm học ở Liên Xô, tôi về nước và ngay lập tức nhận công tác ở Đoàn Dầu khí 36C, tham gia đánh giá triển vọng dầu khí vùng Trũng An Châu (Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng). Vùng trũng An Châu với diện tích khoảng 10 nghìn km2 thuộc các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Đây là vùng trọng điểm thăm dò của ta trong thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước.
Ông Kim nhớ lại rằng: “Trước năm 1954, các nhà địa chất người Pháp đã tiến hành khảo sát nhưng mức độ nghiên cứu còn rất sơ bộ, chưa có đánh giá về tiềm năng dầu khí. Về cấu trúc địa chất, họ đều thống nhất cho rằng vùng trũng An Châu là bồn trũng được lấp đầy bởi các trầm tích vụn thô. Dựa trên những kết quả ấy, chúng tôi cùng với các chuyên gia Liên Xô đã tiến hành việc khảo sát địa chất, kết quả phân tích một số mẫu đất đá, các mẫu khí từ các điểm lộ khí và kết quả phân tích, minh giải địa chất – địa vật lý (từ, trọng lực). Các nghiên cứu trên đã sơ bộ phác họa được cấu trúc địa chất và đưa ra một vài quan điểm đánh giá về hệ thống dầu khí của vùng trũng An Châu. Tuy nhiên, do các phương pháp nghiên cứu còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào kết quả của các phương pháp khảo sát bề mặt nên kết quả vẫn chưa được mĩ mãn”.
Thời bấy giờ, những sinh viên tu nghiệp ở nước ngoài về thường chọn công tác tại những cơ quan lớn ở Hà Nội. Rất ít người hồ hởi và tự nguyện lên rừng cống hiến cho một ngành kinh tế còn non trẻ như tôi. Nhiều người bảo tôi dại dột, thế nhưng tôi chưa bao giờ coi là như thế, kể cả đến bây giờ sau mấy chục năm công tác và đã về hưu, tôi vẫn coi quyết định theo Đoàn Dầu khí 36 lên Bắc Giang là chính xác. Rất đơn giản vì tôi được hoạt động đúng chuyên môn của mình, được phát huy kiến thức sở trường của mình, được sống trọn đam mê của thời trẻ trung, nhiệt huyết. Điều ấy chẳng nhiều người có được đâu.
Tháng 5/1976, Trần Văn Kim được cử vào miền Nam, công tác tại Đoàn Dầu khí 21 ở Vũng Tàu. Ông Kim khi ấy là Tổ phó Tổ Kỹ thuật, Phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí Nam Việt Nam. Thời gian này, ông được giao một nhiệm vụ mà có lẽ nhiệm vụ ấy để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cả quãng đời hoạt động trong ngành Dầu khí. Đó là việc ông được tham gia nhóm kỹ sư nghiên cứu, đánh giá trữ lượng dầu khí bể trầm tích Cửu Long.
Xin được nhắc thêm rằng, năm 1976-1978 là thời kỳ khảo sát địa vật lý khu vực như từ, trọng lực và địa chấn để phân chia các lô, chuẩn bị cho công tác đấu thầu, ký hợp đồng dầu khí thuộc khu vực này. Vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Công ty Mobil đã khoan giếng khoan tìm kiếm đầu tiên trong bể, BH-1X ở đỉnh cấu tạo Bạch Hổ với kết quả thử vỉa đối tượng cát kết Miocen dưới ở chiều sâu 2.755-2.819m cho dòng dầu công nghiệp lưu lượng đạt 342m3/ngày. Kết quả này đã khẳng định triển vọng và tiềm năng dầu khí của bể.
Nhóm làm việc của ông Kim đang xem xét neo tàu chứa dầu tại cảng Vietsovpetro năm 1998
Năm 1976, dựa trên những khảo sát từ phía Việt Nam, Công ty Địa Vật lý CGG (Pháp) đã khảo sát 1.210,9km theo các con sông của Đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển Vũng Tàu – Côn Sơn và kết quả là đã khẳng định sự tồn tại của bể Cửu Long với chiều dày trầm tích Đệ Tam. Năm 1978, Công ty Geco (Na Uy) đã thu nổ địa chấn trên một số lô với tổng số chiều dài 11.898,5km và làm chi tiết trên cấu tạo Bạch Hổ với mạng lưới tuyến 2×2, 1×1. Deminex cũng đã hợp đồng thu nổ địa chấn và khoan 4 giếng trên các cấu tạo triển vọng của Lô 15 và kết quả là gặp các biểu hiện dầu khí trong cát kết Miocen sớm và Oligocen.
Đến giai đoạn 1980-1988, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai rộng khắp. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã khoan 4 giếng trên các cấu tạo Bạch Hổ và Rồng, trong đó 3 giếng phát hiện các vỉa dầu công nghiệp trong cát kết Miocen dưới và Oligocen. Và tháng 9-1988 Vietsovpetro phát hiện dầu trong đá móng granit nứt nẻ.
Ông Kim có vinh dự là một trong những người đầu tiên chứng kiến dòng dầu phun lên từ tầng đá móng (đá hoa cương nứt nẻ) của mỏ Bạch Hổ tại giàn khoan cố định số 1.
Người kỹ sư đa năng
Cả đời gắn bó với ngành Dầu khí, tham gia vào rất nhiều sự kiện quan trọng cũng như chứng kiến các bước trưởng thành của ngành, ông Kim có không ít kỷ niệm buồn vui. Từ một học sinh nông thôn, được Nhà nước tin tưởng tạo điều kiện học tập, ông cùng nhiều người khác nữa đã góp phần đưa công nghệ thăm dò khai thác dầu khí về Việt Nam. Ông thật thà kể: “Chính trong thời gian được cọ sát, làm việc với các chuyên gia nước ngoài tôi đã tích lũy được rất nhiều kiến thức. Quãng thời gian 1978-1979, tôi được cử đi “làm thuê” cho Công ty Dầu khí Azip của Italia. Đến năm 1980, tôi lại nằm trong nhóm làm việc trực tiếp với chuyên gia Liên Xô làm luận chứng kinh tế – kỹ thuật cho sự ra đời của Vietsovpetro sau này. Những kiến thức và kinh nghiệm của họ là vô cùng đáng quý trong bối cảnh công nghệ của chúng ta còn non trẻ khi ấy”.
Chuyên gia mà ông Kim trực tiếp là việc chính là ông Axittappovich Sepemetta, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Biển của Liên Xô. Ông Kim cho rằng, Axittappovich Sepemetta là một trong những người ông có công rất lớn trong việc khảo sát, thống kê số liệu nhằm tư vấn cho Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô thành lập một liên doanh thăm dò khai thác dầu khí. Ông Kim nói tiếng Nga rất tốt, lại đã được đào tạo sâu về chuyên ngành này nên được giao trọng trách trực tiếp làm việc với ông Axittappovich Sepemetta. Đồng thời, phía Liên Xô khi đó đã cử nhiều đoàn chuyên gia liên ngành sang phối hợp với phía ta để thăm dò trữ lượng. Kết quả thăm dò đánh giá ấy đóng vai trò quyết định cho việt Liên doanh Vietsovpetro có ra đời hay không.
Ông Trần Văn Kim tại Xưởng Sửa chữa tàu chứa dầu Ba Vì ở cảng Nha Trang năm 1999
Và kết quả là, Liên doanh dầu khí Việt – Xô được thành lập trên cơ sở các Hiệp định Việt – Xô về hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam ký ngày 3/7/1980 và Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam – Liên Xô ký ngày 19/6/1981 về việc thành lập Liên doanh dầu khí Việt – Xô.
Cả một quãng thời gian dài công tác tại Liên doanh Vietsovpetro, với chức vụ là Phó trưởng phòng Thăm dò, kỷ niệm mà ông Kim không bao giờ quên là ông đã trực tiếp đề xuất với cấp trên vị trí một số giếng khoan tìm kiếm dầu khí tại mỏ Rồng, mỏ Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng. Những đề xuất này được cấp trên đồng ý và cho kết quả rất khả quan. Với thành tích này, ông Kim đã được Bộ Công nghiệp tặng bằng khen.
Năm 1995, công việc của ông rẽ sang một hướng mới. Đó là cấp trên điều ông ra Hà Nội để viết luận chứng kinh tế – kỹ thuật lần thứ hai. Lần này là luận chứng để chuẩn bị cho sự ra đời của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (tiền thân của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí). Ông Kim là dân kỹ thuật thuần túy, lĩnh vực bảo hiểm với ông hoàn toàn mới mẻ. Tuy ông chỉ tham gia phụ trách kỹ thuật trong các khâu thẩm định nhưng ông cũng cần am hiểm những kiến thức khác về ngành dịch vụ này. Thế là ông lại ngày đêm đọc sách để tự trau dồi kiến thức. Lúc ấy, ông chỉ sống một mình trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Khang, Hà Nội. Vợ con ông đã ở hẳn trong Vũng Tàu. Một lần nữa ông trở về trạng thái sống độc thân. Ngày đi làm, tối về tự nấu nướng và đêm đọc sách, có hôm đọc đến sáng.
“Ngày 23/11/1995, tôi nhận Quyết định làm Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí. Đầu năm 2003, tôi được cử làm Phó tổng giám đốc PVI kiêm Tổng giám đốc PVI Vũng Tàu. Đến năm 2007, tôi làm Ủy viên HĐQT PVI cho đến lúc về hưu. Cả thảy có 15 năm tham gia xây dựng PVI từ những viên gạch đầu tiên” – ông Kim nhớ lại.
Đã có những nghi ngờ về khả năng của một mô hình kinh tế đặc thù như PVI nhưng tất cả những nghi ngờ ấy đã được các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên tổng công ty xóa tan.
Ông Kim quả quyết: Ngay từ khi mới thành lập, mục tiêu chiến lược của chúng tôi là đưa PVI là trở thành một định chế Bảo hiểm – Tài chính hàng đầu của khu vực. Thực ra, việc kinh doanh bảo hiểm có từ cả trăm năm nay rồi, PVI không đưa ra mô hình gì mới lạ, nhưng điều quan trọng là khi nhập cuộc, PVI phải có được tư duy khác biệt. Chúng tôi luôn bám chắc vào chiến lược – tập trung vào năng lực cốt lõi. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các mảng kinh doanh của PVI chính là cạnh tranh bằng lợi thế so sánh, sự khác biệt, nhất định không lao theo phong trào.
Như vậy, những dự đoán của ông Trần Văn Kim về sự phát triển của PVI là hoàn toàn chính xác. Cuối năm 2010, ông Kim nhận quyết định nghỉ hưu khi PVI đang đạt được những thành công rực rỡ, để đến năm 2011 ghi một dấu mốc đặc biệt trong lịch sử phát triển của PVI, đó là việc PVI đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay, trên 5.200 tỉ đồng. PVI được xem là nhà bảo hiểm công nghiệp hàng đầu tại thị trường bảo hiểm Việt Nam và duy trì tốc độ phát triển cao nhất, vượt xa các công ty bảo hiểm khác trên thị trường.
Cả đời gắn bó với ngành Dầu khí, tham gia đặt nền móng và cống hiến công sức cho hai đơn vị hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã là niềm tự hào cả đời của ông Trần Văn Kim. Mấy chục năm công tác, ông Kim chỉ kịp sống cạnh vợ mình được 7 năm, còn lại thì liên miên kẻ Nam, người Bắc. Tất cả chỉ vì niềm đam mê được cống hiến khả năng, được lao động hăng say. Và đến giờ vẫn thế, tuy đã về hưu nhưng ngày ngày ông Kim vẫn mua báo, vẫn lên mạng để theo dõi những bước phát triển của ngành Dầu khí. Ông vẫn ra Bắc vào Nam, gặp gỡ, trò chuyện với những kỹ sư trẻ trong ngành nhằm truyền đạt những kinh nghiệm của mình. Ông Kim nói: Sức khỏe tôi tuy không còn tốt nữa nhưng trong những giấc mơ của mình, tôi vẫn luôn mơ những giấc mơ về giàn khoan với ầm ào sóng biển, mơ về thời tuổi trẻ khó khăn nhưng hăng say cống hiến. Với tôi, đó luôn là quãng đời đẹp nhất”.
Ông Trần Văn Kim, quê ở Phổ Yên Thái Nguyên – Năm 1974, ông công tác ở Đoàn Dầu khí 36C. – Tháng 5-1976, Trần Văn Kim được cử vào miền Nam, công tác tại Đoàn Dầu khí 21 ở Vũng Tàu. – Năm 1980, ông nằm trong nhóm viết luận chứng kinh tế – kỹ thuật chuẩn bị cho sự ra đời của Liên doanh Vietsovpetro. – Năm 1995, ông được điều ra Hà Nội để viết luận chứng kinh tế – kỹ thuật chuẩn bị cho sự ra đời của Công ty Bảo hiểm Dầu khí. – Tháng 11-1995, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí. – Đầu năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVI kiêm Tổng giám đốc PVI Vũng Tàu. – Năm 2007, ông làm Ủy viên HĐQT PVI cho đến lúc về hưu. |
Minh Tiến