Đã gần 33 năm trôi qua sau trận hải chiến Gạc Ma. Nước mắt của mẹ cha, của những người vợ, người con, của những người đồng đội vẫn rơi khi nhớ về những người anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến đó. Trong suốt 33 năm, nhiều hành động thiết thực được tổ chức trên khắp cả nước nhằm tri ân sự hy sinh bi tráng của những người anh hùng ấy. Trong đó, có cả hành trình tri ân của những người làm Dầu khí.
Anh Đặng Hồng Sơn (ngoài cùng bên phải) cùng ban tổ chức thăm hỏi, tri ân một gia đình liệt sĩ Gạc Ma |
Hành trình đầu tiên
Trước năm 2013, vì nhiều lý do khác nhau mà trận hải chiến Gạc Ma ít được nhắc đến. Đến tháng 3-2013, thời điểm 25 năm sau trận hải chiến mới có nhiều người biết về sự hy sinh bi tráng của những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma qua các phương tiện truyền thông. Nhưng từ trước đó hơn 1 năm, những người Dầu khí đã âm thầm tri ân những gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Việc đó xuất phát từ ý tưởng của anh Đặng Hồng Sơn, lúc đó là Chánh văn phòng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR – thời điểm chưa cổ phần hóa).
Với sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Hội Cựu chiến binh Tập đoàn… phong trào tri ân gia đình những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma được người Dầu khí âm thầm thực hiện. Và từ đốm lửa nhỏ ấy, ngọn lửa tri ân những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma trên cả nước đã được nhân lên rộng khắp.
Một ngày đầu tháng 3-2021, tiếp chúng tôi tại Khu nhà hành chính của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), anh Đặng Hồng Sơn kể về hành trình tri ân những gia đình liệt sĩ Gạc Ma. 9 năm sau hành trình ấy, anh Sơn không còn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh BSR nữa, nhưng từng chi tiết anh vẫn nhớ rất rõ.
Anh kể, thời điểm đó, thông tin về trận hải chiến bi tráng này không có nhiều, chủ yếu là đọc trên mạng và qua lời kể của một số anh em bạn lính. “Những anh em hy sinh ở Gạc Ma đa phần cùng trạc tuổi tôi, cùng nhập ngũ năm 1986. Có khác chăng thì tôi đi biên giới phía Bắc, còn anh em vào Hải quân, rồi ra Trường Sa và hy sinh ở Gạc Ma. Khi đọc được những thông tin về sự hy sinh bi hùng của anh em, tôi suy nghĩ nhiều lắm, luôn nghĩ phải làm sao tổ chức được một hành trình tìm hiểu và tri ân các anh em”, anh Đặng Hồng Sơn kể lại.
Ngày 22-12-2011, trong một cuộc gặp gỡ giữa một số người bạn lính tại TP Quảng Ngãi nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, có cựu chiến binh nhắc đến trận hải chiến Gạc Ma. Anh Sơn đứng dậy nêu ý tưởng về việc tổ chức một hành trình tại Cam Ranh để gặp mặt, tri ân những thân nhân của các liệt sĩ Gạc Ma. Ý tưởng quá hay, quá ý nghĩa này lập tức được ủng hộ. Bắt tay vào thực hiện ngay, Hội Cựu chiến binh BSR đã báo cáo Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Petrovietnam, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn… và được sự đồng thuận cao của các cấp lãnh đạo. Hội Cựu chiến binh BSR đã phối hợp cùng Báo Thanh niên để tìm địa chỉ hiện tại của gia đình các anh, lên danh sách người thân gồm cha, mẹ, vợ, con (đối với những anh đã có gia đình) để tổ chức một buổi gặp mặt tại cảng Cam Ranh.
Biết được sẽ có một buổi gặp mặt, nhiều thân nhân liệt sĩ Gạc Ma đã rất xúc động, nhiều mẹ tuổi cao sức yếu nhưng cũng quyết tâm đến nơi cuối cùng các anh ra đi từ đất liền để giữ gìn thềm lục địa cho Tổ quốc.
Ngọn lửa nhỏ nhen lên phong trào lớn
Sau đó, anh Đặng Hồng Sơn cùng những người tham gia đã tiến hành làm việc với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và đi đến thống nhất sẽ tổ chức một đêm tri ân tại Cam Ranh, tặng mỗi gia đình 10 triệu đồng. Tất cả chi phí sẽ do BSR và Hội Cựu chiến binh Tập đoàn chi trả. Thống nhất như thế, nhưng sau khi tìm được hết địa chỉ gia đình các anh cũng như hoàn thành xong các phần việc hậu cần như phương tiện đi lại, ăn nghỉ cho gia đình các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma… thì ban tổ chức nhận được thông báo từ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là tạm hoãn tổ chức chương trình.
Người dầu khí và hành trình tri ân những liệt sĩ Gạc Ma |
“Nhận thông báo hoãn, chúng tôi đều rất buồn, nhưng lòng quyết tâm thực hiện việc tri ân anh em của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi thay đổi kế hoạch là sẽ đi đến từng gia đình để thăm hỏi và tặng quà. Hành trình sẽ bắt đầu từ Nam ra Bắc, đến khi nào đi thăm đủ 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma thì thôi”, anh Đặng Hồng Sơn kể lại.
Tháng 3-2013, đúng thời điểm 25 năm sau trận hải chiến, những người Dầu khí bắt đầu hành trình đi tri ân những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Họ đi từ Nam ra Bắc, thăm hỏi từng gia đình. Anh Sơn kể, có những gia đình mẹ, cha của các anh không còn, trước khi mất họ chỉ mong một lần được đến nơi con mình ra đi, nhưng ước nguyện đó không thành. Có những gia đình thì khi các anh hy sinh, vợ các anh vẫn còn đang mang thai, đứa trẻ sinh ra đã mồ côi cha; các chị mấy mươi năm ở vậy, làm đủ thứ nghề nặng nhọc để nuôi con, đến bây giờ cũng đã già.
Sau đó, Hội Cựu chiến binh BSR đã lập một trai đàn cầu siêu trong 2 ngày 1 đêm do 8 vị hòa thượng thực hiện và lập bài vị của 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, thờ tự các anh từ đó đến nay. Lý giải cho việc này, anh Đặng Hồng Sơn nói, các anh ấy hy sinh ngoài biển, hài cốt còn nằm dưới đáy đại dương, phải có nơi thờ tự, có bài vị ghi tên tuổi, quê quán… để mỗi ngày Rằm, mùng Một hằng tháng thắp hương tưởng nhớ các anh.
Hành trình tri ân những liệt sĩ Gạc Ma đã tạo tiếng vang lớn. Ngay trong khi hành trình đang diễn ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đã tổ chức trao tặng quà tri ân cho thân nhân các anh. Một số đơn vị thuộc Petrovietnam như Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro… đã tổ chức khảo sát, xây nhà cho một số gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Rồi sau đó, phong trào tri ân những gia đình liệt sĩ Gạc Ma được nhân rộng trong cả nước, góp phần xoa dịu những nỗi đau mà chiến tranh để lại.
“Thật sự khi tổ chức chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma lúc đó, chúng tôi chỉ mong mình như một ngọn lửa nhỏ nhen lên một ngọn lửa lớn hơn nhằm tri ân, động viên những người cha, người mẹ, vợ, con các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Đặng Hồng Sơn chia sẻ.
Thanh Hiếu