11/11/2020 2:25:27

Người dầu khí giữa tâm dịch nơi đất khách – Kỳ 2

Lo lắng, sợ hãi là không thể tránh khỏi và cả vất vả vì phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường, nhưng dường như mục tiêu hoàn thành công việc để về nhà an toàn đã tiếp thêm nghị lực cho những người thợ dầu khí vượt qua thách thức…

Kỳ 2: Vượt qua nỗi sợ

Kỹ sư Mai Hải Đăng – quản lý tàu chứa FSO GOLDEN STAR – kể: “Anh em chúng tôi gồm 7 người là lao động của Công ty CP Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC (PPS) được ở tại 3 căn hộ chung cư cách bến tàu nơi làm việc khoảng 5km. Còn 9 anh em khác là người của PTSC ở nơi khác, cách bến tàu xa hơn. Hằng ngày, khi chưa có lệnh giãn cách, chúng tôi cùng lên tàu làm việc, cùng nhau mua thực phẩm về nấu ăn. Người dân Malaysia chủ yếu sử dụng thịt cừu, thịt gà, muốn mua thịt lợn phải đi rất xa đến siêu thị riêng mới có. Lúc đầu một xe chở 2 người, rồi chỉ còn 1 người, tôi thấy được mức độ nguy hiểm đã tăng lên kịch điểm. Đặt chân vào siêu thị, tôi choáng váng khi mọi thứ hàng hóa gần đã bị người dân mua sạch sẽ. Khẩu trang không thiếu nhưng giá bán lẻ một hộp 50 chiếc tới 1,3 triệu đồng…”.

Người dầu khí giữa tâm dịch nơi đất khách - Kỳ 2

Nhóm CBCNV PTSC bị kẹt lại ở Malaysia do dịch Covid-19

Nhóm kỹ sư PPS được lệnh ở tại chung cư, làm việc online, báo cáo tình hình từng ngày qua email, Zalo chứ không được lên tàu nữa. Trong thời gian có dịch, Chính phủ Malaysia cấp miễn phí 1GB data/người/ngày để truy cập Internet. Bộ Y tế Malaysia cũng luôn đưa ra các thông báo và cách phòng trách dịch bệnh. Đồng thời, mỗi người được cấp 1 số điện thoại để bất kỳ có biểu hiện nào về sức khỏe thì liên hệ với người Malaysia ấy… Chúng tôi luôn tự nhủ phải bình tĩnh đối mặt và lập phương án cho các tình huống xảy ra cho sức khỏe và công việc hoán cải tàu. Quan trọng nhất là luôn tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch”.

Sau 2 tuần căng thẳng, tinh thần mọi người tốt hơn, cũng quen với việc vừa phòng chống dịch vừa làm việc. Cuối tháng 5,

Malaysia cho phép người lao động vào cảng, lên tàu làm việc. Thực tế, do dịch bệnh nên mọi chi phí bị đội lên rất nhiều so với dự kiến như giá vật tư, giá vận chuyển, khó khăn chồng chất khó khăn, Đăng khích lệ anh em “chỉ được phép tiến, không được phép lùi”, tất cả hướng về con tàu, bằng bàn tay, khối óc và ý chí quyết tâm cao. Họ đã làm việc không kể giờ giấc, có những ngày thay phiên nhau làm việc liên tục 12 tiếng để kịp tiến độ. Do trong thời gian các chuyên gia nước ngoài không thể sang Malaysia làm việc, Đăng cùng các cộng sự đã kiêm nhiệm thêm nhiều vị trí, làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường. Vất vả đấy nhưng dường như mục tiêu đưa tàu về nước, đưa chính bản thân về nhà đã tiếp thêm sức mạnh và lúc này mọi người đã được làm việc và ăn nghỉ tại tàu, đó cũng là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đơn giản là cùng nhau làm việc, cùng nhau sinh hoạt trên chính con tàu thân yêu mà không phải giới hạn khoảng cách. Họ đã nỗ lực vượt khó, đoàn kết, tin vào sức mình, tin vào trí tuệ và bản lĩnh của người dầu khí. Hơn 6 tháng qua, FSO luôn được kiểm tra, giám sát từng chi tiết, nghiệm thu từng công đoạn thi công và con tàu hoàn thiện từng ngày.

Người dầu khí giữa tâm dịch nơi đất khách - Kỳ 2

Người lao động trên giàn PV DRILLING II khi làm việc tại Malaysia

Cũng với tinh thần ấy, nhóm cán bộ, công nhân viên trên giàn khoan PV DRILLING II đã vượt qua sự lo lắng, nỗi nhớ nhà, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Anh Nguyễn Huy Tú – thuyền trưởng (Barge Captain) giàn PV DRILLING II – kể lại: Trong thời gian dịch bệnh, do tính chất công việc, anh phải hỗ trợ điều tàu, chuyển giàn, nên mặc dù thời gian cao điểm dịch bệnh, hạn chế đi lại nhưng anh vẫn phải qua lại từ giàn vào bờ, rồi từ bang này sang bang khác ở vùng Sarawak, Labuan, Sabah… của Malaysia. Thời điểm đó, PV Drilling có 4 giàn khoan đang làm việc tại Malaysia, một số giàn kết thúc hợp đồng sớm, anh Tú phải sang hỗ trợ di chuyển giàn sang vị trí khoan mới hoặc ra khỏi khu vực nhiều rủi ro tiềm ẩn rồi bàn giao để đưa giàn về Việt Nam. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc di chuyển không tránh khỏi những nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là khi ở trên máy bay, thời gian chờ trong đất liền. Anh Tú không khỏi lo lắng, nhưng trên hết là nhiệm vụ, quyết tâm, nỗ lực làm tốt chức trách của mình.

Là giàn trưởng (Rig Manager) của giàn PV DRILLING II bị kẹt lại ở Malaysia như một số các anh em khác tại văn phòng ở Kualar Lumpur, anh Lại Hoàng Anh cho biết: Đặc thù công việc trên giàn khoan thường là lao động nặng nhọc, liên quan đến cẩu kéo, nâng hạ, vận hành những thiết bị lớn nên rất dễ xảy ra tai nạn. Trong khi đó, khi không thể đổi ca, mọi người sẽ có sự căng thẳng, áp lực lớn. Với vai trò là giàn trưởng, anh luôn động viên anh em đoàn kết, đồng lòng nhất trí vượt qua khó khăn, cố gắng chia sẻ với công ty, giữ thành tích của giàn, không để xảy ra tai nạn, an toàn để trở về với gia đình.

Người dầu khí giữa tâm dịch nơi đất khách - Kỳ 2

Anh Nguyễn Huy Tú (bìa phải) cùng đồng nghiệp trên giàn PV DRILLING II

Liên lạc vẫn được giữ thông suốt, lãnh đạo công ty quan tâm chỉ đạo, động viên anh em giữ vững tinh thần làm việc, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Bên cạnh đó, được sự thông cảm của nhà thầu, không tạo sức ép nên mọi người làm việc an toàn, không để xảy ra sự cố hay tai nạn nào trong suốt thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lo lắng, nhớ nhà, muốn về với gia đình là cảm xúc chung không thể nào tránh khỏi, nhưng với mỗi người thợ dầu khí, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tuân thủ các quy định an ninh, an toàn như đã ngấm vào máu, nên dù trong hoàn cảnh nào họ cũng vững vàng, lao động với ý thức kỷ luật, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn.

(Xem tiếp kỳ sau)

Mai Phương – Thu Phương