17/08/2022 9:37:09

Người cựu chiến binh gương mẫu, tận tụy

Gương mẫu trong lời nói, tích cực trong việc làm, nhiệt tình trong công tác Hội, sống nghĩa tình với đồng đội, chân thành với đồng nghiệp và chưa bao giờ chùn bước trước những khó khăn – đó là bản lĩnh và khí chất của Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Liên lạc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro Đặng Đình Công.

Người cựu chiến binh gương mẫu, tận tụy

Tiến sĩ Đặng Đình Công (thứ hai từ trái sang) tặng quà cho quân dân Trường Sa Đông trong chuyến công tác tại Trường Sa tháng 4 năm 2022

Khát vọng cống hiến

Cho đến nay, khi đã đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin liên lạc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, nhưng Tiến sĩ Đặng Đình Công chưa bao giờ nghĩ rằng con đường mình đi luôn có sự may mắn mà đó là cả quá trình phấn đấu rèn luyện không ngừng. “Được như ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau. Trưởng thành từ cậu lính binh nhì, tôi hiểu, dù bất cứ khó khăn nào, người lính không được phép chùn bước. Càng khó khăn càng vững niềm tin, càng gian lao càng phấn đấu mới có thể hoàn thành nhiệm vụ” – Anh Công dãi bày.

Mùa thu năm 1985, tạm biệt quê hương Nha Trang – Khánh Hoà, Công lên đường tòng quân nhập ngũ. Đơn vị để cậu tân binh cống hiến tuổi xuân và sức trẻ cho Tổ quốc là Tiểu đoàn 53, Sư đoàn 860, Quân khu 5, tại An Sơn – Diêu Trì – Nghĩa Bình. Trong hàng ngàn tân binh thời đó, Đặng Đình Công là chiến sĩ duy nhất trong Sư đoàn có giấy báo vào Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và được Nhà nước đưa vào danh sách tuyển chọn đi học tại Liên Xô (cũ).

Với khát vọng đem sức trẻ cống hiến cho Tổ quốc và mong muốn được trưởng thành trong môi trường quân đội; lý tưởng ấy đã thôi thúc anh gác giấy báo đỗ đại học để lên đường tòng quân nhập ngũ. Khó có thể nói hết những ngày tháng gian khó của chiến sĩ tân binh trên thao trường nắng lửa giữa nắng gió miền Trung ở thập niên 80 của thế kỷ 20; chỉ biết đó là thời hoa lửa đẹp đẽ nhất của đời lính. Nhờ có những ngày gian khổ tôi luyện trong môi trường quân ngũ mà anh đã rèn luyện được bản lĩnh của người lính để sau này gặp những tình huống khó khăn không bị“gục ngã”.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng lính trẻ tuổi ấy hãnh diện bước vào cổng trường đại học, rồi sau đó được cử sang Liên Xô (cũ) đào tạo chuyên ngành “Thông tin liên lạc và viễn thông”. Ở nước bạn xa xôi, nỗi nhớ gia đình da diết cùng bao khó khăn phải vượt qua; nhưng nhờ có bản lĩnh người lính đã được tôi luyện thử thách trong quân đội, anh đã vượt qua tất cả. Cầm tấm bằng tốt nghiệp lên ngực mình giữa trời Tây, Đặng Đình Công rưng rưng nước mắt. Hình bóng mẹ già ngồi bên cửa chờ đón người con xa quê trở về và những ngày tháng trong đời quân ngũ luôn hiển hiện trong tim. Tiến sĩ Đặng Đình Công tự nhủ, phải biến khát vọng và thành quả học tập để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội, cho quê hương mình.

“Công trình triệu đô”

Sau thời gian học tập, nghiên cứu ở Liên Xô (cũ), Tiến sĩ Đặng Đình Công về nước làm việc tại ngành bưu chính viễn thông TP. Hồ Chí Minh. Năm 2022, như một cơ duyên, anh được về công tác tại Viện Nghiên cứu và thiết kế dầu khí biển thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.

Với kinh nghiệm sẵn có từ những năm tháng công tác tại VNPT lại tiếp cận nhiều hệ thống truyền dẫn tiên tiến, hiện đại của các công ty, tập đoàn trên thế giới, Tiến sỹ Đặng Đình Công luôn có ý tưởng làm sao có thế áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ, làm lợi và tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cho Vietsovpetro.

Điều mong chờ đã đến. Một giải pháp kỹ thuật đã trình lên Lãnh đạo Vietsovpetro, Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng Lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Zarubeznhep. Đó là dự án “Thay thế và mở rộng hệ thống truyền dẫn biển – bờ”. Tất cả lãnh đạo các cấp đều ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho Tiến sĩ Đặng Đình Công thỏa sức sáng tạo và “bắt tay vào công việc”.

Theo đánh giá của Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật đã được phê duyệt, dự án sẽ tiết giảm chi phí cho Vietspvpetro giai đoạn 2022 – 2030 trên 20 triệu USD. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn chờ giao hàng và triển khai lắp đặt, dự kiến đến đầu Quý IV/2022 sẽ hoàn thành dự án. Từ đây hàng loạt giải pháp được ông Công chỉ đạo lên kế hoạch và đề xuất theo lộ trình lên Lãnh đạo Vietsovpetro và Lãnh đạo hai phía.

Từ các năm 2019 đến nay, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam luôn chú trọng triển khai áp dụng các thành quả của cuộc cách mạng 4.0, đẩy mạnh số hóa để tiến tới chuyển đổi số đồng chí đã đã chủ động đề xuất và được Lãnh đạo Vietsovpetro chấp thuận, triển khai và thực hiện.

Được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác, trực tiếp triển khai các công việc liên quan dưới sự chỉ đạo của Ban chuyển đổi số, đồng chí Công tận dụng tất cả thời gian có thể để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện “công trình triệu đô” mà ông luôn đau đáu, tâm huyết. “Giữa thời đại phát triển khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số không chỉ là phương thức làm việc hiện đại hiệu quả nhất trong lao động sản xuất dầu khí, mà còn làm cho con người thay đổi tư duy trong dòng chảy của khoa học công nghệ. Tôi tâm huyết với đề tài chuyển đổi số cũng là thực hiện khát vọng cống hiến của tôi” – đồng chí Công chia sẻ.

Ngoài chức vụ Giám đốc Trung tâm công nghệ Thông tin và Liên lạc, Tiến sĩ Đặng Đình Công còn là Phó Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB Vietsovpetro nửa nhiệm kỳ 2017-2022. Trong Đại hội đại biểu Hội CCB Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nhiệm kỳ 2022-2027, anh tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.

Trên cương vị mới, nhiệm vụ nặng nề, công việc nhiều hơn; để sắp xếp công việc không bị chồng chéo, anh luôn chia công việc ra nhiều mảng khác nhau, mỗi mảng công việc đều có lịch làm việc cụ thể khoa học. Nhờ có phương pháp làm việc khoa học, mà công việc Hội CCB luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Là người giữ chức vụ trọng trách tại Trung tâm Công nghệ Thông tin- Liên lạc và Hội CCB Vietsovpetro, Tiến sĩ Đặng Đình Công luôn phát huy tinh thần tập trung dân chủ trong công tác điều hành. Trong cuộc sống đời thường Anh luôn gần gũi động viên, chia sẻ với cán bộ, công nhân viên và hội viên. Với mong mỏi giúp đỡ gia đình hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Chủ tịch Đặng Đình Công luôn để dành một phần lương của mình để làm từ thiện.

Trong chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 tháng 4/2022 vừa qua, anh cùng đồng đội Hội CCB gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa, DK1 và tàu 571 những tấm thẻ điện thoại Viettel. Những thẻ điện thoại ấy không chỉ là phần quà ý nghĩa, mà còn giúp các chiến sĩ Trường Sa, DK1 kết nối với bố mẹ, người thân ở đất liền. “Tôi làm việc nghĩa ấy từ tâm chứ chẳng đánh bóng hay có mục đích nào khác. Tôi muốn sẻ chia với Trường Sa, DK1 một chút hơi ấm đất liền, đó cũng là điều nên làm”- Chủ tịch Hội CCB Vietsovpetro chia sẻ.

Được hỏi về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cương vị là Chủ tịch Hội CCB Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, anh Công cho biết: “Học Bác chẳng đâu xa, mà bằng những hành động thiết thực, có lợi cho tập thể, có ích cho cá nhân. Học và làm theo Bác, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ; mà còn thể hiện tình yêu với Tổ quốc. Với tôi, học tập, làm theo Bác Hồ là niềm vinh dự, là cuộc hành trình học tập cả đời”. Anh Công cũng cho rằng, để trưởng thành, phải kinh qua công việc gian khó. Nó là bước đi thực tiễn kiểm nghiệm của kết quả thành công. Đã trải qua đời lính thì bất kể tình huống, hoàn cảnh nào cũng không được phép lùi bước.

Người cựu chiến binh gương mẫu, tận tụy

Chủ tịch Hội CCB Việt – Nga Vietsovpetro Đặng Đình Công động viên thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và người có công Long Đất, Bà Rịa – Vũng Tàu

Giờ đây, trong giai đoạn phát triển như vũ bão của nền kinh tế tri thức, người CCB gương mẫu ấy đang dồn tâm sức cùng đồng chí, đồng đội bước vào hành trình mới – hành trình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, điều hành của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro không ngừng phát triển nhanh và bền vững.

Theo Báo Đảng Cộng sản